Trong vòng một tháng, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 3 em bé dưới 5 tuổi bị rắn độc cắn.
Theo bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các bé ở tầm tuổi 3-4, nhỏ nhất là 2 tuổi, nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, vết cắn ở mu bàn chân hoặc bắp cẳng chân sưng nề bầm tím. Các cháu bị rắn cắn khi đang chơi quanh sân nhà, gần bụi cỏ; có bé đi nghỉ cùng gia đình chơi trên bãi cỏ thì gặp nạn. Một gia đình khi đưa con đến viện cấp cứu còn mang theo một con rắn lục đuôi đỏ là thủ phạm đã cắn bé. Trẻ được truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Rất may các bé được đưa đi viện kịp thời nên chỉ sau một tuần điều trị đã có thể xuất viện.
Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân chú ý không chích rạch tại vết cắn mà nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ máu độc. Ảnh: T.T.
Để phòng ngừa rắn cắn, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát… Đây thường là những nơi cư trú của rắn.
Khi bị rắn độc cắn, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, chú ý không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp. Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, nạn nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.
Không nên buộc ga ro (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép. Nếu nạn nhân bị liệt do nọc độc rắn thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo… Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.
+ Xem thêm:
CẢNH BÁO: BÉ 3 TUỔI TỬ VONG VÌ NUỐT TRÁI MẬN HÀ NỘI
CẢNH BÁO: BÉ TRAI NGÃ TỪ BAN CÔNG VỠ SỌ NÃO