Biết đánh con là không nên nhưng nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rằng "không đánh con không được. Có dùng đòn roi thì mới giúp con nên người".
"Con hư, đánh mới nên người"
Cúc là một bé gái ngoan ngoãn, biết nghe lời bố mẹ. Ngay từ nhỏ, Cúc đã biết yêu thương, biết giúp đỡ, quan tâm tới bố mẹ.
Với nhiều nhà sự kiện con đi lớp 1 sẽ gặp chút khó khăn vì độ tuổi lên 6, trẻ con thường có nhiều thay đổi tính nết, bố mẹ cần phải dạy con học… thế nhưng nhà anh Tuy (Long Biên, Hà Nội) không như vậy. Bé luôn tự giác ăn cơm, học hành, bố mẹ không cần phải nhắc nhở lấy một câu, anh chị tự hào rằng "Một phần cũng vì con là con gái nên ngoan".
Thế nhưng một ngày đang ngồi làm việc, anh giật mình khi cô giáo thông báo mời phụ huynh đến trường gấp. Đến nơi, anh mới ngã ngửa khi biết con ngoan có tật “ăn cắp vặt”.
Đồ vật con lấy chỉ là cục tẩy hình con vẹt, một tập giấy màu… tất cả những đồ mà Cúc chẳng bao giờ thiếu.
Tối đó, bé bị bố mẹ đánh cho một trận đau. Anh tâm sự: “Nhìn con khóc mà mình xót xa hết cả ruột, nhưng mình ghét nhất là thói xấu này. Trước đây, mình cực lực phản đối việc đánh con nhưng đúng là đánh mới thành người được".
Thế là từ sau hôm đó, Cúc lầm lì, ít nói hơn trước rất nhiều, bố mẹ hỏi gì thì bé mới nói, không thì bé im re. Thấy con có thái độ chống đối, anh càng dọa: “Con mà hư, bố mẹ sẽ đánh tiếp đấy”.
Nói thì nói thế nhưng anh cũng lo lắng không biết đánh thế có phải là một hành động nên làm hay không? Đánh con liệu có giúp con nên người?…
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều gia đình “hở một tí” là quy kết “con hư” và sẵn sàng đánh con ngay.
Bé Ngọc - con nhà chị Tuyết (Minh Khai, Hà Nội) rất xinh xắn, nhưng ai nhìn vào gia đình chị cũng thấy ái ngại cho bé bởi chị rất hay đánh con.
Ngọc vừa ăn vừa xem tivi, nhai không nhanh, đánh; làm đổ sữa khi mải xem hoạt hình, đánh; khóc khi bị mẹ tắt tivi, đánh; lí nhí chào hỏi người lớn, đánh; đòi mua đồ chơi, đánh; mè nheo linh tinh, đánh…
Gia đình, hàng xóm, bạn bè nhắc nhở, chị cũng thở dài: “Thực sự tôi có muốn đánh con nhiều đâu. Nhưng không đánh, con không thể thành người. Ngày xưa, bằng tuổi nó, tôi đã phải làm biết bao thứ, lo nghĩ bao chuyện. Mình không bắt con phải sống khổ như thời xưa nhưng nếu ngay từ bé đã buông lỏng không giáo dục, sớm muộn gì con cũng hư”.
Chị Nguyệt lại khác, chị tự nhận mình là một bà mẹ đánh con vì “tiến thoái lưỡng nan”.
Vì mong mãi mới được một mụn con trai nên bé Long rất được cha mẹ chiều chuộng. Tuy vậy, Long ngoan ngoãn, không mè nheo đòi hỏi cha mẹ bao giờ. Thế nhưng cứ khi nào con ốm, chị nằng nặc bảo đó là “con hư, mẹ rất ghét”.
Bởi cứ khi nào con khục khoặc ho, rồi khóc ré lên vì mệt, vì sốt, dỗ dành kiểu gì con cũng không nín, nhìn con ho mà chị đau thắt ruột gan. Càng khó chịu, bé càng khóc, càng giãy giụa, mẹ dỗ dành bé càng ho, càng nôn, khiến chị bực mình, chị ra đét vào mông con liên tiếp “cho mày khóc luôn một thể này, ho như thế thì cơm cháo nào lại hả con”.
Tuy nhiên, mỗi lần đánh con xong, chị lại ân hận, chị hình dung mình như những ông bố bà mẹ bạo ngược con cái.
Chị tâm sự: “Mình vô cùng đau đầu khi không thể kiểm soát được hành động của mình. Con ốm chứ đâu có hư, khổ thế cơ chứ! Nhưng mỗi khi trông thấy con ho hắng, đau họng, vật vã rồi khóc lóc, nôn mửa, mình bực mình ghê gớm. Càng nói nó nín, nó càng khóc tợn”.
Đánh con là bất lực với con
Chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định rằng: “Đánh con là một thực trạng mà nhiều gia đình vướng vào, hành động này tỏ rõ sự bất lực của cha mẹ đối với con cái.
Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích mà điều này còn phản tác dụng khiến đứa trẻ sẽ lì đòn, cứng đầu và có khả năng vi phạm lỗi nặng hơn.
Phụ huynh nên tìm hiểu mục đích mà con hư là gì? (gây sự chú ý với cha mẹ, nũng nịu, bướng bỉnh,…), một khi tìm hiểu được mục đích, nguyên nhân, cha mẹ sẽ có cách để giúp đỡ con.
Có thể khi còn trẻ, bạn tin rằng đánh con là một cách giáo dục tốt, nhưng rồi khi đã dày dạn kinh nghiệm hoặc khi về già, bạn sẽ nhận thấy rằng đánh con hầu như không mang đến một kết quả gì tích cực.
Hãy nhớ, nếu có thể dạy bảo con cái bằng lời khuyên, bằng tình cảm, lời nói nhẹ nhàng thì là điều này nên hơn cả, sử dụng đòn roi không có gì đáng khích lệ ở đây.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thỉnh thoáng đánh con (tuyệt đối không lạm dụng) để dạy con. Một khi lạm dụng đòn roi, con sẽ dạn đòn. Và phải ghi nhớ rằng đánh con luôn luôn đi kèm với việc phân tích lỗi lầm, đưa ra những lời khuyên tốt cho con. Hãy dạy con, khuyên con: "Tại sao việc đó nên chấm dứt, tuyệt đối không làm và điều gì là nên cho con".
+ Xem thêm:
LÀM 8 ĐIỀU NÀY MẸ SẼ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI ĐÉT ĐÍT CON
ĐỌC XONG BÀI NÀY BẠN SẼ TỪ BỎ VIỆC ĐÁNH ĐÒN CON