Có nhiều trường hợp trẻ không cần dùng kháng sinh mà có thể tự khỏi bằng các biện pháp thông thường khác. Chính vì vậy, khi trẻ bị ho, cha mẹ cần chú ý tiếng ho của trẻ để đoán biết bệnh và có cách chữa trị hợp lý nhất.
Khi thay đổi thời tiết, hệ miễn dịch trẻ nhỏ dưới 3 tuổi còn yếu, vì vậy trẻ rất dễ bị ho kèm theo sốt và sổ mũi. Thậm chí trẻ bị ho nhiều ngày và một tháng nhiều lần như vậy.
Khi trẻ bị ho, rất nhiều cha mẹ tỏ ra lo lắng. Nhiều cha mẹ đã vội vàng đưa con đi khám hoặc dùng các loại thuốc kháng sinh.
+ Xem thêm:
MẸO TRỊ HO CHO BÉ BẰNG LÁ HÚNG CHANH HIỆU NGHIỆM
MẸO TRỊ HO CHO TRẺ EM KHÔNG CẦN THUỐC KHÁNG SINH
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều trường hợp trẻ không cần dùng kháng sinh mà có thể tự khỏi bằng các biện pháp thông thường khác. Chính vì vậy, khi trẻ bị ho, cha mẹ cần chú ý tiếng ho của trẻ để đoán biết bệnh và có cách chữa trị hợp lý nhất.
Ho kèm khò khè
Nếu có triệu chứng này, trẻ có thể chỉ là bị viêm mũi họng. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, cha mẹ không nên quá lo lắng mà để trẻ ở nhà theo dõi thêm. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho trẻ, nhỏ mỗi lần 3 – 4 giọt, mỗi ngày 2 – 3 lần. Sau đó, bạn có thể dùng khăn mềm lau khô để thông mũi cho trẻ. Nếu 2, 3 hôm trẻ không đỡ thì có thể đưa đi khám. Mẹ nên tăng cường cho trẻ bú. Nên bổ sung lượng nước theo nhu cầu hàng ngày của trẻ.
Nếu trẻ bị sốt, không nên ủ ấm trẻ quá kỹ. Cho trẻ mặc những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, có thể dùng nước ấm chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn cho bé, nên nhớ là sau khi chườm khăn ướt bạn phải lau lại bằng khăn khô ngay để bé không bị cảm. Bạn cũng có thể cho trẻ uống lá hẹ hoặc ngậm nước mật ong hấp với chanh, quất.
Ho về đêm
Nhiều bệnh ho nặng về đêm. Như khi trẻ cảm lạnh, đàm nhầy từ mũi xoang chảy xuống họng kích thích gây ho khi trẻ ngủ. Bệnh chỉ nghiêm trọng khi trẻ ho, không ngủ được. Trẻ bị hen cũng hay ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm.
Ho nhiều vào ban ngày
Không khí lạnh hay hiếu động có thể khiến trẻ ho nhiều vào ban ngày. Ngoài ra, các bà mẹ cần chú ý thuốc xịt phòng, chó, chim, mèo, hay khói thuốc lá, khói than... có thể làm trẻ ho.
Ho và sốt
Ho, sốt nhẹ kèm sổ mũi là những dấu hiệu thường gặp của cảm lạnh. Nhưng ho và sốt từ 39oC, coi chừng bé bị viêm phổi, nhất là khi trẻ thở nhanh và yếu. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Ho kèm ói
Trẻ em thường ho nhiều tới mức kích thích phản xạ hầu họng, gây ói. Tương tự, một trẻ ho do cảm cúm, hay do cơn hen có thể ói do nhiều đàm ứ đọng trong dạ dày. Thông thường, tình trạng này không đáng lo ngại, trừ khi trẻ ho, ói không ngừng.
Ho kéo dài
Ho kéo dài là hiện tượng trẻ bị ho liên tục trên 4 tuần, có thể trở nên nghiêm trọng. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, vì thế để có thể điều trị phù hợp và tốt nhất cho trẻ thì cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của bệnh.
Nguyên nhân của ho kéo dài có thể do phổi hoặc những bệnh ngoài phổi như viêm xoang mũi, viêm tai, trào ngược thực quản, tim mạch, hoặc do tác dụng phụ của thuốc...
Khi trẻ bị ho kéo dài, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để khám chữa kịp thời. Tại phòng khám, các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử dị ứng, hen phế quản trong gia đình; về môi trường mà trẻ sinh sống hoặc tiếp xúc... Ngoài ra, tùy vào tình trạng của bệnh, trẻ có thể được làm các xét nghiệm như: chụp X-Quang phổi, thử nghiệm lao, chụp xoang, kiểm tra chức năng hô hấp, xét nghiệm huyết thanh để tìm vi trùng, nội soi phế quản nếu có nghi ngờ dị vật...
Ho sặc sụa, tím tái
Trong trường hợp trẻ bị ho tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và khó thở (thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/phút), có tiếng khò khè và co kéo cơ hô hấp ở cổ xuống sườn là những trường hợp nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay. Khó thở luôn là dấu hiệu báo động, phải đưa bé đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.