Đừng quá lo lắng nhưng cũng đừng tự tin quá mức dù bạn đã đọc không ít tài liệu hướng dẫn chăm con nhỏ. Bởi vì không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, vì thế đôi khi bạn cần lắng nghe chính bản năng của mình mách bảo.
Mang thai và chăm sóc một đứa trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với bất cứ bà mẹ nào. Vì vậy, nếu là lần đầu mang thai, bạn cũng không nên quá hoang mang nếu cảm thấy mình "chẳng biết tí gì" về trẻ sơ sinh dù đã tìm hiểu khá nhiều. Bởi vì, kiến thức là một phần, điều quan trọng hơn là phải bình tĩnh, lắng nghe bản thân mình một cách tỉnh táo và làm theo những lời khuyên dưới đây:
1. Em bé cần được chăm sóc "đặc biệt" trong 6 tháng đầu
Đừng quá căng thẳng, mẹ sẽ không phải ôm con khư khư, nhìn bé "chằm chặp", săm soi từng biểu hiện nhỏ và chốc chốc lại kiểm tra xem con... còn thở không đâu. Chỉ cần luôn để mắt đến bé và cẩn thận trong mọi hành động với con: Không rung lắc mạnh, cho bú khi bé đói và đừng đánh thức khi con vừa ngủ. Vì cơ thể bé rất dễ tổn thương nên hãy cẩn thận khi bế ẵm, tắm rửa cho con. Học cách quy tắc vệ sinh căn bản cho bé, nhất là chăm sóc vùng rốn trong những ngày đầu. Thường xuyên kiểm tra gáy, lưng xem con có đang nóng/lạnh quá không; quan trọng nhất, đừng bao giờ coi nhẹ các biểu hiện khó chịu hay khóc quấy trong thời gian dài của bé, vì rất có thể con đang gặp vấn đề gì đó về sức khỏe mà không thể nói ra được.
2. Tỉnh táo và linh động
Những lời khuyên của mọi người thực sự hữu ích trong thời gian nuôi con nhỏ, nhưng đừng bao giờ cuống lên làm theo bất cứ điều gì mà chưa cân nhắc kĩ. Bởi vì không bao giờ có một quy tắc chung nào cho trẻ nhỏ cả, mỗi đứa trẻ là những cá thể khác nhau. Em bé nhà hàng xóm khóc vì đói không có nghĩa là cục cưng của bạn cũng cần cho bú khi khóc nhè, vì thực ra có thể con đang đau bụng đấy. Vì vậy, tốt nhất là ngay từ những ngày đầu, hãy để ý và lắng nghe để hiểu những biểu hiện, thói quen của bé. Nên nhớ, mẹ luôn là người cảm nhận rõ ràng nhất con mình đang cần gì, còn nếu không chắc chắn, hãy hỏi bác sĩ khi thấy em bé có vẻ không ổn.
3. Không hành động theo cảm tính
Đừng bao giờ "khăng khăng" rằng con chắc chắn đang đói bụng vì lâu rồi bé chưa bú, và con cần phải ngủ ngay khi đã chơi mấy tiếng đồng hồ. Cũng đừng cố gắng mặc thêm áo, đắp chăn cho con vì thấy trời đang lạnh hay hạ thấp điều hòa khi cho rằng con nóng,... Thay vì làm theo những cảm nhận của mình, hãy lắng nghe cơ thể của bé. Bởi vì mẹ đang cảm thấy nóng/lạnh thì chưa chắc con cũng như thế. Nên trước tiên hãy kiểm tra lưng, gáy, tay chân xem con có nóng quá hay đang lạnh, có ra nhiều mồ hôi không, có biểu hiện bứt rứt, khó chịu hay không,... Thân nhiệt trẻ nhỏ rất khác so với người lớn, và việc mẹ mặc thêm áo, đắp thêm chăn rất dễ khiến con nóng quá, vã mồ hôi dẫn đến cảm sốt.
Tương tự, đừng căn giờ để cho con bú, hãy chú ý đến biểu hiện của bé như há miệng khi mẹ chạm ngón tay vào môi và hưởng ứng ngay khi được ti, thay vì khóc ngằn ngặt, giãy giụa không chịu bú vì lúc này con vẫn đang no. Lắng nghe và hiểu rõ những gì bé đang cần (bằng cách kiểm tra trực tiếp) là điều mẹ nên rút ra kinh nghiệm mỗi ngày, thay vì áp đặt theo ý mình hoặc cảm nhận của người khác.
4. Thư giãn là cần thiết
Dù có yêu thương và lo lắng cho con đến mấy, mẹ cũng sẽ không thể "gồng mình" 24/24 mà để mắt đến con liên tục trong 6 tháng trời. Hãy học cách nghỉ ngơi, thư giãn bất cứ khi nào có thể, nhờ ông xã hay người thân giúp đỡ khi cảm thấy không kham nổi mọi việc. Đừng quá cầu toàn, mọi người cũng sẽ giúp chăm em bé tốt thôi. Nếu cứ "ba đầu sáu tay" mà làm hết mọi việc, mẹ sẽ sớm trở nên mệt mỏi, kiệt sức, cáu bẳn hay thậm chí trầm cảm sau sinh. Lúc này, em bé sẽ bị ảnh hưởng không hề ít đâu. Trước khi mọi chuyện trở nên mất kiểm soát, hãy tự thưởng cho mình những phút được nghỉ ngơi bằng cách: nhờ bà/bố của bé trông con 1 lúc để đi gội đầu, mát-xa, pha một ly sinh tố ngon lành hay đơn giản là chợp mắt một lúc để lấy lại sức.
5. Chăm sóc bản thân
Vì hành trình nuôi nấng con còn dài, rất dài, nên mẹ cần có sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Vì thế, đừng bao giờ quên chăm sóc bản thân ngay sau khi sinh. Hãy kiêng cữ đúng mức, ăn uống khoa học để đảm bảo sức khỏe. Khi em bé lớn hơn một chút, hãy bắt đầu nghĩ đến việc giảm cân để lấy lại vóc dáng và đừng quên chăm sóc da dẻ, tóc tai,... Chẳng có người phụ nữ nào hạnh phúc với một thân hình chẳng mấy gọn gàng và tóc tai rũ rượi và luôn ốm yếu, đau mỏi cả. Mà mọi em bé luôn cần ở bên một bà mẹ vui vẻ, yêu đời để lớn lên khỏe mạnh và thông minh.
6. Không bao giờ coi nhẹ vai trò của bố em bé
Sẽ thật vô lý nếu mẹ "giành" lấy em bé cho riêng mình và nghĩ rằng "chỉ mẹ mới có thể chăm con tốt nhất". Rất nhiều bà mẹ luôn nghĩ rằng các ông bố vụng về sẽ chẳng làm gì ra hồn và không yên tâm để họ chăm con; một số mẹ khác lại không thể thương lượng hay biết cách "lôi kéo" ông xã vào chiến dịch chăm con cùng với mình. Thật đáng lo làm sao!
Mẹ biết không, bố dù vụng về đến mấy nhưng vẫn có thể học cách chăm con tốt; và vì họ là một nửa sinh ra em bé, nên nhiệm vụ chăm sóc con của hai người là như nhau. Quan trọng hơn, vai trò của bố là thiết yếu với trẻ nhỏ, hành động bế ẵm, tắm rửa hay chơi với con giúp gắn kết tình cảm giữa hai người với nhau, và vun đắp rất nhiều cho tinh thần của một đứa trẻ. Vì vậy, mẹ nhớ nhé, muốn chăm con tốt thì cần ít nhất là cả hai người cùng "xắn tay".
7. Đừng bỏ qua lời khuyên từ người có kinh nghiệm
Như đã nói ở trên, lời khuyên của những người đi trước luôn có ý nghĩa rất lớn và giúp mẹ chủ động hơn trong các tình huống. Bạn sẽ khó trở thành người mẹ tốt được nếu không chịu học hỏi, tiếp thu ý kiến của những người xung quanh. Tất nhiên, việc tiếp thu ý kiến luôn phải chọn lọc và tuyệt đối không áp dụng một cách "vô tội vạ" nhé!
8. Nếu có thể, hãy cho con bú sữa mẹ
Không chỉ đem lại nguồn dinh dưỡng đủ đầy và tinh khiết nhất, hoàn hảo nhất cho bé cưng, bú mẹ cũng là cách để bé cảm nhận tình cảm, yêu thương từ mẹ. Vì thế, đừng vì lo lắng bất cứ điều gì mà không cho bé bú nhé. Trừ khi có những "trục trặc" khiến mẹ không thể làm điều đó, lúc này, sữa ngoài là lựa chọn thích hợp và mẹ cũng đừng quá buồn, lo hay cảm thấy tủi thân vì không thể cho con bú. Một đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh khi con một người mẹ yêu thương, vậy là đủ!
9. Mát-xa cho bé
Những động tác mát-xa, những bài tập nhẹ nhàng giống như những "trò chơi" vô cùng tuyệt vời với bé. Nó giúp con cảm nhận được sự tiếp xúc dễ chịu với bố/mẹ và mang lại những lợi ích vô cùng lớn: kích thích trí não phát triển, giúp bé ăn ngon, mau lớn, tăng sức đề kháng,...
+ Xem thêm:
MANG THAI 3 THÁNG CUỐI NHỮNG ĐIỀU MẸ BẦU CẦN KIÊNG CỮ
KIÊNG KỴ KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH NHIỀU MẸ CHƯA BIẾT