Chích Ngừa Cúm - Biện Pháp Phòng Cúm Hiệu Quả Nhất

  3436

“Người nước ngoài rất sợ bệnh cúm nên tỉ lệ tiêm phòng rất cao, trong khi ở nước ta người dân thường nghĩ bệnh cúm là bệnh lành tính

ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - phó khoa xét nghiệm sinh học lâm sàng, trưởng phòng khám Viện Pasteur TP.HCM - cho biết để phòng bệnh cúm mùa (cúm thông thường), tiêm ngừa văcxin là biện pháp hiệu quả và an toàn.

Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virút cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch lớn. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 0,5-1,5 tỉ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Hầu hết trường hợp cúm tử vong xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim, phổi hoặc những bệnh gây suy yếu hệ thống miễn dịch.

Hiệu quả cao

Văcxin cúm chứa các virút cúm không còn khả năng gây bệnh. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%. Sau khi tiêm ngừa khoảng hai tuần thì văcxin có hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, một số trường hợp (1-5% số người chích ngừa cúm) sau khi tiêm ngừa vẫn bị cúm. Nguyên nhân do cơ địa không đáp ứng với văcxin, do bảo quản văcxin không đúng, do nhiễm type virút cúm khác vì văcxin ngừa cúm hiện nay chỉ phòng được những virút cúm thông thường là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và một type cúm B. 

Tiêm ngừa cúm cho trẻ tại Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cần lưu ý các văcxin tiêm ngừa cúm mùa hiện nay không thể bảo vệ con người chống lại virút cúm A/H5N1 cũng như chủng cúm mới xuất hiện là H7N9.

Tuy nhiên, khi chưa có văcxin ngừa cúm H5N1, H7N9 cho người, WHO khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm thông thường cho tất cả mọi người vì người bệnh sau khi mắc cúm sẽ bị suy giảm miễn dịch nên dễ nhiễm các bệnh khác như viêm phổi và cúm H5N1. Ngoài ra, nếu một người bệnh đang mắc bệnh cúm thông thường mà lại nhiễm thêm virút cúm H5N1 thì hai loại virút này có thể kết hợp với nhau tạo nên một biến thể mới, khiến việc lây truyền cúm từ người sang người mạnh hơn. Từ đó sẽ gây ra đại dịch cúm.

Song không phải ai cũng nhận thấy việc tiêm phòng cúm là cần thiết. “Người nước ngoài rất sợ bệnh cúm nên tỉ lệ tiêm phòng rất cao, trong khi ở nước ta người dân thường nghĩ bệnh cúm là bệnh lành tính, chỉ bị cảm, sổ mũi, khó chịu 1-5 ngày và sau chừng 10 ngày là khỏi nên rất chủ quan với bệnh cúm. Khi chúng tôi tổ chức tuyên truyền việc tiêm phòng bệnh cúm, có người còn nói thẳng là không thích tiêm. Một số khác lo ngại các phản ứng phụ. Tuy nhiên, với loại văcxin mới là văcxin tiểu thành phần nên các phản ứng phụ không mong muốn như đau đầu, đổ mồ hôi, đau cơ khớp, sốt, mệt mỏi... đã được giảm hẳn” - bà Nguyễn Thị Lan, giám đốc Trung tâm Sinh học lâm sàng thuộc Viện Pasteur Nha Trang, cho hay.

Tiêm phòng mỗi năm

Theo bác sĩ Anh Tuấn, thời điểm tiêm ngừa cúm thích hợp nhất là trước khi vào mùa có dịch cúm xảy ra (mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Do đó nên tiêm vào tháng 10, 11 khi văcxin mới ngừa cúm hằng năm được các nhà sản xuất đưa ra thị trường. Nhưng nếu ai chưa tiêm văcxin ngừa chủng cúm mùa cũ thì vẫn nên chích. Văcxin cúm được chỉ định tiêm ngừa cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, đặc biệt người già và những người có bệnh mãn tính tiềm tàng như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suyễn (hen), suy giảm miễn dịch...

Đối với trẻ từ 6-35 tháng liều tiêm là 0,25ml, trẻ trên 36 tháng và người lớn liều tiêm là 0,5ml. Trẻ em dưới 9 tuổi được tiêm ngừa cúm lần đầu tiên cần được tiêm hai liều văcxin cách nhau ít nhất một tháng. Liều đôi là cần thiết do trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa cúm, ít tiếp xúc với virút cúm trước đây và do đó cần một liều tiêm củng cố sau liều tiêm ngừa đầu tiên. Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm, ngoài ra các virút cúm cũng thay đổi mỗi năm và thành phần văcxin ngừa cúm được điều chỉnh hằng năm nhằm phù hợp với chủng virút cúm đang lưu hành trên thế giới.

VN có khoảng 3-4 loại văcxin ngừa cúm do 3-4 hãng khác nhau sản xuất, tuy nhiên thành phần văcxin giống nhau.

+ Xem thêm:

BÍ QUYẾT ĐỂ BÉ KHÔNG ĐAU, SỐT KHI CHÍCH NGỪA

LỊCH TIÊM PHÒNG CHO TRẺ EM CÁC BỐ MẸ CẦN BIẾT


Nguồn bài viết: giaoduc
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: