Con Bám Mẹ Có Gì Sai Mà Các Mẹ Phải Xoắn

  20454

Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng trớ trêu thay, ở loài người, bám mẹ lại bị coi là “cái tội”.

Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng trớ trêu thay, ở loài người, bám mẹ lại bị coi là “cái tội”.  

Bám mẹ thì có gì sai?

Người Việt vốn có những định nghĩa không biết là đúng hay sai về trẻ ngoan, trẻ hư. Với trẻ lớn, thì ngoan nghĩa là làm bài tập về nhà đầy đủ, vâng lời ông bà, bố mẹ. Với trẻ nhỏ hơn, mọi người sẽ khen ngoan nếu trẻ đó ít quấy khóc mè nheo và đặc biệt là không “bám mẹ”. Trong quan niệm của nhiều người, trẻ bám mẹ là trẻ hư và bản thân người mẹ đó, cũng bị liệt vào danh sách “những bà mẹ không biết dạy con” nếu cứ để trẻ nhõng nhẽo bám theo mình. Những bà mẹ nằm trong danh sách này sẽ thường xuyên phải nghe những câu nói quen thuộc kiểu như “để con bám cả ngày thì làm ăn được việc gì”, hay “nó bám mẹ mãi sẽ hư đấy”.

Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, không riêng gì ở con người.

Không biết quan niệm này xuất phát từ đâu, khởi nguồn từ khi nào. Dường như người ta không biết rằng bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài. Bản năng này càng cao, khả năng thích ứng sinh tồn càng cao. Vì con nhìn theo mẹ mà học tập và trẻ cũng học tập hiệu quả nhất từ chính mẹ của chúng. Thế nhưng, trớ trêu thay, ở loài người bám mẹ lại bị coi là một “cái tội”. Để trẻ không bám mẹ, gia đình, người thân và cả hàng xóm láng giềng sẽ nhất mực khuyên rằng, cần phải cai sữa sớm cho trẻ đỡ bám mẹ, để mẹ tự do làm việc khác. Bất kể là việc gì miễn không là bế con cho con bú.

Bám mẹ, tạm gọi theo nghĩa hơi tiêu cực trong suy nghĩ của nhiều người, thực chất là nhu cầu được gần gũi mẹ và được mẹ yêu thương. Nhu cầu này không có gì sai khi ngay từ trong bào thai, sợi dây tình cảm giữa mẹ và con đã hình thành. Sợi dây vô hình này càng khăng khít hơn sau khi bé chào đời, được da kề da với mẹ, được bú dòng sữa mát lành từ chính mẹ của mình. Ngoại trừ những trường hợp cá biệt, thì người gần gũi với trẻ nhất, không ai khác chính là mẹ. Do vậy, cái sự bám mẹ đó nó hình thành và dần trở thành thói quen dĩ nhiên, vốn nó phải như vậy, không thể khác đi được.

Trẻ sẽ chỉ bám mẹ vào một giai đoạn nhất định nào đó.

Khi còn nhỏ, trẻ thích ở gần mẹ, được hít hà mùi thơm của mẹ, mong được mẹ bế ẵm, được mẹ lắng nghe. Những hành động mà người ta gọi là “bám mẹ” này chỉ tồn tại vào một giai đoạn ngắn trong cuộc đời trẻ. Tất nhiên trẻ cũng sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành, sẽ có những mối quan hệ khác và những sở thích khác. Thế nên không thể kết luận rằng, trẻ bám mẹ sẽ “hư”, sẽ không phát triển độc lập, sẽ trở thành người dựa dẫm, ỷ lại. Một khi được đáp ứng nhu cầu chính đáng, ở đây là được mẹ yêu thương thì trẻ sẽ phát triển tự tin và có khả năng đương đầu với khó khăn, thử thách sau này. Thế nên, hãy tận hưởng khoảng thời gian ngắn ngủi quý giá, những năm tháng đầu đời của con, khi con chỉ cần duy nhất một người là mẹ và chỉ mẹ mà thôi.

Trẻ không được “quyền” bám mẹ sẽ ra sao?

Như đã nói ở trên, bám mẹ thực chất là nhu cầu được yêu thương và được khẳng định giá trị của bản thân với mẹ. Những năm tháng đầu đời, trẻ coi mẹ là cả thế giới và là điều quan trọng nhất. Đừng cố ngăn cản trẻ không được bám mẹ, vì nó sẽ chỉ gây ra sự ức chế bất an trong trẻ, mà không hề khiến trẻ ngoan hơn như mọi người vẫn nghĩ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ không nhận được tình yêu thương từ mẹ trong những năm đầu đời dễ phát triển những tính cách xấu về sau này. Nhìn lại cuộc đời thành công của những người nổi tiếng, chính trị gia hay những nhà văn hóa lẫy lừng, người ta tìm ra một điểm chung rằng họ đều có mối liên hệ tình cảm đặc biệt với mẹ đẻ, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời.

Nếu gõ cụm từ “trẻ bám mẹ” vào thanh công cụ tìm kiếm, sẽ cho ra hàng nghìn kết quả và tất cả đều chỉ nói đến cách làm thế nào để trẻ thôi bám mẹ. Những bà mẹ sẽ mãi không thể tìm ra câu trả lời đúng đắn nếu chưa hiểu tường tận thế nào là “bám mẹ”. Trẻ bám mẹ sẽ nhút nhát, trẻ bám mẹ sẽ thiếu tự tin, trẻ bám mẹ sẽ không hòa đồng cùng các bạn? Không phải, trái lại, vì không được “bám mẹ”, không được thỏa mãn nhu cầu yêu thương, che chở, trẻ mới phát triển những tính cách đó. Chính sự gần gũi, quấn quít và lắng nghe con trẻ, mới giúp trẻ tự tin và phát triển độc lập sau này.

+ Xem thêm:

7 CUỐN SÁCH HAY MẸ BẦU NÀO CŨNG NÊN ĐỌC

CÁC ÔNG BỐ PHẢI THUỘC LÒNG 9 ĐIỀU NÀY KHI VỢ MANG THAI NHÉ


Nguồn bài viết: vietnammoi
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: