Với rất nhiều bà mẹ Việt, việc thường xuyên vệ sinh tai cho con bằng bông ngoáy tai dường như đã là một việc ăn sâu vào tiềm thức. Theo quan niệm của các mẹ, việc vệ sinh tai thật sạch sẽ cho bé sẽ giúp các bụi bẩn không bám vào bên trong tai của bé, làm sạch tai bé và tránh cho bé bị bệnh viêm tai giữa.
Tuy nhiên, thói quen vệ sinh tai trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ này tưởng đúng nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thúy, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chị cho biết từ khi sinh con, chị đã nghĩ sẽ vệ sinh thật sạch sẽ tai cho con để tránh bệnh viêm tai giữa. Hàng ngày, cứ tắm xong cho con chị lại lấy tăm bông ngoáy và mỗi tháng 2 lần chị lấy ráy tai cho con bằng dụng cụ lấy ráy tai của người lớn.
Mỗi lần vệ sinh như thế, chị Thúy rất thích vì tai con trông sạch sẽ. Thậm chí, chỉ cần nhìn thấy mảng bám nào trong tai con, chị sẽ cố lấy ra bằng được. Một thời gian, bé thường xuyên kêu đau tai, nhai cháo bé cũng khóc vì đau. Chị Thúy đã lấy đèn pin từ điện thoại soi thấy tai con đỏ lên và có mùi rất khó chịu. Nhưng thay vì cho con đi bệnh viện, chị nghĩ con có thể bị thối tai nên lại tự ý mua thuốc về thổi vào tai trị thối tai, song tình trạng bệnh ngày càng nặng. Đến khi bé bị đau quá, chị mới cho con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị viêm ống tai mà nguyên nhân chính vì việc ngoáy tai hàng ngày của chị gây nên.
Tác hại khôn lường của việc dùng bông ngoáy tai cho con
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, việc sử dụng bông ngoáy tai không những không làm sạch ráy tai mà thậm chí còn gây ra những tác hại sau đây:
- Đẩy ráy tai vào sâu hơn bên trong màng nhĩ của trẻ. Nếu cha mẹ đưa bông ngoáy tai vào sâu quá có thể gây tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến khả năng nghe của tai, thậm chí còn khiến trẻ có nguy cơ bị điếc.
- Trong trường hợp trẻ cựa quậy, bất hợp tác, bông ngoáy tai có thể gây xước vùng da bên trong ống tai trẻ, gây chảy máu, dẫn đến viêm tai, nhiễm trùng.
- Bông ngoáy tai có thể bị kẹt lại bên trong tai của bé và nếu không được lấy ra kịp thời, chúng có thể ảnh hưởng tới màng nhĩ của bé.
- Việc bố mẹ ngoáy tai cho con có thể làm con bắt chước theo hành động này và từ đó, có thể gây ra một số hậu quả khôn lường, chẳng hạn như khi trẻ tự ý dùng bông ngoáy tai mà không có sự kiểm soát của người lớn.
Ráy tai không phải là thứ mẹ cần vệ sinh
Không chỉ với bé mà với cả người lớn thì ráy tai đều là chất được sinh ra do các tuyến ráy nằm trong tổ chức dưới da của ống tai ngoài kết hợp với các tế bào da chết. Chúng sẽ có tác dụng như một “hàng rào” được cơ thể dựng lên để ngăn ngừa các vật thể lạ, bụi bẩn, côn trùng hay nước tấn công vào tai. Ráy tai có thể gây một chút ngứa nhưng nó là biểu hiện hoàn toàn bình thường của cơ thể.
Đặc biệt, dù không cần dùng đến bông ngoáy tai, ống tai ngoài cũng có thể tự làm sạch mình nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm. Khi động tác này diễn ra, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài, chúng khô dần và rơi ra ngoài. Do đó cha mẹ không cần thiết phải dùng bông ngoáy tai để lấy ráy tai cho trẻ.
Vậy làm thế nào để chăm sóc cho đôi tai của con một cách an toàn?
1. Dùng khăn làm sạch tai ngoài của trẻ.
2. Nếu bạn phải lấy ráy tai của trẻ, sử dụng loại tăm bông an toàn và lau nhẹ nhàng. Hoặc nếu ráy tai nhiều và khó lấy, phụ huynh nên nhỏ chút nước muối sinh lý trước đó từ 2-3 ngày. Làm cách này khi ráy tai mềm sẽ tự rơi ra ngoài hoặc nếu lấy sẽ dễ dàng hơn, trẻ không bị đau rát.
3. Sử dụng nút tai cho con nếu con ở những nơi quá ồn ào.
4. Khi tắm cho trẻ nên cố gắng không để nước vào tai trẻ. Khi bơi, sử dụng mũ bơi để ngăn chặn nước tràn vào tai trẻ.
5. Nếu nghi ngờ con bạn bị nhiễm trùng tai, viêm tai, đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Hoặc chỉ cần con kêu đau tai nhiều ngày, không tự ý chữa cho con mà nên cho con đi thăm khám cẩn thận.
+ Xem thêm:
ĐỂ LẤY RÁY TAI AN TOÀN CHO BÉ MẸ CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU SAU