Dùng Thuốc trị Biếng Ăn Là Hại Con Hơn Là Giúp Con

  3642

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Đại học Y dược TP.HCM với biệt danh "bác sĩ yêu trẻ con" đã chia sẻ một trường hợp về bé gái 7 tuổi mọc râu vì đã uống thuốc kích thích ăn uống trong 6 tháng liền.

Thấy bé biếng ăn, gầy ốm, bà mẹ đã cho con đi khám và uống thuốc kích thích ăn uống trong 6 tháng liền. Kết quả, bé đã tăng 10kg nhưng kèm theo tác dụng phụ không ngờ đến.

Cân nặng vẫn luôn là nỗi ám ảnh của các bố mẹ khi nuôi con nhỏ. Rất nhiều mẹ vì lo con lười ăn, biếng ăn, chậm tăng cân nên đã tìm mọi cách để con tăng cân cho "có da có thịt", trong đó một cách phổ biến được nhiều mẹ tìm đến là uống thuốc kích thích ăn uống. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng trong các loại thuốc chữa biếng ăn cho trẻ thường có chứa tác dụng phụ độc hại.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Đại học Y dược TP.HCM với biệt danh "bác sĩ yêu trẻ con" đã chia sẻ một trường hợp về bé gái 7 tuổi mọc râu vì đã uống thuốc kích thích ăn uống trong 6 tháng liền. Thuốc đã giúp bé tăng đến 10kg nhưng lại kèm theo tác dụng phụ là mọc râu và lông toàn thân. Đây cũng là lời cảnh tỉnh với các cha mẹ đã và đang cho con uống thuốc chữabiếng ăn, mau lớn.

Bác sĩ Thanh Sang cho biết gần đây, bác có nhận được điện thoại của một phụ huynh gọi tới "kêu cứu": "Bác Sang ơi, con gái của em... mọc râu!!!". Cụ thể, bé gái mới 7 tuổi, theo ghi nhận của mẹ và tất cả mọi người trong nhà là có... râu. Vì không thể chẩn đoán bệnh qua điện thoại, nên bác sĩ Sang khuyên bé đi khám chuyên khoa nội tiết đi. Mẹ bé dạ dạ vâng vâng rồi lại chẳng mang bé đi.

Các bé trong giai đoạn 3-7 tuổi chiều cao tăng nhanh sẽ nhìn bé giống như gầy đi vậy nhưng thực tế là chiều cao cân nặng bé vẫn trong chuẩn bình thường (Ảnh minh họa).

1 tháng sau, mẹ bé lại gọi điện thoại cho bác sĩ Sang vì tình trạng mọc râu và lông toàn người bé càng ngày càng nặng. Cho rằng bé bị loạn hormone nên bác sĩ vẫn khuyên mẹ bé là đi khám nội tiết. Khoảng 1 tiếng sau, mẹ bé đưa bé vào tận khoa bác sĩ Sang làm việc để nhờ thăm khám.

Đập vào mắt bác sĩ là một bé gái 7 tuổi đầy đủ hội chứng cushing và đầy lông mặt, lông quanh miệng và tay chân. Bác sĩ Sang gặng hỏi trong thời gian qua bé có uống thuốc gì không. Mẹ bé nói không. Linh cảm không đúng sự thật, bác sĩ gặng hỏi mãi mẹ bé mới khai là thấy bé gái ốm quá nên đi kê thuốc của một ông bác sĩ về uống. Kết quả là trong 6 tháng bé gái thay đổi hẳn thói quen ăn uống, suốt ngày đòi ăn, mập mạp, mũm mĩm, "có da có thịt" hơn nên cả nhà ai cũng mừng vì từng đi khám dinh dưỡng nhiều nơi nhưng không khả quan.

Được biết, trong 6 tháng qua bé, mỗi lần đi khám bé nhận 10 bịch thuốc gồm 5 viên nhiều màu sắc, không tem, không vỏ, không toa với giá 300 nghìn về uống. Mỗi ngày nghiền 1 bịch cho vào siro cho bé uống và bé đã tăng tận hơn 10kg. Trong số thuốc đó có 1 viên tròn nhỏ màu vàng có khấc. Bác sĩ Sang nhận ra ngay trong đó có viên Dexamethasone. Sau đó, bác sĩ nói bé gái ngồi xuống và đưa tay sờ sau gáy bé thì thấy một cục bướu mỡ to đùng phía sau.

Dexamethasone là một corticosteroid có tác dụng kháng viêm rất mạnh mà ai đã làm liên quan đến y tế đều biết. Dexa thường cho những bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu hay thiếu máu tán huyết, thậm chí là thuốc hóa trị liệu ung thư luôn. Tác dụng phụ của nó rất rất nhiều và vô cùng tác hại, một số biến chứng lên gan và thận nặng nề. Nó chỉ dùng điều trị bệnh mà bệnh đó nguy kịch tính mạng và chấp nhận tác dụng phụ của nó và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để hạn chế biến chứng của nó. Bệnh nhân nào đủ điều kiện ngưng thuốc càng sớm càng tốt.

Bé gái đã uống 1 viên 4mg, tương đương 40kg cân nặng, trong khi bé chỉ 25kg. Liều thuốc này là liều ức chế hệ miễn dịch, để điều trị bệnh nặng, bệnh nguy kịch chứ không phải liều kích thích ăn uống.

Biểu hiện của hội chứng cushing do dùng thuốc có chứa corticoid khiến trẻ bị phù nề, giữ nước trong cơ thể.

Trong số các tác dụng phụ của thuốc có tác dụng kích thích vị giác gây cảm giác thèm ăn và giữ nước bên trong cơ thể. Hai tác dụng đó khiến cho người dùng corticosteroid nói chung bị phù và tăng cân. Mà vấn đề là ban đầu bé gái không hề thiếu cân. Bác sĩ Sang cho biết: "Các bé trong giai đoạn 3-7 tuổi chiều cao tăng nhanh sẽ nhìn bé giống như gầy đi vậy nhưng thực tế là chiều cao cân nặng bé vẫn trong chuẩn bình thường".

Thấy vậy, bác sĩ Sang nói mẹ bé giảm dần số viên uống và chuyển sang khám ở một bác sĩ nội tiết ở BV ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Khoảng 1 tháng sau, mẹ bé gọi bảo rằng ngưng thuốc là bé đỡ hẳn.

Nhân trường hợp này, bác sĩ Sang khuyên các bố mẹ nên ngưng việc tìm thuốc chữa biếng ăn cho trẻ: "Một loại thuốc hại nhiều như thế những người trong ngành chỉ dám dùng cho chữa trị bệnh nặng mà lại lấy tác dụng phụ để ĐIỀU TRỊ CHÍNH thì lợi bất cập hại. Đừng vì vài kg cân nặng con mà đánh đổi gan - thận con, thậm chí là loãng xương về già cho con. Hãy là ông bố bà mẹ thông thái nhé!".

Làm Sao Để Trẻ Hết Biếng Ăn Đây Các Mẹ Ơi ?

Nói Hoài Nói Mãi : Trẻ Biếng Ăn Phải Làm Sao ?

Mẹ Mệt Mỏi Vì Bé Biếng Ăn Khó Nuốt Hãy Xem Bài Này Nhé


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: