Đừng Để Con Chết Oan Vì Sặc Sữa

  9453

Sặc sữa ở trẻ sơ sinh dù được khuyến cáo thường xuyên nhưng vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bé bị sặc sữa, có trường hợp không cứu được vì nhập viện muộn.

Sặc sữa ở trẻ sơ sinh dù được khuyến cáo thường xuyên nhưng vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bé bị sặc sữa, có trường hợp không cứu được vì nhập viện muộn.

Thoát chết nhờ một phút cấp cứu

Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Hiếu – Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương kể về ca cấp cứu kịp thời cứu sống một bệnh nhi gần hai tháng tuổi bị sặc sữa mới đây. Hôm ấy, cả hành lang khoa nhốn nháo bởi tiếng kêu thất thanh của một bà mẹ bế đứa bé chừng hai tháng tuổi, toàn thân tím tái, mềm nhũn.

Ngay lập tức, bệnh nhi được hồi sức tim-phổi: chỉnh tư thế, ép tim, bóp bóng qua mặt nạ và hút đờm dãi. Sau chừng một phút can thiệp, trẻ bắt đầu khóc, da dẻ dần hồng hào trở lại. Thao tác cấp cứu đúng cách của các bác sĩ đã kịp thời giúp bé gái thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Bệnh nhi may mắn thoát chết trong gang tấc là Phạm T.H. (Hải Phòng). Thời điểm xảy ra tai nạn, hai mẹ con bệnh nhi đang ở nhà trọ gần bệnh viện. Sau khi cho con bú, đột nhiên người mẹ thấy con gái tím tái rồi lịm dần.

Không may mắn như bệnh nhi trên, bé gái 10 tháng tuổi ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội được đưa đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim. Dù các y BS của khoa đã đặt nội khí quản, nỗ lực cấp cứu nhưng không kịp. Người nhà cho biết, bé đang bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ. Như mọi ngày, mẹ để bé nằm bú bình (vừa bú, vừa ngủ). Sau vài giờ làm việc vặt, mẹ bé tá hỏa khi thấy toàn thân con tím tái. Các BS nhận định, nhiều khả năng trẻ bị trào ngược trong khi nằm ngủ. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ.

Cho bú đúng cách

BS Nguyễn Thành Nam – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện có thể trào ngược sữa gây ngạt thở, nếu không được phát hiện kịp thời thì trẻ sẽ tử vong. Khoa đã từng tiếp nhận những trường hợp trẻ nhỏ bị hội chứng trào ngược (nôn trớ). Trẻ dưới một tuổi rất dễ bị hội chứng này. Sau khi nuốt, thức ăn đi từ miệng xuống thực quản trước khi vào dạ dày. Tại điểm nối thực quản và dạ dày có một số cấu trúc đặc biệt giúp thực quản đóng lại để thức ăn không bị đi ngược lên. Với trẻ nhỏ, quá trình này chưa ổn định dễ gây ra sặc.

“Trẻ bú bình, nên cho bé nằm nghiêng khi bú và quan sát bé trong quá trình bú sữa. Khi trẻ bú xong, có thể cho bé nằm thẳng, gối cao và vỗ lưng cho bé ợ hơi. Không nên để bé nằm bú vì tư thế này khiến bé rất dễ bị sặc và trớ sữa”, BS Thành Nam khuyên.

BS Lê Thị Hà – Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi bé bị sặc là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Có nhiều dấu hiệu điển hình nhận biết trẻ bị sặc sữa như khi trẻ đang bú (hoặc sau bú) đột ngột ho mạnh, sặc sụa, tím tái, khóc thét lên. Lúc đó, người lớn có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng của trẻ; trẻ bị hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị ngưng tim, ngưng thở.

Theo BS Hà, khi chẳng may trẻ bị sặc sữa, cần hết sức bình tĩnh thực hiện sơ cứu trẻ theo các bước: vỗ lưng, ấn ngực bằng cách cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh và nhanh năm cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống xuất sữa ra khỏi đường hô hấp. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh năm cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú khoảng 1-2cm. Lặp lại đến năm-sáu lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.

Sau đó, thông đường thở bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp. Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó, đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

+ Xem thêm:

Cách Sơ Cứu Bé Bị Sặc Sữa Mẹ Nào Mới Sinh Con Cũng Cần Phải Biết

Con Bị Sặc Sữa Tím Tái mẹ Phải Xử Lý Ngay Theo Cách Sau Để Bảo Toàn Tính Mạng


Nguồn bài viết: suckhoedoisong
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: