Bí Quyết Để Bé Ngủ Trưa Ngon Giấc Không Giật Mình

  19526

Giấc ngủ trưa rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Trong năm đầu đời, cơ thể trẻ lớn rất nhanh và giấc ngủ có vai trò thiết yếu cho sự phát triển về thể chất, nhận thức và cảm xúc của trẻ.

 Giấc ngủ trưa rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Trong năm đầu đời, cơ thể trẻ lớn rất nhanh và giấc ngủ có vai trò thiết yếu cho sự phát triển về thể chất, nhận thức và cảm xúc của trẻ. 

Khác với người lớn, ngủ trưa là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em vì đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết để khôi phục năng lượng cho cả trẻ và mẹ (vốn luôn mệt nhoài vì nhiệm vụ chăm sóc bọn trẻ).

Tuy nhiên, trên thực tế, việc rèn luyện cho trẻ có thói quen ngủ trưa đều đặn không hề dễ dàng. Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu không tạo được một môi trường thuận lợi để ngủ trưa, bạn rất khó buộc trẻ đi ngủ. Trong khi đó, hầu hết mọi đứa trẻ từ ba tuổi trở xuống đều cần phải có một giấc ngủ trưa trong ngày. Mặc dù mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo một cách riêng, nhưng vẫn có những nguyên tắc chung dành cho các độ tuổi nhất định. Theo đó:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần ngủ từ 16 giờ đến 24 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả những giấc ngủ trưa.

- Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng nên ngủ khoảng 11 tiếng vào ban đêm và cần thêm hai giấc ngủ ngắn vào ban ngày.

- Trẻ từ 1 tuổi trở lên cần ngủ khoảng 10 giờ đến 13 tiếng , bao gồm cả một giấc ngủ trưa. Tuy nhiên, những bé vừa qua tuổi thôi nôi vẫn cần ngủ khoảng hai giấc ngắn vào ban ngày.

Mục đích của việc ngủ trưa là tạo ra sự cân bằng trong chu kỳ nghỉ ngơi của một ngày và thông thường, thời gian “chuẩn” cho giấc ngủ ban ngày chỉ là 90 phút. Ngủ trưa quá nhiều có thể khiến trẻ khó ngủ hơn vào ban đêm. Bạn có thể dễ dàng nhận biết dấu hiệu thiếu ngủ của con mình nếu chúng ngáp quá nhiều hoặc nhanh chóng ngủ ngay khi vừa nằm lên giường. Ngoài ra, trẻ còn có thể cáu gắt, khó chịu hay quấy khóc khi ngủ không đủ giấc. Hầu hết mọi đứa trẻ vẫn đùa nghịch bình thường mặc dù cơ thể đang mệt mỏi. Chúng cũng có thể bộc lộ những dấu hiệu của chứng hiếu động thái quá hoặc có cách hành xử không đúng.

Để trẻ ngoan ngoãn lên giường vào buổi trưa, bạn có thể áp dụng một số gợi ý dưới đây.

1. Tạo thời gian biểu nghỉ ngơi hợp lý cho trẻ với những giờ cố định dành cho việc đi ngủ vào ban đêm, giờ thức giấc và giờ ngủ trưa. Trẻ em sẽ lớn mau nếu được chăm sóc điều độ. Thói quen đi ngủ theo giờ giấc sẽ giúp khởi động đồng hồ sinh học tự nhiên của con bạn. Khoảng thời gian từ 11g30 đến 12g30 là thời điểm lý tưởng để trẻ ngủ trưa.

2. Cho trẻ ăn trước khi ngủ. Đi ngủ với một cái bụng đói sẽ rất khó ngủ ngon, ngay cả đối với người lớn. Do đó, đừng để trẻ phải lên giường với cái bụng “xẹp lép”. Bạn nên chọn những thực phẩm giàu carbohydrate và đường cho bữa ăn trước khi ngủ nhưng cũng không nên ép trẻ ăn no quá mức. Tuyệt đối không cho trẻ uống những thứ có chất caffein.

3. Không đắp quá nhiều chăn. Nhiệt độ cơ thể của trẻ em luôn cao hơn người lớn. Hơn nữa, trẻ sẽ rất khó ngủ nếu chúng nóng bức.

4. Cho trẻ ngủ cùng một vật dụng mà chúng yêu thích như một món đồ chơi, thú nhồi bông…

5. Không gian phòng ngủ cần yên tĩnh: tắt hết đèn, kéo rèm che cửa sổ, tắt các thiết bị điện tử gây ồn như ti vi. Có thể mở những bản nhạc nhẹ nhàng với âm thanh vừa phải.

6. Nếu trẻ khó ngủ, bạn có thể xoa nhẹ lưng cho chúng.

7. Yêu cầu mọi người trong nhà, kể cả những bé đã lớn giữ im lặng trong thời gian trẻ ngủ trưa.

Ngay cả khi trẻ không ngủ được, thì việc nghỉ ngơi trong 30 phút cũng giúp chúng cảm thấy khỏe khoắn hơn. Do đó, bạn nên tạo cơ hội để trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh trên giường. Nếu đã đến tuổi đi học mà trẻ vẫn có nhu cầu ngủ trưa hoặc thường xuyên ngủ gật mặc dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm, bạn cần cho trẻ đến bệnh viện để kiểm tra bởi vì đây có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở trong khi ngủ hoặc những căn bệnh khác có liên quan đến giấc ngủ.

+ Xem thêm:

CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO BÉ THẾ NÀO CHO ĐÚNG 

DẤU HIỆU TRẺ BỊ THIẾU NƯỚC


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: