Khi con bước vào tuổi lên 3, không ít ba mẹ cảm thấy sốc khi từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, răm rắp nghe theo lời ba mẹ, trẻ bỗng dưng trở tính, ngang ngược, ương bướng…
Điều gì đang xảy ra với trẻ như vậy? Câu trả lời là, trẻ đang gặp phải “khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3” đấy các ba mẹ ạ!
Bất cứ đứa trẻ nào khi lên 3 cũng đều mắc phải hội chứng khủng hoảng tâm lý, do vậy ba mẹ cần bình tĩnh và khéo léo ứng phó.
Bắt mạch nguyên nhân
Ở tuổi lên 3, khả năng nhận thức của trẻ bắt đầu phát triển rõ rệt. Trẻ biết phân biệt giữa con gái - con trai, biết ba là nam giới - mẹ là nữ giới, biết ý thức về bản thân và bắt đầu nảy sinh những hành động khác với bình thường chỉ để nhằm mục đích khẳng định cái tôi nhỏ bé của mình. Trẻ thích được khen hơn bị chê, trẻ thích tự ăn hơn được mẹ đút, trẻ thích tự chọn đồ mặc mỗi khi ra ngoài cùng ba mẹ...
Chính vì thấy mình... đã lớn nên trẻ tự cho mình được quyền làm những gì mình thích mà không cần phải hỏi ý kiến người lớn. Khi bị ba mẹ la trẻ sẽ phản ứng lại hết sức dữ dội như quậy phá, ném đồ đạc hoặc có xu hướng làm ngược lại lời ba mẹ, trả treo theo kiểu: "Con lớn rồi! Con thích làm như thế này?..." cốt yếu chỉ để bảo vệ cái tôi của mình.
Đứng trước những phản ứng này của trẻ, ba mẹ đừng quá lo lắng, thay vì vậy nên lựa chọn phương pháp phù hợp để chia sẻ với con.
Ba mẹ nên xử lý thế nào?
Khi thấy con bị khủng hoảng tâm lý, nhiều phụ huynh có xu hướng đã chọn một trong hai cách giải quyết sau: hoặc đàn áp hoặc chiều chuộng trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, chiều chuộng theo “yêu sách” của trẻ chỉ khiến cho bé càng thêm lấn tới. Còn đàn áp là cách giáo dục phản khoa học bởi có thể khiến trẻ càng bị khủng hoảng hơn.
Do vậy, tốt hơn hết, khi thấy bé “quậy” các bậc ba mẹ cần bình tĩnh, đừng bị kích động rồi chính mình lại bực tức và rồi dồn sang con và vòng luẩn quẩn này làm cho cả nhà căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc.
Chống đối lại với ba mẹ là một trong những phản ứng thường gặp ở trẻ lên 3.
Một trong những biểu hiện thường gặp của trẻ khi bị khủng hoảng là phản ứng lại với ba mẹ, nhưng chúng không phải chống đối mà chỉ muốn chứng tỏ “mình khác biệt”. Bé cũng có thể làm điều ngược lại với ba mẹ, vì vậy việc ba mẹ ra lệnh, ép buộc bé có thể sẽ gây nguy hiểm cho bé.
Chẳng hạn, khi ba mẹ cấm trẻ tra tay vào nước sôi hay ổ điện, trẻ có thể sẽ… càng lén làm thêm. Lời khuyên là ba mẹ cần nương theo nhu cầu độc lập của bé để tác động giúp bé bước đầu tự lập. Cụ thể là cho bé tự làm những việc trong khả năng, hướng dẫn bé làm những việc cần sự trợ giúp mới làm được, và thử thách bé bằng những việc hơi quá khả năng để bé chinh phục. Ngoài ra, ba mẹ có thể bày trò cho bé sắm vai anh, chị, ông, bà... để bé được thoải mái thể hiện “cái tôi” đang hình thành.
Ba mẹ chỉ nên tỏ thái độ khi trẻ có những đòi hỏi quá đáng và cần giải thích đơn giản cho bé hiểu tại sao ba mẹ không đồng ý với đòi hỏi đó của trẻ, còn nếu trẻ có ý muốn chính đáng thì ba mẹ nên đồng tình và có thể giúp trẻ thực hiện. Tuyệt đối khi trẻ hư ba mẹ không nên xử lý kiểu như đánh đòn trẻ, phạt không cho trẻ đi chơi cùng ba mẹ, không mua đồ chơi mới cho trẻ... như thế sẽ càng khiến trẻ vốn đã dở chứng càng thêm dở chứng hơn.
Khi bé bước vào giai đoạn khủng hoảng đặc biệt này, ba mẹ cần khéo léo ứng xử và có những tác động tích cực như thế sẽ giúp trẻ thêm tự tin và biết quý trọng bản thân - 2 yếu tố quan trọng là nền tảng giúp trẻ phát triển nhân cách khi trưởng thành. Ngược lại, nếu ba mẹ tác động vào trẻ theo kiểu đàn áp sẽ khiến trẻ mất dần sự tự tin, trở nên ích kỷ hơn....
4 bước giải quyết khủng hoảng cho trẻ
Tạo điều kiện cho trẻ được “độc lập”: Chẳng hạn, cho bé tự làm những việc trong khả năng của bé như: chọn quần áo, cất giày dép, rót nước để uống, dọn dẹp chén bát, tự dọn đồ chơi...
Nâng cao khả năng cho con: Đối với những trường hợp bé muốn được làm việc gì đó nhưng ngoài khả năng của mình, ba mẹ có thể chỉ bảo, hướng dẫn, làm mẫu để bé học hỏi, noi theo.
Giúp con tiêu hao bớt năng lượng: Ba mẹ có thể cho con theo học các năng khiếu như vẽ, đàn, hát, nhảy múa hay học bơi, đạp xe đạp ngoài công viên, đá bóng hoặc đưa con ra ngoài vận động…
Tạo môi trường và điều kiện cho bé vui chơi thoải mái: Khi ở nhà, ba mẹ có thể mua thêm cho con những món đồ chơi phù hợp hoặc cho bé chơi trò đóng vai. Ví dụ, bé thích làm người lớn thì khi mẹ đang nấu cơm thật, có thể cho bé giả vờ nấu cơm bằng đồ chơi hay ba hướng dẫn bé trò chơi sửa đồ đạc. Hoặc ba mẹ đưa bé đi chơi công viên, sở thú…
+ Xem thêm:
Đối Phó Với Khủng Hoảng Tuổi Lên Ba Ở Trẻ