Trẻ bị sặc sữa có thể để lại những tác hại khó lường. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, cha mẹ cần tránh những nguy cơ có thể làm trẻ bị sặc sữa.
Nguyên nhân khiến trẻ bị sặc sữa
Theo Sức khỏe và Đời sống, một số gia đình mua phải núm vú cao su có lỗ thông quá rộng; sữa chảy nhiều, chảy mạnh khiến trẻ không nuốt kịp gây sặc. Sặc sữa có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhũ nhi. Tai biến này thường gặp ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.
Với những trẻ 3-4 tháng tuổi, bắt đầu biết tiếp xúc với những người xung quanh, tai nạn sặc sữa vẫn còn xảy ra, nguyên nhân là do các bà mẹ vừa cho con bú vừa nói chuyện với trẻ, trẻ mải hóng chuyện có thể ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt. Lúc thích chí trẻ cười, có thể gây sặc.
Khi trẻ bú, nếu để trẻ gập cổ quá sẽ gây khó nuốt, hoặc ngửa cổ quá dễ bị sặc. Khi trẻ ho khóc, phải ngừng ngay không cho bú nữa. Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, điều này rất nguy hiểm vì khi đó sữa vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt, khi thở mạnh có thể hít sữa lên mũi, gây tắc đường hô hấp.
Trẻ bị sặc sữa có thể để lại những tác hại khó lường
Một số trẻ không chịu bú bình, các bà mẹ dùng thìa hoặc chén đổ sữa vào miệng để ép uống khiến trẻ không nuốt kịp, dễ bị sặc. Với những trẻ bú mẹ thì tai biến sặc sữa hiếm gặp, có thể gặp trong trường hợp mẹ nhiều sữa mà con lại yếu nên sức ăn kém không nuốt kịp, sữa xuống nhiều gây sặc.
Hoặc ban đêm mẹ vừa nằm ngủ vừa cho con bú, cho trẻ ngậm vú để khỏi khóc có thể làm trẻ sặc.
Cách cho con bú không bị sặc
- Mẹ không nên để bé vừa bú vừa ngủ.
- Mẹ không đùa với bé khi đang bú, làm bé cười dễ gây sặc.
- Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá (gập cổ sẽ gây khó nuốt, còn ngửa cổ thì dễ bị sặc Sữa lên mũi).
Phải cho trẻ bú từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những trẻ còn yếu, sinh non tháng. Ban đêm muốn cho trẻ ăn, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ lên bằng hai tay đặt trẻ ở tư thế thoải mái, lúc đó mới bắt đầu cho trẻ bú.
- Khi bé đang bú mà bị ho hoặc khóc thì mẹ phải ngừng cho bú ngay.
- Khi bé bú mẹ, nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà bé chưa nuốt kịp, mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.
- Theo bác sĩ Trọng Nghĩa chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống, với những trẻ không nuôi bằng Sữa mẹ, phải bú bình cần chú ý đầu núm vú cao su không nên đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú.
Khi cho trẻ bú, nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để Sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn. Khi phải dùng thìa đổ Sữa vào miệng trẻ, cần đổ từ từ, khi trẻ nuốt hết mới đổ thìa khác, không vội vàng, tránh đổ tràn cả vào Mũi trẻ.
- Đặc biệt, sau khi trẻ bú no không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường hoặc nôi mà người mẹ nên bồng trẻ lên, dùng tay vỗ nhẹ vào sau lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) để trẻ có thể “ợ hơi” sẽ tránh tình trạng trẻ nôn, trớ sữa có thể gây hít sặc vào phổi.
+ Xem thêm:
CÁCH XỬ LÝ KHI CON BỊ HÓC DỊ VẬT