Muốn sinh thường trong lần sinh thứ hai thì phải bảo đảm nguyên nhân khiến lần sinh trước phải mổ không còn nữa.
Hãy đến với chuyên mục Bà bầu của Eva để tìm hiểu những bí quyết sinh con theo ý muốn, cách ăn uống tốt nhất cho thai phụ, thời trang bà bầu quyến rũ hay " chuyện ấy" an toàn cho mọi bà bầu
Chị N.T.M.L (31 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) đã mang thai 7 tháng. Chị đi khám và tầm soát thai rất kỹ lưỡng tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ vì nghe nói ở đây dù người mẹ đã sinh mổ đứa trước thì đứa thứ hai vẫn có thể sinh thường.
Chị tâm sự: “Cách đây 4 năm, tôi nằng nặc đòi sinh mổ và cuối cùng đã có một BV tư nhân chấp thuận. Bác sĩ nói thai của tôi muốn sinh thường vẫn có thể được dù hơi khó một chút. Lý do tôi sợ sinh thường vì nghĩ sẽ rất đau do xương chậu khá hẹp, em bé dễ bị sang chấn, thời gian hồi phục cũng chậm hơn… Nhưng có trải qua rồi mới biết, việc hồi phục sau cuộc mổ đau đớn khiến cơ thể tôi mệt mỏi hơn nhiều so với mấy người chị sinh thường. Con tôi lại suyễn, dị ứng khá nặng, hỏi ra mới biết trẻ sinh mổ thì đường hô hấp thường không tốt bằng trẻ khác. Giờ thì tôi mong cháu thứ hai sẽ được sinh ra theo cách tự nhiên thôi”.
Không chỉ chị L., nhiều thai phụ có chỉ định sinh mổ trong lần sinh đầu do đầu em bé quá to, ngôi mông, ngôi ngang… cũng có nguyện vọng được sinh tự nhiên trong lần thứ hai bởi so sánh với bạn bè, họ cảm thấy quá trình hồi phục sau sinh mổ quá vất vả. Ngày trước, thường phụ nữ đã có dấu mổ cũ thường được chỉ định mổ luôn trong các lần sau vì lý do an toàn nhưng ngày nay, tại nhiều bệnh viện, những trường hợp như vậy vẫn được phép sinh thường nếu sức khỏe mẹ và con bảo đảm.
“Muốn sinh thường trong lần sinh thứ hai thì phải bảo đảm nguyên nhân khiến lần sinh trước phải mổ không còn nữa. Ví dụ, lần trước cháu bé nằm ở ngôi ngang, phải mổ thì lần này nếu nguyên nhân ngôi ngang không còn tồn tại và cũng không có yếu tố bất thường nào cản trở thì sản phụ vẫn có thể được bác sĩ cho sinh thường” - bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ, cho biết.
Tuy nhiên, trong sản khoa, thai kỳ mà người phụ nữ mang sẵn một vết mổ cũ (như người đã từng mổ lấy thai) mặc nhiên được coi là một thai kỳ nguy cơ cao, như nguy cơ nứt vết mổ, thai lạc chỗ do bám vào vết mổ, bất thường về nhau thai... Do đó, thai phụ cần được khám và tầm soát ở những cơ sở có đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực để kịp thời phát hiện các bất thường nhằm tránh rủi ro cho mẹ và con. Dù vậy, các thai phụ cũng không nên quá lo lắng bởi trong thực tế số người gặp vấn đề bất thường chỉ là số ít.
Bác sĩ Hải cũng lưu ý thêm rằng việc mổ lấy thai lần thứ nhất hay thứ hai, thứ ba hoàn toàn khác nhau về tính chất nên việc sinh thường sau sinh mổ chỉ được áp dụng với thai phụ mới mổ lấy thai 1 lần. Với người đã sinh mổ 2 lần trở lên thì lần sinh sau bắt buộc phải sinh mổ.
+ Xem thêm:
NHỮNG NGUY CƠ MẸ SINH THƯỜNG NÊN BIẾT
NHỮNG DẤU HIỆU MẸ BẦU KHÔNG ĐƯỢC SINH THƯỜNG