Cho Con Ngủ Chung Hay Ngủ Riêng Bố Mẹ Từ Nhỏ

  11962

Mặc dù nhiều trẻ đã khá lớn, học tới cấp 2 nhưng ở Việt Nam nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có thói quen cho con ngủ riêng. Thời xưa, hoàn cảnh nghèo khó nhà không có nhiều phòng nên việc con cái ngủ chung giường với cha mẹ là lẽ thường.

 Cho con ngủ riêng là điều rất phổ biến ở nước ngoài, ngay từ khi chúng còn rất nhỏ nhưng ở Việt Nam thì không.

Mặc dù nhiều trẻ đã khá lớn, học tới cấp 2 nhưng ở Việt Nam nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có thói quen cho con ngủ riêng. Thời xưa, hoàn cảnh nghèo khó nhà không có nhiều phòng nên việc con cái ngủ chung giường với cha mẹ là lẽ thường.

Nhưng thời nay, khi nền kinh tế được cải thiện, hầu hết mọi gia đình đều có khả năng xây dựng nhiều phòng ngủ khác nhau cho từng thành viên thì việc cho con cái ngủ riêng cũng trở nên dễ dàng hơn. Không đơn thuần phải chờ đợi đến khi chúng lớn, cha mẹ có thể rèn luyện cho trẻ ngủ riêng trước đó khoảng thời gian khá dài.

Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh mà cha mẹ dựa vào việc cho con ngủ riêng. Phổ biến nhất vẫn là khi trẻ khoảng 3 tuổi, bắt đầu đi học mẫu giáo.

Cho con ngủ riêng từ nhỏ, nên hay không?

Ở những nước phương Tây, ngay từ lúc còn trong bụng mẹ trẻ đã được đấng sinh thành chuẩn bị phòng ốc riêng biệt. Vài tháng sau sinh, trẻ được “làm chủ” thế giới riêng. Thực ra cho con ngủ riêng hay ngủ chung đều không phải là chuyện xấu, song ở mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm riêng.

Khi cùng ngủ chung trên một chiếc giường, cha mẹ dễ dàng quan sát, chăm sóc giấc ngủ của con. Vì vậy, có thể trẻ sẽ ngủ ngon hơn nhưng song song với đó là vô số những ưu điểm mà phụ huynh phải chấp nhận.

Căn phòng được trang trí bằng những vật dụng bé yêu thích sẽ giúp việc cho chúng ngủ một mình trở nên dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa).

Đầu tiên phải kể tới “chuyện riêng tư” của cha mẹ. Nhiều cặp vợ chồng trước khi có con khá hòa hợp “khoản ấy”, song sau khi có con vì phải đợi chúng ngủ thật say mới “hành sự” nên cuộc sống tình dục trở nên nhàn chán, mất hứng. Chưa kể, lỡ như trẻ nhìn thấy ba mẹ làm “chuyện ấy”, liệu tâm lý của chúng có thôi tò mò và ám ảnh? Ai cũng cần sự riêng tư, và việc bị xâm phạm quyền riêng tư dường như khiến mọi người đều cảm thấy không thoải mái.

Kế tiếp, trẻ con khi ngủ thường “luôn chân luôn tay”, ngọ nguậy trở mình nên dễ khiến người lớn giật mình tỉnh giấc. Cảm giác sáng sớm phải đi làm trong khi suốt đêm không thể chợp mắt thật không dễ chịu chút nào.

Việc ngủ riêng thực sự tạo cho trẻ thói quen tự lập và dũng cảm. Tự làm quen với bóng tối, tự kéo tay đắp mền khi thấy lạnh, tự chăm sóc bản thân...

Tập cho con ngủ riêng

Tập cho con ngủ riêng không phải chuyện dễ dàng. Đùng một cái, ba mẹ cho trẻ “ra riêng” sẽ chỉ khiến bé hình thành cảm giác bị hắt hủi và quấy khóc, không chịu hợp tác.

Không phải đứa trẻ nào cũng chịu ngủ riêng ngay từ đầu. Do đó, để tập cho trẻ ngủ một mình ba mẹ phải chuẩn bị sự kiên nhẫn cũng như tinh thần trước nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Để giúp bé thích nghi với phòng riêng, gợi ý và để con tự tay trang trí những món đồ yêu thích như: Nàng công chúa, Bạch Tuyết, Doremon, xe hơi, máy bay trực thăng... Chắc chắn chúng sẽ thích mê và bị cuốn hút bởi căn phòng đặc biệt dành riêng cho bản thân.

Đừng khiến cho đứa trẻ cảm thấy rằng cho chúng ngủ riêng, nghĩa là bạn không còn yêu thương chúng như ngày xưa. Luôn trấn tĩnh con rằng bất cứ đứa trẻ nào rồi cũng cần ngủ riêng ba mẹ, ba mẹ luôn yêu thương con và chúng ta chỉ cách nhau một căn phòng.

Phòng ngủ riêng cũng nên có ánh sáng, điều này sẽ giúp trẻ không bất an bởi ám ảnh việc sợ bóng tối, sợ... ma. Và một điều tối quan trọng ba mẹ nên “khắc cốt ghi tâm” khi tập cho con ngủ riêng, đó là sự cương quyết.

Khi mới bắt đầu, phần lớn trẻ sẽ mè nheo, khóc lóc để được trở về phòng ngủ cùng ba mẹ. Nếu bạn mềm lòng một lần, hai lần nhất định sẽ còn có những lần tiếp theo. Hãy cương quyết ngay từ đầu để chúng hiểu rằng dù khóc nữa, khóc mãi mình chỉ có một sự lựa chọn mà thôi.

Một khi trẻ đã quen với việc ngủ riêng, trẻ sẽ ngủ rất ngoan và thoải mái. Ngay cả chính ba mẹ khi hoàn thành việc tập cho con ngủ riêng cũng vậy. Bạn đã sẵn sàng cuộc hành trình tập cho bé yêu ngủ riêng chưa?


Nguồn bài viết: mevacon
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: