Chi 7 Triệu/ Tháng Vẫn Thấy Có Lỗi Với Con

  10443

Tiền ăn, tiền bỉm, tiền mặc và chi phí bảm hiểm cho Minh hết một tháng cố định là 6,5 triệu đồng. 500 nghìn còn lại, tôi để dành tiêu cho con còn những “việc không tên”

Làm mẹ, ai cũng mong muốn được đem đến cho con mình những gì tốt đẹp nhất. Tôi lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, tuổi thơ cũng từng rất tủi hổ vì không được bằng bạn bằng bè, nhiều món đồ yêu thích cũng chẳng dám nói ra mà chỉ thầm mơ ước trong đầu. Tuy nhiên tôi không chê cha mẹ khó. Cha mẹ đã làm những gì tốt nhất cho tôi, đó là ban cho tôi một ngoại hình xinh xắn cùng những học vấn gia giáo. Nhờ vậy, tôi quen được chồng tôi, một chàng trai thành phố và hiện đang là phó phòng tại một ngân hàng thuộc top đầu. 

Chúng tôi kết hôn, có con và tôi luôn mong muốn sẽ mang lại cho con một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và an toàn. Minh - con trai tôi hiện mới được 14 tháng, lương hai vợ chồng cũng chẳng phải loại “đại gia”, vậy nhưng số tiền tôi dành để nuôi con, không tháng nào dưới 7 triệu đồng. Đối với tôi, nuôi con thời nay mà dưới 7 triệu đồng/tháng, tôi e mình đang để con phải chịu khổ. 

Về chuyện sữa, con trai tôi hiện đang uống sữa ngoại xách tay. Có thể có ai đó nói tôi cầu kỳ, vậy nhưng xung quanh tôi, công sở nơi tôi làm, bạn bè tôi…tôi hiếm thấy ai cho con uống sữa nội. Minh rất thích uống sữa ngoại vì những dòng sữa này rất mát, lại phát triển chiều cao và não bộ cho con rất tốt. Sữa nội thì rẻ thật đấy nhưng chất lượng thì tôi sợ lắm. Tôi thấy nhiều chị em không quan tâm đến vấn đề sữa khi con bắt đầu hơn 1 tuổi. 

Vậy nhưng trẻ 0-5 tuổi cơ thể vẫn cần rất nhiều canxi và nhu cầu dinh dưỡng được bổ sung từ sữa rất nhiều. Chịu khó đầu tư cho con khoản sữa không thiệt chút nào. Tôi cho con bú mẹ đến 6 tháng thì cai sữa.  Hiện nay một ngày con uống từ 800ml – 1 lít sữa một ngày, cả tháng hết 4 hộp sữa Đức 800g. Giá tiền tính ra là 2,4 triệu đồng.

Vấn đề khắt khe thứ hai của tôi đối với con là chuyện bỉm tã. Nhiều mẹ dùng bỉm nội cho con thì chẳng nói làm gì, vậy nhưng có nhiều mẹ còn mua cả bỉm trần, loại hàng “chính hãng” nhưng bị lỗi, bán cả lố cả bao cho con dùng thì quả thật không nên. Tôi đã thấy nhiều bé bị hăm, bị loét đỏ mông chỉ vì những loại bỉm thiếu tem mác, chất lượng. Lúc đó, tiền thuốc, tiền khám chữa bệnh cho con có khi còn quá tiền bỉm. Trẻ con 14 tháng một ngày thay cũng chỉ từ 4-5 miếng bỉm. 

Vậy nên tôi cho con dùng bỉm Nhật, một tháng cũng chỉ hết khoảng hơn 2 bịch, tính ra là 1 triệu đồng. Minh dùng bỉm ngoại từ sơ sinh, 14 tháng nay chưa hăm bao giờ. Có lần hết bỉm ngoại, tôi mua tạm cho con một bịch bỉm nội mà tối đó bé hăm ngay lập tức.

Chuyện ăn dặm của con cũng là vấn đề tôi rất quan tâm. Tôi không cho con ăn bào ngư vi cá tổ yến gì mà chỉ cho con ăn cơm rau thịt cá như nhiều bà mẹ khác. Tuy nhiên, cơm rau thịt cá này, tôi yêu cầu phải sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, tôi chỉ mua đồ cho con ở siêu thị lớn và những cửa hàng bán đồ quê tự tay nuôi trồng. Trẻ 14 tháng một ngày ăn 2,3 bữa. 

Cả ngày cũng chỉ hết 1 lạng thịt với chút rau chút gạo nên tôi cũng chẳng tiếc cho con. Đồ thực phẩm ở ngoài chợ ngày nay có quá nhiều thuốc sâu, thuốc kích phọt, thuốc tăng trọng… đến người lớn ăn còn sợ thì sao tôi dám cho trẻ con ăn. 

Tiền cơm một ngày cho con hết khoảng 35 nghìn, một tháng là 1 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi ngày tôi đều cho con ăn 1 hộp sữa chua, váng sữa hoặc 1 loại hoa quả ngoại nhập. Tiền sữa chua, pho mát, váng sữa, hoa quả ngoại cho con 1 tháng khoảng 1 triệu đồng nữa.

Quần áo và đồ chơi cho Minh không phải tháng nào tôi cũng mua vì bây giờ Minh lớn, chiều cao chững lại nên có những bộ đồ con mặc cả nửa năm cũng không chật. Đồ chơi con cũng chưa chơi được nhiều nên tôi chỉ mua rất vừa phải. 

Tuy nhiên tôi quan niệm, nói không với hàng chợ, với những bộ quần áo được làm từ vải cotton rẻ tiền, giặt 1,2 lần là xù lông. Tôi cũng nói không với những loại đồ chơi được làm bằng nhựa tái chế, nhựa rẻ tiền và đầy chất độc được bán tràn lan ngoài chợ và vỉa hè. 

Một món đồ chơi hoặc một bộ đồ cho Minh có khi cả triệu đồng chỉ mua được một thứ. Vậy nhưng tôi quan niệm ít mà chất còn hơn nhiều mà chẳng bộ nào ra hồn. Chia trung bình một tháng, tiền đồ chơi, quần áo cho con vào khoảng 800 nghìn.

Trẻ con hay ốm hay bệnh, vì vậy tiền dự trữ cho thuốc men, tiêm phòng, khám bệnh của con cũng tốn của nhiều chị em một khoản đáng kể. Tuy nhiên không như nhiều mẹ, cứ khi nào con ốm mới mang con vào bệnh viện nhà nước rồi lại vạ vật, xếp hàng, mất tiền “phong bì”, tôi mua hẳn cho Minh một gói bảo hiểm sức khoẻ ở các bệnh viện tư lớn trong thành phố. 

Khi con có bất kỳ vấn đề ốm đau gì, 2 mẹ con đều được chăm sóc tận tình với những dịch vụ tốt nhất. Và quan trọng là, chỉ cần bỏ ra khoảng 4 triệu /năm, tôi có thể sử dụng các dịch vụ này miễn phí trả thêm. Tính ra, mỗi tháng con mất khoảng 300 nghìn.

Tiền ăn, tiền bỉm, tiền mặc và chi phí bảm hiểm cho Minh hết một tháng cố định là 6,5 triệu đồng. 500 nghìn còn lại, tôi để dành tiêu cho con còn những “việc không tên” và những khoản chi lặt vặt như đưa con đi chơi, mua dầu gội sữa tắm…

Vợ chồng tôi quan niệm, không sinh con thì thôi, nếu đã sinh con ra, phải xác định mình đủ tiền nuôi con và đủ tiền để mang đến cho con một cuộc sống đầy đủ và an toàn nhất. Con cái là tình yêu lớn nhất và cũng là mục tiêu sống của tôi, do vậy, tôi có thể nhịn ăn nhịn mặc một chút nhưng không bao giờ keo kiệt với con, nhất là keo kiệt với sức khỏe của con. 

Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail thuhong_ng@...


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: