Cho Trẻ Ăn Nhạt Là Hoàn Toàn Đúng Đắn Để Không Gây Hại Sức Khoẻ Về Sau

  13868

khuyến cáo hiện nay là không cần cho thêm muối nêm vào thức ăn của trẻ vì cơ thể trẻ không cần. Nếu cho vào thêm chỉ làm khổ thêm cho thận vì thận trẻ phải làm việc nhiều để tống hết lượng muối thừa.


 Hiện nay trên các mạng, các mẹ chia sẻ, thậm chí là lo lắng không biết cho con trẻ dưới một tuổi ăn mặn hay ăn nhạt thì tốt. Sau đây là chia sẻ của BS Nhi khoa Huyên Thảo về vấn đề này.

Hiện nay, khuyến cáo dinh dưỡng và cho ăn ở các nước phát triển: Úc, Anh, Mỹ và Canada đều đồng thuận về vấn đề cho trẻ ăn “nhạt” - không nêm các gia vị mắm, muối, đường, mật..., vào thức ăn cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi dưới một tuổi.

Tại sao cần ăn nhạt?

Như vậy, chắc chắn rằng ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới một tuổi thì việc cho ăn nhạt là một điều hoàn toàn đúng đắn.

Trước khi đồng ý với điều này và thực hành theo khuyến cáo trên cho con cháu, chúng ta nên tìm hiểu lý do khuyến cáo này ra đời.

Hai quả thận của con người hoạt động như hai cái máy lọc để giúp thải các độc chất, các chất thải không mong muốn. Đây cũng là cách giữ cân bằng cho cơ thể về những loại điện giải cần thiết, trong đó muối Natri - một trong những điện giải quan trọng.

Khi cơ thể hấp thu một lượng natri cao, thận sẽ tích cực lọc thải lượng natri dư thừa. Nồng độ Natri cao trong cơ thể sẽ dẫn đến các hệ quả xấu như cao huyết áp và các vấn đề tim mạch,  gây biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… về sau.


Hiện nay, khuyến cáo dinh dưỡng và cho ăn ở các nước phát triển: Úc, Anh, Mỹ và Canada đều đồng thuận về vấn đề cho trẻ ăn nhạt để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Ảnh minh họa.

Cùng với đó, cơ thể luôn được cung cấp một lượng lớn natri qua chế độ ăn thì thận phải làm việc cật lực để thải trừ. Cũng chỉ vì thận của người ăn mặn phải làm việc hoài với công suất cao, sẽ mệt và dễ hư hơn và hư sớm hơn so với những người có chế độ ăn cân bằng natri.

Bởi vậy mới có chuyện ở quê, ăn khô, ăn mắm ăn muối quá trời, có chỗ còn uống luôn nước mắm cốt. Những người đó, nhìn bề ngoài thì rất khỏe mạnh nhưng “đùng một cái” ra đi bất tử, hoặc bị đột quỵ… rất đột ngột trong khi người bệnh cũng như người nhà đều khẳng định “trước giờ khỏe lắm, đâu có bao giờ bị bệnh gì đâu?!”.

Một lưu ý là những bệnh lý như suy thận, cao huyết áp đều là những bệnh “núp lùm”. Muốn phát hiện sớm cần phải khám và tầm soát mới ra bệnh. Bằng không, bữa nào nó “ra khỏi lùm”, đánh một phát là trở tay không kịp.

Bổ sung muối như thế nào?

Ở trẻ nhỏ, thận còn chưa đủ trưởng thành và vì vậy, năng suất và khả năng làm việc của hai máy lọc này còn yếu kém, cũng như dễ mệt hơn so với người lớn. Khuyến cáo về lượng muối tối đa cho trẻ vì vậy cũng khác xa so với người trưởng thành.

Hiện nay, khuyến cáo lượng muối tối đa cho trẻ như sau:

·       Trẻ dưới 1 tuổi: Dưới 1g muối/ngày (có nghĩa là dưới 0.4g natri)

·       Trẻ từ 1-3 tuổi: Tối đa 2g muối/ngày (0.8g natri)

·       Trẻ từ 4-6 tuổi: Tối đa 3g muối/ngày (1.2g natri)

·       Trẻ từ 7-10 tuổi: Tối đa 5g muối/ngày (2g natri)

·       Trẻ từ 11 tuổi trở lên: Tối đa 6g muối/ngày (2.4g natri)

Có nghĩa là, nếu bạn tính đơn vị Natri (như trong các thành phần dinh dưỡng biểu hiện trong các hiệu thức ăn), thì phải nhân lên 4 lần, để tính ra đơn vị muối.

Với trẻ nhũ nhi bú mẹ hoàn toàn, trẻ đã được cung cấp đầy đủ lượng muối qua sữa mẹ. Sữa công thức cũng có hàm lượng muối y như sữa mẹ, nên trẻ bú sữa công thức cũng được cung cấp đủ lượng muối cần thiết cho cơ thể.


Trẻ  từ 1-2 tuổi chỉ cần 2 g muối mỗi ngày. Ảnh: Dailymail.

Khi bạn cho trẻ ăn dặm, tất cả nguồn thức ăn dặm tự nhiên đều có chứa một lượng muối nhất định. Bởi vậy, khuyến cáo hiện nay là không cần cho thêm muối nêm vào thức ăn của trẻ vì cơ thể trẻ không cần. Nếu cho vào thêm chỉ làm khổ thêm cho thận vì thận trẻ phải làm việc nhiều để tống hết lượng muối thừa.

Bên cạnh đó, khi bạn cho trẻ ăn vị mặn quá sớm, trẻ sẽ có xu hướng thích ăn các loại thức ăn có vị mặn hơn cần thiết. Trong tương lai, việc đó có thể dẫn tới các hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Một hướng dẫn đơn giản cho các bạn nào muốn nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Các bạn hãy search trên Google bằng những cụm từ như “Salt content in........” bằng tiếng Anh nhé (ví dụ: Salt content in Carrots, hoặc Salt content in Green beans, hoặc Salt content in Rice…) chẳng hạn), Google sẽ bày ra cho bạn một thông tin rất chi tiết và vui mắt về những điều bạn cần biết. Đó là những điều để bạn tham khảo thêm, rất thú vị.

Một khuyến cáo nữa mà bạn nên lưu ý là thức ăn nào có hàm lượng muối trên 2.4 g muối/100 g thức ăn (hoặc 0.6 g natri trong 100 g thức ăn), được xem là thức ăn có hàm lượng muối cao. Vì vậy, bạn cần tránh hoặc hạn chế dùng.

Đối với những thức ăn chế biến sẵn dành riêng cho trẻ, có rất nhiều loại có hàm lượng muối cao, ngay cả khi thức ăn này có vị “ngọt”. Vì thế, khi mua, bạn nên để ý đến thông tin này trong bảng dinh dưỡng của thức ăn, nhất là các loại snack…


Khi mua đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, bạn nên đọc kỹ hàm lượng muối trên bao bì. Ảnh minh họa.

Nhiều người lo về việc mất muối qua đổ mồ hôi do trời nóng, hoặc do thể dục thể thao. Mối lo này rất hoang đường và chỉ dành cho những trường hợp rất cực đoan. Nó chỉ có thể xảy ra khi trẻ bị để quên, nhốt trong xe hơi đóng kín cửa ngay dưới trời nắng nóng nhiều giờ liền hoặc nếu bạn là vận động viên, phải hoạt động thể lực liên tục trong nhiều giờ liền (như bạn thấy ở các trận đấu tennis, người nào cũng mang theo bình điện giải để uống thường xuyên). Ngoài ra đó là khi trẻ tiêu chảy nhiều, ói nhiều (vì vậy mới có khuyến cáo uống nước điện giải)....

Việc toát mồ hôi vì trời nóng hoặc chạy chơi ở trẻ nhỏ, chẳng bao giờ gây ra tình trạng thiếu muối cả! Vì 1 lít mồ hôi chỉ chứa khoảng 2.25 g đến 3.4 g muối (0.5 g đến 0.8 g natri) mà thôi. Và như bạn biết đấy, con người lúc nào cũng hơi dư muối từ thức ăn.

Ở trẻ trên một tuổi, bạn có thể cho trẻ ăn thức ăn chung với gia đình. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải để ý xem lại chế độ ăn của người lớn để điều chỉnh nếu như gia đình bạn có xu hướng ăn mặn. Không chỉ ở trẻ nhỏ, việc giảm lượng muối trong thức ăn của người lớn cũng là một việc rất nên làm. 

+ Xem thêm:

CHO BÉ ĂN MẶN SỚM MUỘN GÌ CŨNG HƯ THẬN


Nguồn bài viết: bác sĩ Huyên Thảo
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: