Động viên con lấy "hết sức bình sinh" để xì mũi từng bên, thậm chí hai bên, hoặc bố mẹ sử dụng bơm rửa mũi sai cách… là những cách làm khiến không ít trẻ bị bệnh về tai như viêm tai giữa, viêm xoang, thậm chí điếc.
Mắc bệnh vì xì mũi không đúng cách
Bé Nguyễn Hồng Khanh (4 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa tự biết cách để xì mũi. Mỗi lần sụt sịt, ngạt mũi hay sổ mũi, bé đều cần sự giúp đỡ của người lớn bằng cách bịt một bên cánh mũi. Lần nào cũng vậy, nghe lệnh mẹ hô “Một, hai, ba, xì” là bé thực hiện ngay. Thời gian gần đây, khi thời tiết thay đổi liên tục, hết rét hại, lại nóng bức rồi trở trời sang rét đậm, Hồng Khanh liên tục sổ mũi, viêm mũi họng.
Theo thói quen, mẹ bé động viên con lấy “hết sức bình sinh" để xì mũi từng bên. Ngay lúc đó, mẹ bé bịt ngay hai cánh mũi lại mục đích là vuốt mũi, lau sạch dịch bẩn đọng ở cánh mũi cho bé. Đến tối, bé lên cơn sốt và đau tai. Sáng hôm sau mẹ đưa bé đến khám, soi tai thấy màng nhĩ đỏ phồng, bác sĩ kết luận, Hồng Khanh bị bệnh viêm tai giữa.
Theo ThS. BS Phan Kiều Diễm (nguyên bác sĩ Bệnh viện 198), viêm tai giữa có 99% xuất phát điểm từ viêm mũi họng. Dù không quá nhiều trường hợp bị viêm tai giữa, viêm xoang do thói quen xì mũi không đúng cách như bé Khanh, nhưng vẫn phải cẩn thận.
Nguyên nhân là bởi, khi bé xì mũi, áp lực, áp suất mạnh quá nên dẫn đến tình trạng dịch ứ trong mũi đẩy ngược lên tai. Với trẻ em, ống dẫn từ mũi họng lên tai ngắn (khoảng 0,5cm), lại nằm ngang, thẳng nên rất dễ đẩy dịch ngược. Cũng không ít người lớn do xì mũi nhiều lần, dùng lực mạnh nên dù đường dẫn này nằm chếch khoảng 45 độ, dài 4,5cm nhưng vẫn bị dịch đẩy ngược lên tai, gây tắc ống dẫn, ù tai khó chịu.
Một trường hợp khác là bé Quỳnh Thư (5 tuổi, Hà Nội). Vì bị viêm mũi dị ứng từ bé nên em rất quen với việc được người lớn bơm rửa, hút mũi. Vì bị viêm tai giữa, ù tai, bé đã từng phải đặt ống, bác sĩ khuyên không tiếp tục tự bơm rửa ở nhà nhưng cách đây mấy hôm, bé đã được bố mẹ tức tốc bế đến gặp bác sĩ vì cứ bơm rửa mũi là nước tự chảy từ tai.
Giải thích cụ thể, ThS. BS Phan Kiều Diễm cho hay, bản chất trong cấu tạo mũi - họng của con người có một ống dẫn từ mũi lên tai, nằm trên vòm mũi họng. Ống này là xoang ảo, chỉ mở ra khi con người ngáp hoặc nuốt, giúp cân bằng áp suất giữa bên trong – ngoài màng nhĩ. Cứ 3-5 phút, chúng ta đều phải nuốt một lần. Khi đó, ống này sẽ tự động mở ra, cân bằng áp suất, tai không bị khó nghe hay bị ù ù khó chịu.
Còn màng nhĩ là màng ngăn giữa tai ngoài và tai giữa. Thường màng nhĩ luôn thông, nếu vì bất kể một nguyên nhân nào đó (như viêm mũi, tắc đường thông từ mũi họng lên tai, viêm nhiễm từ mũi họng lên tai giữa…) thì đường thông đó không được thông thoáng nên tai ù. “Không ít người dù được bác sĩ khuyến cáo là không được tự ý bơm rửa mũi nhưng vẫn làm. Khi bơm rửa cho trẻ, bản thân chúng ta không thể biết được trẻ có nuốt nước hay không. Nguyên tắc khi đang bơm rửa là không được nuốt, phải bơm rửa ở mức độ vừa phải, không để sặc. Sặc là một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Khi sặc, tức khắc trẻ sẽ phải nuốt hoặc ho, những thời điểm này, nước sẽ tràn lên tai ngay”, ThS.BS Phan Kiều Diễm phân tích.
Không được xì mũi khi mũi ngạt tắc
Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cho biết, trong mũi luôn tiết ra dịch. Chất nhày từ các xoang chảy tới mũi cũng chứa dịch. Khi bị kích thích bởi một số yếu tố (lạnh - ẩm, hơi khí, bụi...), mũi và xoang sẽ tiết ra nhiều dịch hơn và dịch này cũng đặc hơn, gây ứ đọng trong mũi. Nếu người lớn hoặc trẻ nhỏ hít mạnh vào, các chất này sẽ từ mũi đi xuống họng hoặc đi ngược vào xoang, gây viêm xoang.
Để rửa mũi đúng cách, BS Nguyễn Tuyết Mai (Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương) tư vấn, phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ cho bé từng giọt để loãng dần, sau đó dùng dụng cụ hút ra. Ngoài ra, có thể dùng nước muối biển dạng xịt. Mức độ xịt vừa đủ để sau khi xịt có thể bịt từng bên một để hút. Khi xịt nước muối vào mũi, không nên xì mạnh vì nước muối có thể sẽ theo vòi nhĩ vào tai, gây viêm tai giữa.
Tư vấn của BS Kiều Diễm cho thấy, với những em bé biết xì mũi, bố mẹ nên hướng dẫn con bịt một bên một để xì. Không nên lấy hết sức để xì ra vì khi xì mũi, áp lực khí trong vòm mũi họng tăng rất cao, chất dịch bẩn, khí có thể sẽ bị “tống ào” ngược dòng lên tai. Điều này có thể gây biến chứng như: viêm tai giữa cấp, tắc vòi nhĩ, viêm tai màng nhĩ đóng kín.
Không được xì mũi khi mũi ngạt tắc, khi xì mũi chỉ được bịt một bên, còn bên kia thoáng. Nếu cần thiết, phụ huynh nên đưa con tới bác sĩ chuyên khoa khám và hút mũi cho bé, không nên để dịch ứ đọng trong mũi lâu, gây tắc mũi dẫn đến nhiều biến chứng khác... Nếu trẻ bịt cả 2 lỗ mũi để xì, các chất ứ đọng cũng đi ngược vào trong xoang hay xuống họng, gây viêm họng, viêm khí phế quản.
Còn những bé quá nhỏ (dưới 3 tuổi), cần có sự hỗ trợ của mẹ nên nhỏ mũi một chút để ẩm, loãng, hỗ trợ việc hút dịch ra. Nguyên tắc của việc nhỏ mũi là bố mẹ đặt đầu bé thẳng xuống, sao cho hai lỗ mũi nhìn lên trần nhà. Khi đó, toàn bộ hệ thống nước được lót, tráng toàn bộ niêm mạc mũi vào vòm, chảy xuống họng. Nếu nhỏ ở các tư thế khác, tác dụng không nhiều.
Với người lớn, trước khi xì mũi nên kiểm tra mũi thông thoáng hay không. Nếu chưa thông thì nên lau từ bên ngoài (tuyệt đối không nên xì mũi ngay lúc này), nhỏ nước muối sinh lý 0,09%, xịt ẩm mũi. Tiện hơn hết là dùng hai ngón tay xoa lên thân mũi, dọc giữa mũi vài ba phút, mũi thông thoáng ngay.
Theo tư vấn của các bác sĩ Bệnh viện Tai – Mũi - Họng Trung ương, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ từ 3-4 tuổi trở lên cách xì mũi đúng bằng cách:
- Chỉ bịt một lỗ mũi, một bên để thoáng.
- Hơi cúi đầu, ngậm miệng, thở mạnh ra.
- Đổi bên và làm lại như vậy, mỗi bên làm 2 - 3 lần cho sạch.
Khi trẻ bị ngạt hoặc tắc mũi, phải nhỏ thuốc co mạch trước, 1 - 2 phút sau mới thực hiện xì mũi. Nếu không, sẽ gây phản tác dụng như đã nêu.
Ngoài ra, xì mũi quá mạnh còn có thể gây chảy máu mũi. Khi trẻ bị bệnh lây lan như sởi, cúm... nên cho trẻ xì mũi ra khăn giấy dùng một lần. Đặt khăn ở trước lỗ mũi để ngăn các chất xì bắn tung tóe, làm bệnh lan truyền.
+ Xem thêm:
SAI LẦM KHI SỬ DỤNG BÔNG NGOÁY TAI HÀNG NGÀY CHO TRẺ