Các Bố Hãy Xem Lại Mình Đã Vô Tâm Với Con Thế Nào

  5159

Ở Việt Nam, gần 40% trẻ em từ 3-4 tuổi có cha nhưng cha không chơi hoặc cùng tham gia những hoạt động học tập với các em trong những năm đầu đời.

Theo phân tích mới đây của Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 55% trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 4 tại 74 quốc gia (tương đương khoảng 40 triệu em) có cha nhưng cha không chơi hoặc cùng tham gia những hoạt động học tập với các em trong những năm đầu đời. Ở Việt Nam, gần 40% trẻ em từ 3-4 tuổi gặp phải tình trạng tương tự.

Trên thực tế, do quá bận rộn với công việc, người cha thường xao nhãng, không thường xuyên dành thời gian cho con cái. Hơn nữa, quan niệm trong xã hội vẫn là người cha lo việc kiếm tiền, còn người mẹ sẽ lo việc nhà và chăm lo con cái nên người cha ít chuẩn bị cả về tâm lý và kiến thức cho việc chăm sóc, chơi với con.

Nhưng không thể lấy những nguyên nhân trên để làm “cái cớ” cho việc người cha “vắng mặt” trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng bé được. Vai trò của người cha trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của bé không hề thấp hơn vai trò của người mẹ. Sự “vắng mặt” của người cha sẽ là một sự thiếu hụt, một sự thiệt thòi đối với tuổi thơ của bé. Hãy cùng nhau tháo gỡ những cản trở, khó khăn mà có thể khiến người cha ít quan tâm tới bé.

1. Vấn đề tinh thần của người cha

Trong xã hội cạnh tranh như hiện nay, người cha luôn đặt hết tâm trí, sức khỏe và thời gian vào công việc và kiếm tiền. Người cha dễ có tâm lý coi việc “phải” chơi với con, chăm sóc con là một sự phí thời gian, là sự hi sinh của mình, là nghĩa vụ hay là làm cho có. Nếu có tâm lý như vậy thì những giờ chơi với con sẽ luôn nhàm chán cho cả cha và con, sẽ chẳng có ý nghĩa gì với con cả.

Cha hãy xác định lại tâm lý của mình. Việc chơi với con là một dịp quan trọng để kết nối với con, nuôi dưỡng sự nhân văn và tình yêu trong tâm hồn con. Chơi với con cũng là những giây phút mà người cha được bỏ hết những căng thẳng trong công việc, được “xả stress”, được tiếp thêm năng lượng cho ngày mai. Chơi với con cũng là lúc để người cha nhìn lại bản thân mình, nhìn lại cách sống của mình.

Nếu xác định được tâm lý như vậy thì việc dành thời gian cho con sẽ trở nên khả thi hơn, bởi người cha sẽ luôn chủ động tìm kiếm thời gian rỗi.

2. Học hỏi kiến thức

Không ai sinh ra đã có đủ kiến thức để làm cha mẹ, mặc dù làm cha mẹ là một bản năng. Ai cũng có những bỡ ngỡ khi lần đầu ôm con, bế con. Không chỉ người mẹ mà cả người cha cũng cần bổ sung những kiến thức chăm con như: bế con, tắm con, thay tã cho con,… Không chỉ đọc trong sách, hiện nay có rất nhiều video hướng dẫn một cách chi tiết và dễ hiểu. Cha đừng để “thua kém” mẹ nhé.

Có thể khi cha muốn cùng mẹ chăm sóc bé, mẹ sẽ ngăn và nói với cha rằng cứ để mẹ làm, “xong ngay ấy mà”. Đừng ngại khi nói mẹ cứ để cho cha thử làm. Có thể cha chưa làm nhanh như mẹ, gọn như mẹ, nhưng việc cha cùng chăm sóc bé là cách thể hiện tình yêu thương với cả mẹ lẫn con. Chăm sóc con sẽ giúp cha hiểu được những vất vả, mệt nhọc của mẹ, sẽ thông cảm và yêu thương mẹ nhiều hơn. Ngược lại, trong mắt mẹ, người chồng biết quan tâm chia sẻ với người vợ sẽ chính là “soái ca” của mình, người vợ sẽ càng thương yêu chồng hơn.

3. Có cha bên cạnh sẽ mang lại cho con rất nhiều

Chúng ta cứ nghĩ đơn giản rằng cha bận thì con chơi với mẹ, cũng như nhau cả thôi. Không thể suy nghĩ vậy. Việc cha bận rộn vài ngày thì con chơi với mẹ cũng được, nhưng nếu cha “bận rộn” suốt cả tuổi thơ của con thì sẽ khiến con rất thiệt thòi.

Rõ ràng, khi được cả cha và mẹ yêu thương, chăm sóc, con không chỉ cảm nhận được tình yêu từ mẹ mà cả từ cha nữa. Đó là sự yêu thương “gấp đôi”.

Ngoài ra, có những sự khác nhau rất lớn giữa cha và mẹ, nhất là khi con lớn hơn và giao tiếp nhiều hơn. Ví dụ: được cha khen ngợi sẽ mang lại cho con những cảm giác, nhưng sự tự tin rất khác với khi được mẹ khen ngợi. Người cha cũng dễ dàng hướng dẫn và cùng con chơi nhiều trò chơi vận động hơn so với mẹ, giúp con rắn rỏi, cứng cáp hơn.

4. Dành thời gian mỗi ngày cho con

Việc cùng chơi, cùng chăm sóc con không đến nỗi mất nhiều thời gian như cha vẫn nghĩa đâu. Cha không cần thức đêm thức hôm, không cần cặm cụi nấu đồ ăn hàng ngày cho con đâu, mà chỉ cần là những hành động chăm sóc đơn giản hàng ngày, một số gợi ý như dưới đây:

Trò chuyện với con

Cha có thể trò chuyện với con mỗi ngày sau khi con đi học về, cha cũng đi làm về. Hãy hỏi con về bữa ăn trưa ở trường, hay con chơi gì với các bạn? Các bé luôn thích kể cho cha mẹ những chuyện mình gặp ở trường. Cha hãy tạo ra bầu không khí vui vẻ để con kể cho cha thật nhiều. Giữ được thói quen trò chuyện tâm sự giữa hai cha con sẽ rất tốt, rất có lợi khi con đến tuổi “teen”, có nhiều biến đổi tâm sinh lý mà không biết hỏi ai. Nếu người cha người mẹ gần gũi với con thì sẽ dễ dàng nắm bắt và giúp đỡ con.

Tắm cho con và thay tã cho con

Đừng cho những việc này là “nhiệm vụ” của mẹ, cha cũng có thể làm được và đó chính là những cơ hội tốt nhất để gần gũi con, vuốt ve con, âu yếm con. Cũng là cơ hội để con gần gũi nhất với cha, ôm cha thật chặt.

+ Xem thêm:

Trẻ Em Sẽ Thông Minh Hơn Khi Được Bố Quan Tâm


Nguồn bài viết: wtt
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: