Khám Thai Định Kỳ Là Hết Sức Cần Thiết Mẹ Chớ Lơ Là

  5419

Biến chứng trong thai kỳ và sinh nở là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tử vong ở thai phụ và thai nhi tại các quốc gia đang phát triển.

Khám thai định kỳ là việc làm hết sức cần thiết nhằm theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, sức khỏe của thai phụ và kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, những biến chứng có thể xảy ra khi mang thai và sinh nở.

Cần thiết nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ tử vong mẹ ở các nước đang phát triển năm 2015 là 239/100.000 ca, trong đó tỉ lệ này ở các nước phát triển là 12/100.000 ca. Biến chứng trong thai kỳ và sinh nở là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tử vong ở thai phụ và thai nhi tại các quốc gia đang phát triển.

Một trong những căn nguyên làm gia tăng tình trạng này là do chị em chưa biết cách chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ.

Khám thai định kỳ là việc làm quan trọng của tất cả mẹ bầu

“Lần đầu mang thai, tôi chủ quan cho rằng không cần phải khám thai thường xuyên bởi sức khỏe của tôi rất tốt, chắc chắn con cái sinh ra sẽ khỏe mạnh. Thế nhưng sau đó đi khám mới biết cơ thể tôi đang thiếu chất và cần phải bổ sung dinh dưỡng để thai nhi phát triển một cách khỏe mạnh nhất” – chị Trang (23 tuổi, Hà Nội) tâm sự.

Không chỉ riêng chị Trang mà nhiều chị em đã mang thai lần 2 cũng rơi vào tình trạng lơ là với khám thai định kỳ. Trường hợp của chị Hòa (Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ.“Do công việc tối ngày bận rộn vừa làm việc ở công ty lại nội trợ và chăm sóc con nhỏ 2 tuổi nên khi mang bầu đứa thứ 2, tôi cũng ít quan tâm tới việc khám thai. Mọi người đều khuyên tôi phải theo dõi thường xuyên để tránh những ảnh hưởng không hay cho mẹ và bé. Vì thế mà tôi mới đi khám. Rất may là bé phát triển bình thường nhưng tôi thì cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn”.

Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, trong suốt quá trình mang thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc chủ yếu vào sức khỏe của người mẹ. Nếu cơ thể người mẹ không đáp ứng đủ dưỡng chất, không đủ sức khỏe thì thai nhi có nguy cơ cao mắc nhiều chứng bệnh khác nhau khi sinh ra hoặc dẫn tới nguy cơ sinh non, thai lưu.

Khám thai định kỳ - chỉ được không mất

Giúp phát hiện các dị tật

Khám thai định kỳ giúp bác sĩ phát hiện các dị tật bẩm sinh thông qua việc siêu âm, xét nghiệm để từ đó có cách xử trí kịp thời.

Việc khám thai định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm dị tật của thai nhi, nắm được tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé

Trong 6 tuần đầu, thai phụ cần siêu âm thai để biết được tuổi thai, kích cỡ thai, tim thai, ngày dự sinh và biết được thai đã di chuyển vào tử cung hay chưa.

Thông qua đầy đủ 8 lần siêu âm tiếp theo ở các mốc quan trọng:

Khi thai 15-19 tuần sẽ giúp đánh giá sự phát triển của thai.

Thai 20-22 tuần giúp theo dõi sự phát triển của thai và phát hiện những bất thường về hình thái thai.

Thai 24-26 tuần để đánh giá sự phát triển của thai.

Thai 28-30 tuần giúp đánh giá sự phát triển của thai, phát hiện những dấu hiệu bất thường của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi như tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén.

Thai 32-34 tuần giúp theo dõi sự phát triển của thai, theo dõi tình trạng ối, xác định vị trí rau bám và ngôi thai.

Thai 35-36 tuần nhằm theo dõi sự phát triển của thai, tình trạng nước ối, xác định ngôi thai và tư vấn dự kiến nơi sinh.

Thai 37-38 tuần sẽ giúp đánh giá sự phát triển của thai, theo dõi tình trạng nước ối, xác định ngôi thai, chuyển viện làm hồ sơ sinh.

Thai 39-40 tuần giúp theo dõi thai, tình trạng nước ối, ngôi thai và tư vấn dấu hiệu chuyển dạ. Kết hợp với việc siêu âm thì xét nghiệm cũng rất quan trọng.

Xét nghiệm dị tật bẩm sinh không nên bỏ qua: Xét nghiệm Double test và Triple test:

Double test thực hiện ở quý I của thai kỳ (từ 11 tuần 1 ngày đến 13 tuần 6 ngày).

Triple test thực hiện ở quý II của thai kỳ (từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 22).

Hai xét nghiệm này giúp phát hiện thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh như: hội chứng Down, Edward, dị tật ống thần kinh, kết hợp với chỉ số mờ da gáy khi siêu âm để tính ra nguy cơ bệnh của thai.

Theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi

Khám thai định kỳ sẽ giúp theo dõi sức khỏe của hai mẹ con, nếu thấy hiện tượng bất thường như thai bé, hơi nhẹ cân so với tiêu chuẩn thì các bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn hữu ích. Có thể bằng cách tăng cường ăn uống, bổ sung các vitamin tổng hợp để giúp thai nhi và mẹ phát triển khỏe mạnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có lời khuyên phù hợp nhất.

Hạn chế việc sinh non

Khám thai định kỳ trong suốt thai kỳ qua 9 lần khám thai còn làm giảm nguy cơ sinh non. Khi khám các bác sĩ sẽ thấy được các đấu hiệu bất thường như cạn ối, bong rau, vôi rau để từ đó đưa ra các biện pháp chữa trị kịp thời.

+ Xem thêm:

ĐỊA CHỈ KHÁM THAI UY TÍN Ở SÀI GÒN VÀ HÀ NỘI

BÍ QUYẾT GIÚP MẸ BẦU NGĂN NGỪA DỊ TẬT THAI NHI


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: