Độc Chiêu Trị Con Ăn Vạ Nơi Công Cộng

  4192

Trẻ con có khả năng nhiều hơn bố mẹ nghĩ. Chúng biết đánh 'đòn tâm lý' với bố mẹ ở nơi đông người để dễ dàng đạt được điều mình muốn.

Trẻ con có khả năng nhiều hơn bố mẹ nghĩ. Chúng biết đánh 'đòn tâm lý' với bố mẹ ở nơi đông người để dễ dàng đạt được điều mình muốn. 

"Có một cặp vợ chồng ngồi ăn trong nhà hàng với đứa con nhỏ, khoảng một tuổi. Đột nhiên, đứa trẻ bắt đầu quấy khóc, nhất định không chịu ngồi yên trong chiếc ghế của mình. Bố mẹ dỗ dành kiểu gì cũng không nghe. Ông bố (hoặc bà mẹ) bắt đầu mất bình tĩnh, quát to với đứa trẻ nhưng càng nói to thì nó càng khóc dữ dội". Hầu hết các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi 1-3 từng trải qua tình huống này bởi đây là giai đoạn bé phát triển nhiều về nhận thức, tình cảm và mặt xã hội nên dễ giận dữ hay phấn khích. Dưới đây là chia sẻ của mẹ Hena (blogger nổi tiếng người Ấn Độ) về cách cô ấy giúp con kiềm chế cảm xúc và định hướng hành vi cho bé, bổ sung kiến thức cho các bố mẹ.

1. Tránh các cách làm hài lòng tức thì

Trẻ thường ăn vạ khi không được làm theo ý mình. Và khóc là "đòn tâm lý" của trẻ "tấn công" bố mẹ, khiến bố mẹ xót ruột mà chiều theo trẻ. Ngược lại, nếu bố mẹ "rắn" thì cơn giận dữ của trẻ sẽ tiếp tục. Nói "không" với con thực sự chẳng phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi đang ở chỗ đông người. Nhưng hãy tỏ thái độ cương quyết với trẻ vài lần, con sẽ hiểu được vấn đề vì ở tuổi này, bé bắt đầu có nhận thức về nguyên nhân - kết quả.

2. Kiên nhẫn

Hãy kiên nhẫn với tất cả mọi thứ nhưng trước hết là với chính bản thân mình. Kiên nhân và bình tĩnh là lời khuyên cho cha mẹ trong tình huống này. Bởi vì nếu bạn giận dữ hay la hét ngược lại với trẻ cũng chẳng giải quyết vấn đề gì mà còn làm mọi thứ trở nên tồi tệ. Điều bố mẹ cần làm là nói với con một cách bình tĩnh và chắc chắn để kiềm lại cơn "cuồng phong" của trẻ.

3. Mang theo món đồ ăn, uống yêu thích của trẻ

Nếu bạn đi ra ngoài hoặc đi mua sắm trong nhiều giờ, đừng quên đem theo những món đồ ăn, uống yêu thích của con và đưa cho bé khi con bắt đầu "quấy nhiễu". Đây là một cách đánh lạc hướng trẻ và khi ăn, uống, trẻ sẽ bình tĩnh hơn. Tất nhiên, đó phải là những món đồ có lợi cho sức khỏe và đảm bảo vệ sinh.

4. Làm cho trẻ phân tâm

Ngoài cách trên, bố mẹ cũng có thể bày trò chơi cho trẻ hoặc cho trẻ xem một bộ phim hoạt hình yêu thích... Với bất cứ cách nào có thể, bố mẹ cần chuyển sự chú ý của trẻ vào một việc khác.

5. Tìm thời điểm thích hợp

Trong mọi trường hợp, sự chủ động bao giờ cũng được đánh giá cao. Bởi vậy, bố mẹ nên đưa bé ra ngoài vào những khung giờ mà con thấy thoải mái nhất, vui vẻ nhất. Với trẻ trong giai đoạn này, thông thường là buổi sáng mát mát mẻ và trong lành, sau một giấc ngủ hoặc buổi tối.

6. Tạo thói quen tốt

Bố mẹ cần hình thành thói quen cho trẻ, ngay từ những hành động thường ngày thì khi ra ngoài, trẻ cũng sẽ hợp tác tốt với bạn. Một mặt vừa cương quyết không đáp ứng nhu cầu của con nhưng mặt khác vẫn phải giải thích để con biết con hành động như thế là không đúng.

7. Khen ngợi những hành động đúng

Bố mẹ phải thật công bằng với trẻ, nếu có chê thì cũng phải có khen. Mỗi khi bé làm điều gì tốt, bố mẹ cần khen ngợi chúng và khen trước mặt mọi người sẽ càng làm cho trẻ hào hứng, thích thú. Đó là động lực để trẻ tiếp tục phát huy hành động tốt.

8. Lơ đi

Để mặc trẻ tức giận, gào khóc, quăng ném đồ chơi... trong khi bố mẹ vẫn tiếp tục công việc của mình cũng là một cách. Tuy nhiên, khi con đã bình tĩnh, bố mẹ nên lại gần để giải thích cho con và để con thấy rằng mình không bị bỏ rơi.

9. Đánh giá tính cách của trẻ

Mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau và sức chịu đựng giới hạn. Bố mẹ cần tìm hiểu điều này để kịp thời can thiệp, không để con vượt quá ngưỡng sẽ trở thành một đứa trẻ hư, bướng bỉnh và lì lợm.

+ Xem thêm

PHẢN ỨNG KHI CON BƯỚNG BỈNH:NĂN NỈ HAY BỎ MẶC?

NHẬN BIẾT 6 KIỂU KHÓC CỦA BÉ ĐỂ ĐỐI PHÓ


Nguồn bài viết: ngoisao
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: