Chăm Sóc Và Điều Trị Bệnh Tiêu Chảy ở Trẻ Em

  4065

Tiêu chảy là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở trẻ em . Mẹ cùng tìm hiểu cách Chăm Sóc Và Điều Trị Bệnh Tiêu Chảy ở Trẻ Em nhé

Tiêu chảy là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời. Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, song phần lớn là do trẻ bị nhiễm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, di ứng thức ăn hoặc sử dụng thuốc kháng sinh (diệt cả loại vi khuẩn có lợi trong ruột)

… Hiện trên địa bàn TP.HCM, có vài trường hợp bị tử vong do tiêu chảy cấp. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý phòng ngừa cũng như biết cách chăm sóc và điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em.

Để giúp trẻ mắc bệnh tiêu chảy mau hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, các bậc phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc chăm sóc và điều trị sau đây:

• Nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất do trẻ bị tiêu chảy. Bạn có thể bù nước bằng cách cho trẻ uống nước lọc, nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước sôi để nguội…

Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần có thể vừa bị mất nước vừa bị mất muối khoáng, phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống thêm dung dịch Oresol (còn gọi là ORS hay nước biển khô) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói với lượng từ 50ml – 100ml tùy theo độ tuổi của trẻ. Tuyệt đối không nên cho trẻ uống nước kém vệ sinh và các loại nước ngọt có ga, vì sẽ làm bệnh tiêu chảy trầm trọng hơn.

• Nên cho trẻ bú sữa mẹ nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ vô trùng và không bao giờ gây tiêu chảy nhiễm trùng. Hơn nữa, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp trẻ chống lại vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa tiêu chảy. Nếu bạn cho bé bú sữa bình thì phải rửa sạch bình sữa, núm vú, rồi sau đó luộc bình trong nước sôi khoảng 15 phút để diệt vi khuẩn.

• Nên cho trẻ ăn từng ít một thức ăn mới để cơ thể trẻ quen dần, rồi sau đó tăng dần lượng thức ăn lên. Nếu để thức ăn ở môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, trẻ ăn vào sẽ bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Vì thế, tốt nhất là nên cho trẻ ăn thức ăn mới nấu.


• Nên bổ sung thực phẩm giàu probiotics như sữa chua vào các bữa ăn của bé. Bởi lẽ, ruột và dạ dày của bé luôn tồn tại đồng thời vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm cân bằng giữa hai loại vi khuẩn tốt – xấu (sự mất cân bằng giữa hai loại vi khuẩn này sẽ gây ra tiêu chảy). Các bé dễ bị mất cân bằng vi khuẩn tốt – xấu đường ruột do chế độ dinh dưỡng ít bao gồm vi khuẩn có lợi.

• Giữ sạch đôi tay cho trẻ bằng cách khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi trẻ chơi đùa. Rửa sạch đôi bàn tay có thể làm giảm hơn 50% các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Phụ huynh cũng cần chú ý giữ sạch đôi tay của mình trước khi chế biến, nấu nướng thức ăn cho trẻ, nhất là trước khi đút cho trẻ ăn.

• Nhiễm trùng đường ruột thường do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn và uống nước bẩn, không đun sôi cẩn thận. Vì vậy, cách phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột tốt nhất là giữ vệ sinh trong ăn uống thật tốt và nên thực hiện theo phương châm “ăn chín, uống sôi”.

• Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cho trẻ chơi ở những vũng nước, vòi nước, hồ nước công cộng vì ở đó chứa nhiều vật ký sinh có thể “tấn công” bé.

• Nếu bé bị tiêu chảy, bạn nên cho bé dùng hố xí hợp vệ sinh và xử lý an toàn phân trẻ nhỏ để tránh bị lây bệnh cho mọi người xung quanh.

• Bạn cũng nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin sẵn có liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ để phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả nhất. Một số vắc xin phòng bệnh nguy hiểm có thể tiêm chủng cho trẻ gồm xin phòng bệnh tả, vắc xin phòng bệnh thương hàn hoặc vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rota vi rút (dạng uống).

• Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng phải tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng sinh áp dụng khi bé tiêu chảy. Bạn không nên tự ý “tăng giảm liều thuốc kháng sinh”hoặc “tự ý mua kháng sinh” về điều trị cho trẻ, việc này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc hay còn gọi là “lờn thuốc”, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị bệnh cho trẻ sau này, nặng nề hơn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc rất nguy hiểm cho trẻ.

Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp nói trên mà bệnh tiêu chảy của bé vẫn không giảm thì nên đưa bé đến bác sĩ ngay để được điều trị tích cực hơn.

+ Xem thêm:

CÁCH TRỊ TIÊU CHẢY TẠI NHÀ CHO TRẺ HIỆU QUẢ

MẸO DÂN GIAN TRỊ TIÊU CHẢY CHO TRẺ EM HIỆU QUẢ


Nguồn bài viết: phunuonline
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: