Có Nên Lấy Ráy Tai Cho Bé

  7622

Ráy tai là hiện tượng bình thường của cơ thể, nhưng nếu có quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai.

Có trường hợp trẻ hơn 3 tuổi gặp vấn đề về nghe nói do màng nhĩ bị ráy tai che lấp hoàn toàn. Bé luôn đòi mẹ vặn âm lượng TV lớn hơn, mặc dù chị của bé đang ngồi cạnh vẫn nghe tốt. Sau đó, bé bắt đầu nói những từ mới với cách phát âm không chính xác. Tất cả những hệ quả này là do thói quen lấy ráy tai của mẹ.

1/ Ráy tai là gì?

Ráy tai là hiện tượng bình thường của cơ thể, nhưng nếu có quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai. Ráy tai ướt hay khô tuỳ vào đặc điểm di truyền: người gốc Đông Á và người Mỹ bản địa thường có ráy tai khô, trong khi hầu hết những người khác có ráy tai ướt.

Ráy tai được hình thành từ những chất do các tuyến trong ống tai tiết ra (như mồ hôi, bã nhờn và tế bào chết), giữ vai trò quan trọng giúp đôi tai khoẻ mạnh. Đây chính là chất sáp giúp chống nhiễm trùng, làm ẩm và bôi trơn cho ống tai, đồng thời ngăn cản bụi bẩn.

Thường thì chúng ta không cần làm gì cả, chất sáp này sẽ tự thoát ra khỏi tai, mang theo những chất bẩn kết bên trong nó. Nhiều cha mẹ sai lầm khi dùng tăm bông hoặc đầu kẹp tăm để làm sạch ráy tai, nhưng lại càng khiến ráy tai bị đẩy sâu vào trong, gây nguy cơ tổn thương tai. Thực ra bạn chỉ cần dùng khăn sạch lau trong tai cho trẻ, ráy tai sẽ tự thoát ra ngoài.

2/ Có nên lấy ráy tai cho bé?

Sẽ rất nghiêm trọng nếu ráy tai bị vón cục hoặc con bạn có quá nhiều ráy tai. Ráy tai bao phủ màng nhĩ có thể khiến trẻ nghe nhỏ hoặc không nghe rõ. Thậm chí gây khó khăn và che mất tầm nhìn của bác sĩ khi cần khám nhiễm trùng tai.

Đừng dùng ngón tay để lấy ráy tai cho trẻ. Nếu bác sĩ nói con bạn có quá nhiều ráy tai, bạn sẽ được hướng dẫn cách làm sạch tai trẻ bằng dầu ôliu hoặc dầu khoáng dành cho em bé. Mỗi bác sĩ có thể gợi ý hơi khác nhau, nhưng cách thông thường nhất là bạn cho trẻ nằm nghiêng, tai cần làm sạch hướng lên trên, nhỏ một vài giọt dầu vào tai trẻ, một ngày nhỏ vài lần.

Bác sĩ cũng có thể rửa tai cho trẻ bằng ống tiêm bơm nước. Cách này làm sạch rất hiệu quả, nhưng thường không được áp dụng đối với trẻ nhỏ. Nếu ống tai trẻ vẫn tiếp tục bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia để tiến hành giải quyết triệt để bằng thiết bị hiển vi đặc biệt.

Nhỏ dầu ôliu khá hiệu quả, sang ngày thứ 3, những khối sáp cứng sẽ bắt đầu rơi ra khỏi tai trẻ. Bé lập tức nghe rõ trở lại và bạn không cần vặn âm lượng TV quá to nữa.

3/ Có nên mua bộ lấy ráy tai cho bé?

Các nhà thuốc có bán nhiều loại sản phẩm làm sạch ráy tai, bao gồm chai nhỏ giọt có thành phần từ carbamide peroxide, dầu đậu phộng và dầu ôliu, cùng những dụng cụ đặc biệt để lấy ráy tai. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải dùng những sản phẩm đó, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Dầu khoáng và dầu ôliu vẫn giúp lấy ráy tai hiệu quả mà lại rẻ hơn.

+ Xem thêm:

HƯỚNG DẪN VỆ SINH MẮT TAI MŨI MIỆNG RỐN VÀ VÙNG KÍN CHO BÉ SƠ SINH

BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ CÓ THỂ BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM TÍNH MẠNG


Nguồn bài viết: Theo MB
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: