Đái dầm là rắc rối phổ biến ở trẻ em. Tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng tật đái dầm có thể khiến trẻ mặc cảm, thiếu tự tin, ảnh hưởng đến giấc ngủ, bị căng thẳng… Do vậy, tìm cách khắc phục chứng đái dầm ở trẻ là điều các mẹ nên làm.
Đái dầm ở trẻ được phân làm 2 loại: đái dầm tiền phát và đái dầm thứ phát. Đái dầm tiền phát diễn ra từ nhỏ và kéo dài đến sau 5 tuổi. Còn đái dầm thứ phát là trường hợp trẻ đã khỏi bệnh ở giai đoạn 3, 4 tuổi nhưng đến 6 - 7 tuổi thì bị lại.
Mắc tật đái dầm liên tục có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti vì vậy ba mẹ nên tìm cách khắc phục triệu chứng này ở trẻ.
Thông thường, đái dầm tiền phát và thứ phát được điều trị như nhau, trừ khi xác định được bệnh lý, là thủ phạm gây đái dầm thứ phát. Để điều trị hiệu quả chứng đái dầm cần kết hợp cả điều trị hành vi và dùng thuốc.
Điều trị
Kêu bé dậy đi tiểu vào ban đêm: Vài giờ sau khi bé đi ngủ ba mẹ nên đánh thức bé dậy đi tè. Nhiều người cho rằng việc điều trị tè dầm ở trẻ bằng phương pháp này không hiệu quả, vì nó sẽ khiến cả ba mẹ cũng như bé mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, một số khác coi đây là biện pháp đơn giản mà cha mẹ có thể áp dụng trong khi chờ đợi bé tự “thoát khỏi” đái dầm.
“Tập luyện” cho bàng quang: Khuyến khích bé tăng lượng nước uống vào ban ngày, nghĩ về cảm giác bàng quang đầy nước tiểu, đáp ứng ngay với tín hiệu đầu tiên từ bàng quang và đái kiệt mỗi lần tiểu tiện.
Hạn chế uống nhiều nước, sữa sau bữa tối: Để giúp hạn chế lượng nước tiểu thải ra vào ban đêm, ba mẹ không nên cho trẻ uống nhiều nước, sữa trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, thay vào đó nên cho trẻ uống nhiều vào ban ngày. Tuy nhiên cần giải thích cho trẻ hiểu để tránh việc bé hiểu nhầm ba mẹ đang trừng phạt mình và tỏ thái độ chống đối bằng cách uống nhiều hơn.
Nhờ đến đồng hồ báo thức: Thiết bị này gồm bộ phận cảm nhận ẩm ướt được cài vào quần lót và chuông để đánh thức bé khi bé đái dầm. Ngoài ra, ở một số thiết bị được cải tiến còn có thêm khả năng rung, giúp đánh thức bé hiệu quả hơn. Cơ chế hoạt động của đồng hồ này như sau: khi trẻ đái dầm, nước tiểu sẽ kích hoạt bộ phận cảm biến, làm chuông kêu to, đánh thức bé dậy đi vệ sinh. Cứ thế, sau nhiều tuần nghe chuông, bé sẽ học được cách nhận biết các tín hiệu của bàng quang và tỉnh dậy trước khi đái dầm. Với thiết bị này, sau 3 tháng luyện tập bé có thể thoát khỏi chứng đái dầm đáng ghét.
Liệu pháp tâm lý: Đây là lựa chọn cho trẻ đái dầm thứ phát do những thay đổi hay chấn thương tâm lý trong cuộc đời, hoặc cho trẻ quá mất tự tin vì tật đái dầm.
Điều trị bằng thuốc
Có một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị đái dầm. Có thể dùng thuốc riêng hoặc kết hợp với điều trị hành vi. Thuốc không mang lại hiệu quả kéo dài và đa số trẻ đái dầm trở lại khi ngừng thuốc. Vì vậy, bác sĩ thường khuyến cáo cho trẻ dùng thuốc trong thời gian ngắn, hoặc dùng với mục đích kiểm soát triệu chứng nếu các biện pháp khác đều thất bại.
Để điều trị tè dầm hiệu quả, ngoài những cách thông thường ba mẹ có thể nhờ sự hỗ trợ của thuốc.
- Desmopressin (Minirin): Có tác dụng ức chế thận sản xuất nước tiểu; thuốc hiệu quả ở 50% bệnh nhân. Thuốc cần được sử dụng một cách thận trọng theo hướng dẫn của bác sĩ vì tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nguy hiểm.
- Oxybutynin: Là thuốc kháng tiết cholin, có tác dụng chống co thắt, thường được kê cho bệnh nhân có bàng quang hoạt động quá độ. Những bệnh nhân này bị co thắt bàng quang không thể kiểm soát, phải đi tiểu liên tục, mót tiểu đột ngột không có dấu hiệu báo trước.
Trẻ có bàng quang hoạt động quá mức thường đái dầm nhiều hơn một lần mỗi đêm và cũng đái dầm cả ban ngày. Hiệu quả của Oxybutynin trong đái dầm không cao nhưng nếu sử dụng kết hợp với đồng hồ báo thức hay desmopressin, nó giúp làm thư giãn bàng quang đủ để các biện pháp kia trở nên hiệu quả hơn.
- Imipramine: Là một loại thuốc chống trầm cảm nhưng có tác động lên bàng quang, thuốc hiệu quả ở 40% bệnh nhân. Đáng lo ngại là sự chênh lệch quá nhỏ giữa liều hiệu quả và liều gây độc. Imipramine là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ tử vong vì ngộ độc ở Anh. Trẻ có thể chết vì vô tình dùng thuốc quá liều. Một số bác sĩ cho rằng thuốc không đủ an toàn để sử dụng trong các bệnh lành tính như đái dầm.
Lời khuyên là, các mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng các thuốc chữa đái dầm, mà nên tư vấn và dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu cần.
Cha mẹ không nên trách mắng trẻ đái dầm
Bản thân trẻ vốn không muốn mình đái dầm, vì vậy khi trẻ mắc bệnh này ba mẹ không nên la mắng, chế giễu trẻ. Như thế sẽ khiến trẻ càng mặc cảm, tự tin khiến cho việc điều trị khó khăn hơn. Thay vào đó, ba mẹ nên cảm thông với con, khuyến khích, cùng phối hợp với con trị dứt chứng đái dầm đáng ghét.
+ Xem thêm:
MÁCH MẸ CÁCH XỬ LÝ VẾT Ố VÀNG KHI CON TÈ DẦM