Có Nên Ép Con Học Chữ Trước Khi Vào Lớp 1 ?

  4422

Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc liệu có nên dạy trẻ học chữ và số ở độ tuổi rất nhỏ? Liệu việc "đi trước" như vậy có lợi ích gì cho sự phát triển của trẻ hoặc có ảnh hưởng gì đến phát triển tự nhiên của trẻ?

Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc liệu có nên dạy trẻ học chữ và số ở độ tuổi rất nhỏ? Điều này xuất phát từ những video của một số phương pháp dạy chữ-số sớm đang được lan truyền gần đây. Một số cha mẹ cũng băn khoăn: Nếu trẻ có những biểu hiện khá thành thạo chữ và con số, liệu có nên tiếp tục hay để trẻ cứ tự nhiên phát triển? nhưng quan tâm lớn nhất vẫn là: Liệu việc "đi trước" như vậy có lợi ích gì cho sự phát triển của trẻ hoặc có ảnh hưởng gì đến phát triển tự nhiên của trẻ?

LÀM SAO TRÍ TUỆ CỦA 1 ĐỨA TRẺ PHÁT TRIỂN?
Nhiều cha mẹ chỉ đơn thuần nhìn sự việc dưới góc nhìn của kết quả, hơn là nhìn thấy và suy xét một quy trình, đặc biệt quy trình để trẻ học và phát triển từ ngữ - số.

Xét về mặt phát triển ngôn ngữ - số học, trẻ cần có 3 yếu tố phát triển song song:
1. Phát triển về nhận thức và cảm xúc
2. Phát triển về trí tuệ
3. Phát triển nhận thức về ngôn ngữ -con số
Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố thì việc nhận dạng mặt chữ-con số chỉ nằm ở tính chất tạm thời, không có điều kiện để trở thành kỹ năng cho bé. Não bộ cần có các liên kết để tạo "điều để nhớ", việc lập lại 
" điều để nhớ" này nhiều lần sẽ tạo thành kỹ năng, những kỹ năng tạo thành trí tuệ. 
VD: Không bao giờ 1 đứa trẻ chỉ nhìn/nghe 1 lần có thể biết hình con mèo, gọi là CON MÈO. Nếu bé lặp lại được ngay khi được dạy thì gọi là "lặp lại từ mẹ nói", nhưng để "đọc ngữ âm của từ "MÈO" là chưa và cần 1 vài mối nối liên kết khác. Mối nối liên kết này cần: Hình ảnh, màu sắc, chạm lông mèo (nếu có), lâu lâu thấy con mèo mẹ lại gọi con mèo (bé nghe lặp lại) và còn nhiều liên kết ngẫu nhiên.
Các liên kết này chỉ có thể được nối khi hội đủ 2 yếu tố kể trên là cảm xúc và trí tuệ. 
*Cảm xúc là lúc bé tiếp cận nó có vui và thích thú, việc học chữ có phải trò chơi hay là 1 điều bắt buộc nhàm chán. 
*Trí tuệ thể hiện ở việc trẻ có tham gia vào trò chơi/việc dạy của bạn không: VD. Khi đọc sách, bé có cố chạm trang sách không, có cố chỉ trỏ và nói bập bẹ gì không, hoặc có cố giành lật trang không? Nếu có, đó là thể hiện bé phát triển trí tuệ. Nếu không, bạn cần phải khuyến khích cho bé cơ hội tham gia vào hoạt động của bạn.
Do đó, hai yếu tố này sẽ kết hợp các liên kết cần có trong yếu tố ngôn ngữ-con số để tạo nên trí thông minh và học hỏi của trẻ.

VIỆC HỌC CHỮ - SỐ SỚM LIÊN QUAN GÌ ĐẾN 3 YẾU TỐ TRÊN?
Trên thực tế, điều này không chỉ liên quan, mà nói cách khác đó là lý thuyết để não bộ của trẻ hoạt động.

LIỆU DẠY TRẺ CHỮ VÀ SỐ SỚM CÓ NÊN LÀM?
Với những bằng chứng khoa học hiện tại, tôi chưa thấy câu trả lời thuyết phục về nên hay không nên. Tôi chỉ có câu trả lời: Nếu áp dụng thì phải làm tốt và đúng khoa học não bộ dù bất cứ phương pháp học nào. Nếu không áp dụng đúng khoa học thì không nên làm vì sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho não bộ. Về những tác hại về việc học từ-số sớm thì chưa thấy, nhưng nếu việc dạy này gây áp lực và ảnh hưởng không gian vui chơi của trẻ là sẽ chắc chắn mang ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

ĐỘ TUỔI THÍCH HỢP?
Rất khó trả lời cho câu hỏi này vì rất nhiều phương pháp dạy khác nhau đưa ra độ tuổi khác nhau. Theo Gs. Smith P.K, tác giả quyển sách Understanding children's development, đã nói về sự phát triển trí tuệ theo độ tuổi, và so sánh với cảm xúc và nhận thức ngôn ngữ. 18 tháng tuổi là độ tuổi bắt đầu có đủ giao thoa 3 yếu tố kể trên ở mức tương đối. Trước 17 tháng tuổi, trẻ vẫn đang học về không gian khi thả rơi vật (thuật ngữ gọi là casting), tìm kiếm đồ chơi ở góc thường nhìn thấy (chỉ ban đầu có sự liên kết) và nhận dạng vật thể giống nhau hoặc chỉ biết 2 người có nét giống nhau (quần áo, nét mặt, kiểu tóc) trong 6 mét. Từ 18 tháng tuổi, trẻ có khả năng tham gia vào hoạt động nào đó và phát triển nhận thức vui thích khi tham gia.

DẠY BAO NHIÊU CHỮ-SỐ LÀ THÍCH HỢP VỚI PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CỦA TRẺ?
* Từ 18 tháng - hết 24 tháng: 
Đừng quá 200 từ trước 2 tuổi
Cố gắng ghép 1-2 từ trong 1 câu
Đếm 1-10, đừng quá 20
Phép cộng 1-5
Màu sắc 3-5 màu

* Từ 3-5 tuổi:
Đừng quá 5000 từ trước 5 tuổi
Ghép 2-3 từ trong câu
Chỉ bé phân biệt câu hỏi: tại sao, cái gì, bao nhiêu, nơi đâu để diễn tả ý bé muốn làm.
Đếm 1-20, không quá 100
Phép cộng 1-20, phép trừ 1-10
Màu sắc không giới hạn, có thể dạy thêm màu kết hợp trong lúc chơi vẽ tranh.

DẠY TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Cha mẹ có thể hiểu 1 vài nguyên tắc quan trọng sau :

1. Buổi học là một hoạt động vui chơi, không phải là là lớp học, không giáo điều, không ép buộc. Trẻ muốn nghĩ là nên cho bé nghĩ. Nên nhớ, cảm xúc vui chơi là 1 trong 3 yếu tố làm nên trí tuệ trẻ.

2. Không cần giáo trình nào đắt tiền. Mẹ có thể dùng sách để dạy trẻ. Cha mẹ nên chọn những quyển sách lớn, có hình ảnh màu sắc tương phản, ít chữ-chữ to.

3. Khi chơi cùng trẻ thì nên khuyến khích trẻ tham gia như chỉ cái này, lật trang quyển sách (lúc lật trang thì mẹ tạo tiếng động cho bé thích thú).

4.Những bài học ngoài trời là thiết thực. Dẫn bé ra công viên dạy bé về chiếc lá sẽ tốt hơn là nhìn chiếc lá qua thẻ chữ hay máy đọc chữ.

5. Không dùng thiết bị điện tử để dạy trẻ trước 3 tuổi. Sau 3 tuổi nên hạn chế các thiết bị làm trẻ cuốn hút cả ngày vào như TV, điện thoại, Ipad.

6. Hãy biến buổi học chữ thành cuộc chơi ngôn ngữ với bé bằng cách cho bé tham gia vào việc dạy của bạn bằng việc hỏi bé những câu hỏi khi đọc. Ví dụ như: “con có thấy con mèo không” nó kêu “MEO MEO”. Hãy chỉ vào hình con mèo, hoặc có thể hỏi “ mũi của con đâu?” hãy chỉ lên hình cái mũi trong sách và cả cái mũi của bé nữa. 
Theo tiến triễn, bạn sẽ ngạc nhiên rằng bé có thể sẽ trả lời câu hỏi của bạn rất dễ thương, vì thế hãy tạo cho bé thời gian trả lời bằng cách chỉ vào hình và hỏi: đây là cái gì ? bé sẽ nói “..hơi” [có nghĩa là xe hơi], hãy khen bé như sau: con của mẹ/cha giỏi quá, đúng rồi! Và lúc này bạn nói lại từ xe hơi và thêm tính chất của xe hơi cho bé (điều này giúp bé ghi nhận và phát triển thêm 1 bậc), ví dụ bạn có thể nói: đó là chiếc XE HƠI MÀU ĐỎ (nhấn mạnh từ này), kêu PIN PIN, khi mẹ về (liên hệ thực tế nếu gia đình có chiếc xe hơi).

BOTTOM LINE:
Bạn muốn trẻ nói và đọc như 1 cái máy và không mang lợi ích gì sau này hoặc chỉ kéo dài hết cấp 1? hay bạn muốn trẻ thực sự phát triển kỹ năng để tạo sự thông minh thực sự khi trẻ vào cấp 1, cấp 2, cấp 3 hoặc sau đó? Nếu bạn muốn trẻ phát triển thực sự về trí tuệ thì hãy tạo không gian chơi với trẻ là chính, nhưng thay vì chơi với đồ chơi thì là con số và 1 vài chữ. Chỉ đơn giản là vậy! Đừng đặt kì vọng hay bất kì tham vọng nào về kết quả, cứ để trẻ hội tụ đủ 3 yếu tố trên và phát triển một cách tự nhiên và tốt nhất!


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: