Em Bé Bị Bỏng Toàn Thân Khi Tắm Và Lời Cảnh Tỉnh Các Bố Mẹ

  16459

Người mẹ nhìn từng mảng da trên người con lột ra mà không cầm được nước mắt, hối hận vì một phút bất cẩn khiến con bị bỏng, quằn quại trong đau đớn như vậy.

Mới đây, hình ảnh một em bé bị bỏng gần như toàn thân, diện tích 60% cơ thể, độ sâu 3 đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo với các bậc phụ huynh đang có con nhỏ. Theo đó, vào hồi khoảng 18h30, trong lúc pha nước ấm để tắm cho con, một gia đình ở Định Hóa, Thái Nguyên đã bất cẩn khiến con ngã vào chậu nước nóng gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng: lớp da của con khi cởi áo quần ra đã bị tuột hết.

Xót xa trước cơ thể tấy đỏ, da lột ra từng mảng của bé.

Nhìn hình ảnh này có thể hình dung được về sự đau xé ruột gan mà bệnh nhân phải chịu đựng.

Bé nhanh chóng được đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện đa khoa nhưng vì quá nặng nên đã phải chuyển lên Viện bỏng Quốc gia để điều trị. Nhìn lớp da của con đỏ bừng, lột dần từng mảng, người mẹ đã không thể cầm lòng, thi thoảng lại khóc nấc lên. Chị xót con, lại hối hận vô cùng khi chỉ vì một phút bất cẩn mà gây ra tai nạn đau khổ cho con gái nhỏ, ảnh hưởng đến cả tương lai về sau.

Mẹ chua xót, hối hận và cảm giác bất lực trước tình trạng của con.

Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ bị bỏng khi tắm do sự bất cẩn của cha mẹ. Cách đây khoảng 5 tháng, một bà mẹ ở Quảng Đông, Trung Quốc cũng vô tình gây ra bi kịch cho con gái bị bỏng đến 60% do dùng vòi hoa sen xịt nước nóng vào người con. Người mẹ này đã không biết nước trong vòi nóng đến tận 75 độ và cứ thế dùng để rửa người cho con, chỉ đến khi con khóc thét lên mới dừng lại thì đã quá muộn. Toàn thân cô bé 1 tuổi bị tấy đỏ, từng mảng da bắt đầu bong ra.

Hồi đầu năm, một ông bố trẻ ở Thái Lan cũng gây nguy hiểm cho con gái mình khi dùng nước tắm từ vòi hoa sen ở một khách sạn. Cả gia đình này đi du lịch đến Indonesia, ông bố đã kiểm tra nước tắm cho con cẩn thận nhưng bất ngờ con gái khóc toáng lên vì nước trong vòi bỗng nóng đột ngột. Thời gian xảy ra khoảng 20 giây nhưng chân cô con gái đã bị tấy đỏ lên, cả nhà phải vào viện địa phương để sơ cứu rồi quay về Thái Lan ngay sau đó. Sau khi điều trị và chăm sóc, các bác sĩ xác định em bé đã bị bỏng độ 2, tức là vào khoảng 25-30%, trên da có một vài vết bỏng sâu nhưng may mắn không đáng kể.

Hình ảnh con gái bị bỏng do ông bố Thái Lan chia sẻ.

Cùng thời điểm đầu năm ngoái, một bác sỹ ở bệnh viện Xanh Pôn đã tiếp nhận một bé gái bị bỏng khi mẹ cho tắm bằng vòi hoa sen. Bé gái mới 2 tháng tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch, bị bỏng 25-30% từ phía ngực xuống hai bên sườn, cả bộ phận sinh dục, một số chỗ bị bỏng sâu. Lý do là mẹ bé vô tình chỉnh vòi hoa sen sang phần nước nóng hơi quá, xịt vào người bé thấy khói nóng bốc lên, con khóc thét mới hoảng hốt thả vòi nước xuống. Tuy vượt qua được nguy kịch nhưng mẹ của bé đã có một bài học nhớ đời. 

Lưu ý khi tắm cho bé bố mẹ không nên bỏ qua

Qua những sự cố đáng tiếc khiến bé bị bỏng, bố mẹ cần lưu ý những khuyến nghị khi tắm cho bé để giữ cho con mình được an toàn. Trong trường hợp nhà không có bình nóng lạnh, bắt buộc phải đun nước nóng pha vào chậu thì không được để trẻ một mình hoặc ở gần chậu nước nóng, luôn phải có sự trông chừng của người lớn.

Với trường hợp tắm cho bé bằng vòi hoa sen:

- Thử nhiệt độ nước bằng tay hoặc nhiệt kế (nhiệt độ tắm thích hợp cho trẻ là từ 37-38 độ C) trước khi xịt trực tiếp vòi hoa sen vào bé.

- Không để trẻ một mình hoặc không để anh/chị của bé trông bé trong phòng tắm. Trẻ con rất hiếu động và có thể vặn vòi nước sang chế độ nóng gây bỏng.

- Luôn để vòi nước ở chế độ lạnh trước khi pha nước nóng.

- Giữ cửa phòng tắm luôn đóng khi không sử dụng.

Hướng dẫn các bước sơ cứu trẻ khi bị bỏng nước nóng

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước mát và sạch cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. 

- Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

-  Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

+ Xem thêm:

CẢNH BÁO: BÉ 3 TUỔI TỬ VONG VÌ NUỐT TRÁI MẬN HÀ NỘI

CẢNH BÁO: BÉ TRAI NGÃ TỪ BAN CÔNG VỠ SỌ NÃO


Nguồn bài viết: Afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: