Chồng chị là một kỹ sư giỏi, chị yêu anh vì sự vững chãi, chín chắn của anh, chị yêu cái cảm giác ấm áp mà chị có mỗi khi chị tựa đầu vào vai anh. Và sau 3 năm tìm hiểu, anh chị đã đi đến hôn nhân.
Nhưng đến hôm nay, sau hai năm là vợ chồng, chị bỗng thấy mệt mỏi với những cảm giác mà chị phải trải qua khi chung sống với anh.
Những lý do khiến chị yêu anh trước đây, bỗng biến thành những lý do tạo nên sự đổi thay trong chị. Chị là một phụ nữ nhạy cảm, và rất dễ bị thương tổn trong tình yêu, chị luôn khao khát những khoảnh khắc lãng mạn, giống như là bé gái nhỏ thèm khát kẹo ngọt. Nhưng anh lại trái ngược với chị, anh không có sự nhạy cảm, và hoàn toàn không quan tâm đến những khoảnh khắc lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, điều này đã làm cho chị càng chán nản hơn.
Và chuyện gì đến phải đến, một hôm chị quyết định cho anh biết rằng chị muốn ly dị, rằng chị không thể chung sống với anh thêm một giờ phút nào nữa. Rất bất ngờ khi nghe chị yêu cầu như thế, anh chỉ biết hỏi “Tại sao”?. “Em cảm thấy mệt mỏi, không có lý do nào cho mọi thứ trên thế gian này!” - chị trả lời. Anh không nói gì thêm nữa, nhưng suốt đêm đó, anh không ngủ, và chìm sâu vào những ưu tư, khắc khoải với ánh sáng lập lòe của điếu thuốc gắn trên môi. Sự im lặng của anh càng làm cho cái cảm giác thất vọng trong chị tăng lên, đấy là một người đàn ông không thể biểu lộ gì ngay cả đến lúc gặp tình huống khó khăn như lúc này, còn gì nữa để mà chị hy vọng ở anh?
Cuối cùng rồi anh cũng lên tiếng, anh hỏi chị :“Anh có thể làm gì để thay đổi ý định của em?”. Ai đó đã nói đúng: “Rất khó khăn để thay đổi tính cánh của một con người”, và chị nghĩ rằng chị không thể nào thay đổi cách sống của anh. Nhìn sâu vào mắt anh, chị chậm rãi trả lời: “Đây chính là câu hỏi, nếu câu trả lời của anh có thể thuyết phục em, em sẽ thay đổi ý định ly dị. Nếu em nói, em muốn bông hoa ở phía bên kia vách núi, và cả hai chúng ta đều biết rằng khi anh cố hái bông hoa đó cho em thì anh sẽ chết, anh có vẫn cố làm cho em hài lòng chứ?”. Anh đáp “ Ngày mai anh sẽ trả lời câu hỏi cho em…”. Những hy vọng của chị hoàn toàn bị chìm xuống khi nghe câu trả lời của anh.
Sáng hôm sau, chị tỉnh giấc và nhận ra anh đã đi rồi. Chị nhìn thấy một mảnh giấy với dòng chữ ngoệch ngoạc của anh, được dằn dưới ly sữa, trên chiếc bàn ăn gần cửa…. và chị bắt đầu đọc.
“Em yêu,
Anh sẽ không thể nào hái bông hoa đó cho em, nhưng hãy cho anh giải thích những lý do mà anh không thể”.
Ngay những dòng đầu đã làm tan nát trái tim chị, chị tiếp tục đọc.
“… Khi em sử dụng máy vi tính, anh luôn sắp xếp phần mềm cho em dễ sử dụng, và khi em kêu lên trước màn hình khi có sự cố, anh luôn chuẩn bị những ngón tay để có thể giúp em phục hồi lại những chương trình.
Em thường bỏ quên chìa khóa cửa, nên anh luôn chuẩn bị đôi chân để sẵn sàng chạy về mở cửa cho em.
Em rất thích đi du lịch, nhưng lại thường hay bị lạc đường trong những thành phố xa lạ, nên anh phải chuẩn bị đôi mắt của mình để chỉ đường về cho em.
Em thường đau bụng trong mỗi lần gần đến tháng, nên anh luôn chuẩn bị lòng bàn tay mình để sẵn sàng xoa bụng cho em để em dịu cơn đau.
Khi thấy em luôn thích ở nhà, anh lo rằng em sẽ có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vì thế anh phải luôn pha trò và chuẩn bị những câu chuyện vui để em quên đi nỗi buồn chán.
Khi em luôn chăm chú vào màn hình vi tính, anh sợ như vậy có hại cho đôi mắt của em, nên anh phải để dành đôi mắt của anh để khi chúng ta già, anh sẽ có thể giúp cắt móng tay, và nhổ những sợi tóc bạc cho em
Anh có thể nắm bàn tay em đi tản bộ trên bãi biển, để em thưởng thức cảnh mặt trời mọc và bãi cát xinh đẹp… và anh sẽ cho em biết rằng màu sắc của những bông hoa cũng rực rỡ như gương mặt tươi tắn của em…
Vì vậy, em yêu, trừ phi em chắc chắn rằng có ai đó yêu em hơn anh đã yêu em… nên bây giờ anh không thể hái bông hoa đó cho em, và chết…/.”
Nước mắt của chị không ngừng rơi trên trang giấy, làm nhạt nhòa những dòng chữ của anh… Chị đọc tiếp: “…Bây giờ, nếu em cảm thấy hài lòng thì hãy mở cửa ra, vì anh đang đứng đó với bánh mì và sữa tươi cho buổi sáng của em, những món ăn mà em thích…”.
Chị lao đến cửa và mở bung nó ra, trông thấy anh với gương mặt lo lắng, chị nắm chặt tay anh, cùng với ổ bánh mì và chai sữa, bây giờ chị biết chắc rằng không ai yêu chị như anh đã yêu chị, và chị quyết định quên đi bông hoa ở bên kia vách núi… đó là cuộc sống và tình yêu.
Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán đó.
Vợ chồng và nghệ thuật lắng nghe
1. Lắng nghe một cách tập trung
Khi bạn đời của bạn muốn nói chuyện, bạn nên bỏ hết mọi thứ ra khỏi tâm chí và phải thực sự nhập tâm vào cuộc nói chuyện. Bạn không thể lắng nghe bạn nếu bạn vừa nghe chuyện vừa nghĩ về những thứ khác.
2. Lắng nghe và để ý thực tế
Đây là điều quan trọng nếu hai bạn đang thực sự bất đồng quan điểm. Nhiều người có tính hiếu thắng sẽ tranh cãi đến cùng để giành phần thắng về phía mình dù thực tế quan điểm của người đó lại không hề đúng.
Nhưng nếu bạn thực sự muốn mối quan hệ vợ chồng được kéo dài và bền vững, bạn cần biết lắng nghe đúng cách, nghĩa là bạn lắng nghe đối tác và nhìn nhận thực tế xem liệu mình sai chỗ nào và cần sửa chỗ nào. Bạn không nên quá hiếu thắng trong những cuộc giao tiếp tranh luận vợ chồng vì điều đó không những không làm bạn “thắng” mà chắc chắn sẽ làm bạn “thua” trong mắt người bạn đời.
3. Nhìn thẳng vào mắt khi nói chuyện và lắng nghe
Bạn đã bao giờ nói chuyện với ai mà người đó tránh không nhìn thẳng vào mắt bạn chưa? Lúc đó bạn có nhận xét thế nào về người đó?
Nhìn thẳng vào mắt người đối diện trình bày quan điểm, để bộc lộ thông điệp là một trong những cách giúp bạn dễ dàng cuốn hút người đó vào câu chuyện, làm cho người đó tập trung hơn vào câu chuyện của bạn và lắng nghe nhiều hơn. Ngoài ra đây cũng là cách bạn thể hiện sự tự tin của bản thân mình.
4. Để ý cảm xúc ẩn sau lời nói của đối phương
Thông thường, khi đề cập đến một vấn đề gì đó, đặc biệt là những vấn đề tế nhị, đối phương sẽ không nói chính xác rõ ràng họ đang nghĩ gì mà thường có ý để bạn phán đoán hoặc tự tìm hiểu.
Bằng cách hiểu cảm xúc ẩn sau lời nói của đối phương, thông qua ngôn ngữ cơ thể của họ, cách nói chuyện, ánh mắt… bạn sẽ nhận được một số thông tin rất hữu ích giúp đôi tai bạn hoàn thiện hơn việc lắng nghe.
5. Hiểu bạn đời
Hiều bạn đời có hai tác dụng rõ rệt đó là: Thứ nhất, bạn có thể biết được những thông tin nào nên truyền lại cho đối phương và những thông tin nào nên giữ lại. Thứ hai, làm cho đối phương cảm thấy dễ chịu nếu bạn đề cập vấn đề có liên quan đến chủ đề họ yêu thích.
6. Giữ bình tĩnh
Lắng nghe đúng cách là bạn phải luôn tâm niệm quan điểm “một điều nhịn, chín điều lành”. Khi đối phương đang tức giận, bạn có thể “được” nghe những điều bạn không thích, những điều khiến bạn thấy khó chịu, nhưng đừng nên phản hồi hay đáp trả lại ngay mà hãy để thính giác của bạn được tĩnh lặng lắng nghe và suy ngẫm.
+ Xem thêm:
ĐÀN BÀ 30 CHỒNG KHÔNG GIỮ SẼ MẤT LÚC NÀO KHÔNG HAY