Cẩm Nang Ăn Dặm Nhật - Việt Cho Bé 5-6 Tháng Tuổi

  42516

Mẹ Xì Trum chế biến thức ăn theo kiểu Nhật để có thể đổi bữa cho bé thường xuyên và tiết kiệm thời gian.

Mẹ Xì Trum chế biến thức ăn theo kiểu Nhật để có thể đổi bữa cho bé thường xuyên và tiết kiệm thời gian. 

Những bài viết về ăn dặm và cách chế biến món ăn dặm hấp dẫn, giàu dinh dưỡng của chị Mỹ Dung (hay còn gọi với tên thân mật là mẹ Xì Trum) trên mạng xã hội gần đây nhận được nhiều sự quan tâm từ các bà mẹ nuôi con nhỏ. Mỗi bài viết đều là kinh nghiệm được Mỹ Dung rút ra từ chính thực tế chăm sóc con, cộng thêm kiến thức học được của bạn bè, sách báo nên rất kỹ càng, tỉ mỉ. 

Mẹ Xì Trum chia sẻ: "Trước đây, mình từng có khoảng thời gian ở nước ngoài khoảng 4 năm, chơi với mấy mẹ Tây và Nhật, thấy họ nuôi con rất nhàn nên lúc ấy đã nghĩ là sẽ cố gắng áp dụng được đến đâu hay đến đó các kiến thức của họ. Sau này, lúc mang bầu bé, mình bị nghén kinh khủng, ăn bao nhiêu ra bấy nhiêu, lúc lên bàn sinh vẫn 'cho ra' luôn. Mình thấy thương con lắm vì nghĩ là bao nhiêu chất bổ đều bị ra hết, chẳng biết có vào con được ít nào không.

Từ đó, mình đọc và tìm hiểu nhiều hơn về các phương pháp ăn dặm. Mình cũng từng chịu áp lực của các bà là phải cho bé ăn bột ninh xương từ 4 tháng nhưng mình nhất quyết không chịu. Thế là ở nhà mình nuôi con một mình một kiểu. Nhưng trộm vía Xì Trum từ khi ăn dặm tăng cân rất tốt, bé ngoan, không ốm và 'đầu ra' đẹp nên giờ các bà cứ nhất nhất theo mình. Theo mình, nuôi con phải hiểu con mình chứ không nên áp dụng máy móc bất kỳ phương pháp nào". Xuất phát từ việc tự trau dồi kiến thức cho mình và sau đó, Mỹ Dung muốn chia sẻ những điều đã học được với những người lần đầu làm mẹ, chị đã cẩn thận thực hiện bài viết đề cập tới các hành trình cho con ăn dặm từ A đến Z. 

1. Thời điểm cho con ăn dặm

Theo khuyến cáo của WHO thì khi bé đủ 180 ngày (tức 6 tháng tuổi) thì các mẹ bắt đầu cho con ăn dặm. Tuy nhiên, theo mẹ Xì Trum, các mẹ có thể căn cứ thêm vào điều kiện của mình để lựa chọn thời điểm ăn dặm thích hợp cho bé. Nếu mẹ có các điều kiện sau thì nên chờ cho bé đủ 6 tháng mới bắt đầu ăn dặm, không nên vội vàng để bé được hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ và dạ dày bé không phải làm việc quá sớm: Mẹ đủ sữa hoặc thừa sữa cho con, Bé vẫn tăng cân đều và mẹ ở nhà chăm con.

Trong khi đó, với các trường hợp sau thì mẹ có thể tập cho bé ăn dặm sớm hơn, từ 5 tháng trở đi và tốt nhất là khoảng 5 tháng rưỡi:

- Bé chậm hoặc không tăng cân.
- Sữa mẹ cho bé không đủ với nhu cầu của bé.
- Bé giảm bú hoặc không hứng thú với bú mẹ.
- Bé nhanh đói, quấy khóc.
- Bé có biểu hiện của việc thèm ăn như nhai tóp tép, giằng (với) đồ ăn, tự cho đồ ăn vào miệng nhai...
- Mẹ chuẩn bị đi làm, muốn tập cho bé ăn sớm để có thể trực tiếp quan sát việc bắt đầu cho bé làm quen với đồ ăn.

2. Phương pháp ăn dặm của Xì Trum giai đoạn 5-6 tháng

Hiện tại có ba phương pháp ăn dặm chủ yếu được các mẹ lựa chọn là kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng nên các mẹ cần nghiên cữu kỹ và cân nhắc theo mục đích mẹ thực sự muốn hướng cho con: Cân nặng hay thói quen ăn uống hoặc cả hai. Sau khi nghiên cứu "Tây-Ta đủ kiểu", mẹ Xì Trum quyết định áp dụng những ưu điểm phù hợp của từng phương pháp cho từng giai đoạn của bé như sau: Giai đoạn 5-7 tháng, mẹ Xì Trum kết hợp thực đơn của ADKN và ăn dặm truyền thống và dự định giai đoạn 8-10 tháng áp dụng ADKN, từ sau 10 tháng trở đi là BLW (Xem thêm So sánh ưu, nhược điểm của ba phương pháp ăn dặm phổ biến của mẹ Xì Trum tại đây). Giai đoạn đầu bé Xì Trum tập ăn dặm, mẹ đã thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

Dụng cụ

Bộ dụng cụ chế biến đồ ăn dặm cho bé.

- Cốc nấu cháo loãng trong nồi cơm điện.

- Bộ chế biến ăn dặm: (cả bộ càng tốt) còn không thì chỉ cần dụng cụ rây, mài, chày và cối, máy xay (cầm tay là tốt nhất vì có thể xay sống hoặc xay sau khi nấu chín, chỉ cần cho máy vào nồi/bát xay là được), dụng cụ đo lường nếu có càng tốt (cân, cốc thìa đo lường).

- Bộ dụng cụ lưu trữ thức ăn: khay đá (khoảng 4-5 chiếc, 3 chiếc dung tích 20-25ml/ô, 1 chiếc dung tích 50ml/ô) có nắp, chịu nhiệt (tráng nước sôi tiệt trùng), túi khóa, bộ hộp chia nhỏ đồ ăn.

- Dụng cụ rã đông, nấu chín: hộp có nắp chịu nhiệt/vi song, xoong và chảo nhỏ.

- Dụng cụ cho bé ăn: Thìa cảm ứng nhiệt (thức ăn lớn hơn 40 độ là thìa bắt đầu chuyển màu, càng nóng màu thìa càng hồng), bát, thìa. Các mẹ nên mua bộ bình giữ ấm thức ăn để thuận tiện khi cho bé đi ra ngoài.

- Ghế ăn: Các mẹ mua ghế ngay từ giai đoạn đầu thì có thể mua hai loại: Loại ghế silicon mềm vừa là kết hợp ghế tập ngồi và ghế ăn (giống như của mẹ Xì Trum), loại ghế có thể ngả 3 nấc (cho con dễ ăn), hoặc có thể tận dụng xe đẩy ở chế độ hơi ngả 110 độ cũng được. Mẹ cũng có thể bế con cho con đỡ sợ. Còn khi bé đã ngồi vững rồi thì các mẹ nên cho con ngồi ghế ăn để tạo thói quen cho con.

Lưu ý, khi mua đồ chế biến bằng nhựa phải kiểm tra độ nhựa an toàn cho bé, có ký hiệu PP, hình tam giác in số 5 bên trong và có thể chịu nhiệt vì sẽ phải tiệt trùng thường xuyên.

Mẹ Xì Trum thường luộc rau, củ chung với mía để tăng độ ngọt, giúp bé ăn ngon miệng.

Thực đơn

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, là tiền đề để bé làm quen thức ăn và ngay cả chính mẹ cũng lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào nên mẹ Xì Trum cho bé ăn từng thực phẩm để bé cảm nhận được mùi vị từng thứ. Mỗi thứ ăn khoảng 2-3 bữa cho quen sau đó chuyển sang thứ khác.

Bé vừa ăn, mẹ vừa theo dõi xem thái độ của bé với từng món cũng như theo dõi "đầu ra" của bé sau khi ăn có tốt hay không hoặc bé có bị dị ứng với nhóm thực phẩm nào không. Với bé bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng thì thực đơn theo tuần sẽ như sau nhé:

Tuần 1: Cháo loãng nghiền tỷ lệ 1:10 (1 gạo + 10 nước) trộn sữa (Các mẹ có thể thay cháo loãng nghiền bằng bột ăn dặm ăn liền pha sẵn).

Tuần 2: Cháo loãng nghiền tỷ lệ 1:10 trộn viên rau, củ trữ đông (rau củ tươi thì càng tốt).

Tuần 3: Cháo loãng nghiền tỷ lệ 1:10 trộn đậu phụ, rau, củ.

Tuần 4: Cháo loãng nghiền tỷ lệ 1:10 trộn đậu phụ hoặc thịt cá trắng nghiền, rau/củ.

Giai đoạn mới tập ăn dạ dày bé còn non, ăn quá nhiều chất đạm béo như động vật như nước xương ninh, thịt, cua… bé chưa hấp thu được hết sẽ dẫn đến hiện tượng đào thải ra ngoài, dễ nôn chớ, hoặc đi ngoài, táo hoặc phân sống nhé. Theo mẹ Xì Trum, các mẹ cho con ăn đạm thực vật là đậu phụ non trước vừa đảm bảo chất đạm vừa an toàn.

Cách chế biến

Giai đoạn này, bé chưa thể tự nhai nát thức ăn được nên mẹ vẫn phải nghiền hoặc xay nhuyễn cho con dễ nuốt vì bé vừa chuyển từ ti mẹ là chất lỏng hoàn toàn sang dạng đặc sánh hơn một chút. Lúc này, bé chủ yếu là làm quen với mùi vị thức ăn.

Nếu các mẹ chế biến ít hoặc có điều kiện bữa nào làm cho con ăn bữa ấy thì các mẹ có thể nghiền nhuyễn bằng tay và sau đó lọc qua rây. Độ đặc của thức ăn vừa phải để con dễ nuốt. Mẹ có thể kiểm tra bằng cách lấy thìa đưa thức ăn sau khi nhuyễn mà thức ăn vẫn chảy xuống thành giọt là được nhé. Nói chung hãy căn cứ vào khả năng của con để điều chỉnh.

Nếu làm thức ăn cho cả tuần thì mẹ có thể xay nhuyễn bằng máy (khi xay thêm nước dùng vào cho dễ xay) rồi lọc qua rây. Bữa nào ăn chế biến bữa đó là tuyệt vời nhất, còn không thì thực hiện như mẹ Xì Trum là trữ đông thức ăn cho con trong vòng một tuần.

Thức ăn được chia thành từng ô theo dung tích phù hợp với bữa ăn của bé.

Cách trữ đông

- Thức ăn xay nhuyễn, lọc qua rây, chia vào từng khay. Mỗi mẹ có một cách bố trí sao cho phù hợp với con. Còn mẹ Xì Trum chia mỗi loại ra từng khay như sau:

- Có bốn nhóm rau xanh: hai loại xanh đậm, hai loại xanh nhạt, được chia làm hai khay (dung tích 20-25 ml), mỗi bữa một viên xanh đậm va một viên xanh nhạt.

- Một khay củ màu vàng vitamin A (20-25 ml): carot hoặc bí đỏ

- Một khay/hộp đựng tinh bột (50 ml): cháo loãng, khoai lang, khoai tây. Các mẹ có thể thay tinh bột bằng bột ăn dặm chế biến sẵn.

Sau khi đặt thức ăn vào khay, mẹ cho vào túi khóa và đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Thức ăn đã đông cứng được gỡ khỏi khay và đựng trong túi khóa để đảm bảo vệ sinh. Ưu điểm của trữ đông thức ăn là mẹ có thể cho con ăn đầy đủ bốn nhóm chất mỗi bữa mà vẫn đổi bữa thường xuyên được, không tốn công sức và thời gian chế biến mỗi ngày.

Hơn nữa, vì giai đoạn này, mỗi bữa bé ăn rất ít, chỉ 1-2 thìa con/loại nên việc chế biến tốn công. Nếu đem ra đun nấu thì dính xong chảo hết. Việc trữ đông với mẹ Xì Trum là tối ưu vì có thể tự tay nấu đồ ăn cho con. Thức ăn sau một tuần vẫn giữ được mùi vị thơm ngon (mẹ Xì Trum đã ăn thử) nhưng lưu ý là sau khi nấu xong, phải cúp đông càng nhanh càng tốt.

Cách rã đông

Mẹ có thể bỏ từ ngăn đá ra ngăn mát trước một vài tiếng, sau đó cho lò vi sóng quay. Đối với các mẹ chưa có lò vi sóng thì có thể hâm cách thủy hoặc hâm nóng (lâu lâu một chút).

Cách cho bé ăn:

Giai đoạn này nếu cho bé tập ăn từ hơn 5 tháng thì hầu hết các bé chưa ngồi vững để ăn như các mẹ vẫn xem trong sách của Nhật. Mẹ Xì Trum vẫn phải bế bế hơi ngửa ra cho con dễ nuốt (giống phương pháp truyền thống) nhưng nên tạo thói quen tốt cho bé ngay từ đầu là không ăn rong hay cho bé chơi trò chơi khi ăn. Khi bé đã ngồi vững thì mẹ nên cho bé ngồi ghế luôn để bé quen.

+ Xem thêm:

BỆNH DỄ MẮC PHẢI KHI CHO CON ĂN DẶM SỚM

DẠY CON BIẾT NHAI VÀ TỰ XÚC ĂN SIÊU NHƯ MẸ VIỆT Ở PHÁP


Nguồn bài viết: ngoisao
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: