Cách Xử Lý Đờm , Nước Mũi Cho Bé Khi Cảm Cúm

  6418

Khi trẻ bị ho, có đờm, chảy nước mũi, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp

Thời điểm cuối đông đầu xuân này, nhiều mẹ than thở con bị cảm cúm, sổ mũi do không thích ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết.

Nguyên nhân gây đờm, nước mũi ở trẻ

Thời gian từ cuối tháng 12 đến hết tháng 6 là thời điểm bé dễ bị dị ứng thời tiếtnhất. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh hô hấp ở trẻ với các triệu chứng đầu tiên là thở khò khè, xuất hiện đờm (đàm), nước mũi. Nếu mẹ không biết cách bắt bệnh và xử lý kịp thời có thể khiến bệnh gây biến chứng nguy hiểm cho bé.

Thông thường, đờm xuất hiện do bé bị cảm lạnh hay mắc bệnh truyền nhiễm. Trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện cổ họng và mũi trong 4 tháng đầu đời nên khi có đờm bé sẽ bị nghẹt mũi, gây trở ngại cho việc bú và ngủ.

Viêm đường hô hấp trên, bao gồm: họng, phổi, phế quản là nguyên nhân hàng đầu gây đờm và nước mũi ở trẻ.

Trên thực tế, trẻ bị đờm và chảy nước mũi không nguy hiểm nếu không đi kèm với sốt, mẩn đỏ hay phát ban. Tuy nhiên nếu mẹ để tình trạng này kéo dài, với sức đề kháng non kém và chất lượng không khí lúc thở không đảm bảo khiến bé yếu và chậm lớn.

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh đường hô hấp với triệu chứng xuất hiện nhiều đờm dãi, chảy nước mũi

Một số sai lầm khi mẹ xử lý đờm dãi cho con

Khi trẻ bị ho, có đờm, chảy nước mũi, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp. Các sai lầm thường gặp khi cha mẹ xử lý đờm dãi cho trẻ gồm:

Nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé

Các bà mẹ truyền tai nhau cách nghiền tỏi trộn với nước muối sinh lý rồi nhỏ vào mũi cho trẻ. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tỏi có chứa chất Allicin giúp kháng khuẩn, phòng ngừa và điều trị cúm. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi trẻ là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề, thậm chí làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, niêm mạc mũi bị bỏng rộp có thể bị hoại tử.

Hút, rửa mũi cho trẻ

Khi thấy con xuất hiện đờm và chảy nước mũi, cha mẹ có thói quen hút đờm cho bé. Tuy nhiên đây cũng là quan điểm cần loại bỏ. Hút mũi cho bé bằng miệng có thể khiến mầm bệnh từ bố mẹ lây truyền sang con. Hút mũi hay rửa mũi bằng xi lanh nếu không biết cách tiến hành có thể khiến trẻ sặc nước, nước tràn màng phổi. Việc chọc xi lanh nhiều lần có thể khiến trẻ bị phù nề niêm mạc mũi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Một sai lầm khác khi trẻ bị chảy nước mũi là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi, nhất là các loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh… khi chưa tìm ra nguyên nhân để điều trị.

Các loại thuốc nếu sử dụng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ nhỏ như ức chế vỏ thượng thận tiết hoóc-môn gây tích muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận, làm tăng đường huyết… Đặc biệt, khi ở mũi có các tổn thương mà dùng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid sẽ ức chế lành vết thương. Nếu lạm dụng thuốc co mạch có hoạt chất Xylometazoline 0,05-0,1% (có trong biệt dược Otilin, Otdin…) trẻ dễ bị ngộ độc thuốc. Tốt nhất khi trẻ bị đờm, có nước mũi và đau họng kéo dài, sốt cao… cần đưa đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Cách xử lý

Vệ sinh mũi, làm thông thoáng đường hô hấp trên

Cha mẹ có thể sử dụng phương pháp hút rửa mũi cho trẻ với nước muối sinh lý, tuy nhiên cần thực hiện an toàn theo chỉ dẫn của chuyên gia y tế và với tần suất 1 – 2 lần/ngày khi bé ngủ dậy.

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc điều trị giúp làm giãn phế quản, cho phép đờm bong ra dễ dàng. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến các bác sĩ để quyết định chọn biện pháp khắc phục. Các biện pháp điều trị đờm cũng sẽ phụ thuộc vào tuổi của bé và các bệnh khác kèm theo.

Chế độ ăn uống

Mẹ cần tăng cường cho con bú và ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng. Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể tự nhiên giúp bé chống lại các loại bệnh nhất là trong 6 tháng đầu.

Mẹ cũng lưu ý một số loại thực phẩm không tốt cho bé khi bị đờm, sổ mũi như sữa và các sản phẩm sữa như sữa chua, pho mát, bơ… Các thực phẩm này có casein làm tăng tiết chất nhầy và khó tiêu hóa. Bên cạnh đó, đậu nành cũng là một trong những loại thực phẩm tạo đờm. Vì vậy, mẹ nên tạm bỏ những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn của trẻ khi trẻ bị bệnh.

Mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, ấm giúp giảm bớt tắc nghẽn, để bé dễ dàng ho ra đờm. Có thể cho bé uống 1 muỗng mật ong và gừng có thể giúp cơ thể loại bỏ chất nhờn dư thừa, tuy nhiên mật ong không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Uống nước ấm cũng có tác dụng tốt giúp loãng đờm.

Sử dụng các bài thuốc dân gian

Theo dân gian, các món ăn – bài thuốc như lá hẹ chưng đường phèn, quất chưng đường phèn, quất ngâm mật ong, lá húng chanh, củ cải, rau diếp cá… có thể khiến tình trạng đờm của bé tiến triển tốt và khá an toàn.

Biện pháp điều trị khác

Một cách khác để giảm đờm ở trẻ là sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng. Với trẻ lớn có thể dùng phương pháp xông hơi bằng cách để trẻ hít vào khí ấm nóng – ẩm ướt, khiến đờm đặc dính dễ long, dễ thải ra.

Phòng bệnh cho trẻ

- Luôn giữ ấm cho cơ thể bé và môi trường trong phòng đủ ấm, ẩm và thoáng khí.

- Cho bé bú sữa mẹ đồng thời bổ sung dưỡng chất vào bữa ăn của bé để tăng sức đề kháng và phát triển hệ miễn dịch.

- Cho trẻ chích ngừa đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết.

- Giữ vệ sinh cho trẻ: Tắm rửa hàng ngày (tránh để bé bị nhiễm lạnh), rửa tay trước khi bế bé, dạy bé giữ vệ sinh cá nhân…

- Khi bé có dấu hiệu bệnh, nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc.

+ Xem thêm:

6 MẸO TRỊ NGHẸT MŨI SỔ MŨI HIỆU QUẢ CHO TRẺ KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC

BÉ SỔ MŨI HO DO VIRUT KHÔNG CẦN DÙNG KHÁNG SINH


Nguồn bài viết: suckhoevadoisong
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: