Bí Quyết Để Bé Không Đau, Sốt Khi Chích Ngừa

  55652

Để làm dịu cơn đau sau khi trẻ đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh, bạn có thể áp dụng một số cách sau.

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống nhiều căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc-xin trẻ thường gặp phải những phản ứng phụ, phổ biến nhất là bị đau, sốt nhẹ.

Điều này khiến trẻ có cảm giác khó chịu, quấy khóc hay thậm chí là bỏ bữa. Nếu biết cách làm dịu những cơn đau sau khi tiêm phòng, bạn sẽ giúp con mình vượt qua những cảm giác không thoải mái một cách dễ dàng hơn.

Để làm dịu cơn đau sau khi trẻ đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

1. Chườm đá lên chỗ tiêm

Sau khi tiêm vắc-xin, chỗ da bị tiêm sẽ dễ sưng phồng hoặc bị viêm khiến trẻ đau đớn và khó chịu. Bạn có thể cho một viên đá nhỏ xoa lên lòng bàn tay của mình rồi áp tay nhẹ lên vết tiêm của bé nhằm làm dịu cơn đau và hạn chế viêm nhiễm.

Chú ý không được thoa đá trực tiếp lên da của bé vì da trẻ con rất mỏng nên rất dễ bị bỏng lạnh. Khi trẻ đã đỡ đau hơn, bạn có thể bọc đá trong một chiếc khăn cotton, áp lên da của bé trong vài giây rồi nhanh chóng lấy ra. Chỉ cần chườm đá như vậy từ 2 đến 3 lần trong ngày là được. Chú ý, trước khi chườm đá bạn nên rửa tay thật sạch để tránh làm nhiễm trùng vết tiêm trên da của con mình.

2. Đừng bực bội khi con bị sốt

Trẻ con thường rất dễ ốm sau khi tiêm vắc-xin vì những phản ứng phụ của thuốc. Việc trẻ bị sốt cũng là điều hết sức bình thường và các cơn sốt sẽ chấm dứt trong vòng từ 1 đến 2 ngày. Nếu bé sốt, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí thích hợp.

3. Chú ý đến trẻ nhiều hơn

Trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày sau khi tiêm vắc-xin, bạn cần chú ý nhiều hơn đến con để quan sát những phản ứng thường gặp sau khi tiêm phòng. Trẻ cũng cần được bạn quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nhằm làm dịu cảm giác khó chịu mà chúng đang gặp phải. Bạn cần phải bình tĩnh trước những biểu hiện khó chịu của con vì cơ thể của trẻ đang phải thích ứng với lượng thuốc vừa được tiêm vào người. Đối với những trẻ sơ sinh hoặc dưới 6 tháng tuổi, có thể áp dụng phương pháp tiếp xúc da tiếp da để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và hiểu rằng bạn luôn ở bên cạnh chúng.

4. Cho trẻ uống paracetamol

Trong trường hợp những cơn đau sau khi tiêm vắc-xin khiến trẻ khó chịu kéo dài hoặc trẻ có những biểu hiện như liên tục quấy khóc, chán ăn, bạn có thể cho con mình uống thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác không thoải mái mà trẻ đang phải chịu đựng.

Tuy nhiên, trước khi cho trẻ dùng thuốc, cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ về loại thuốc nên dùng và liều lượng thích hợp với thể trạng của trẻ. Thông thường, trong trường hợp này, các chuyên gia y tế sẽ cho trẻ dùng thuốc giảm đau paracetomol. Lưu ý là bạn không được cho trẻ uống vượt quá liều lượng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.

 5. Cho trẻ bú thường xuyên hơn

Cảm giác thèm ăn của trẻ sẽ bị suy giảm sau khi được tiêm vắc-xin hoặc trẻ sẽ không thích thú với chuyện ăn uống như bình thường vì đang bị đau. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không để trẻ bỏ bữa trong thời điểm này vì điều này chỉ làm cho tình hình trở nên tệ hơn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tình trạng mất nước đi kèm với các cơn sốt nhẹ thường xảy ra sau khi tiêm vắc-xin sẽ không có lợi cho trẻ.

Do đó, bạn nên cho con mình bú thường xuyên hơn. Đây là cách vừa giúp trẻ có đủ lượng nước mà cơ thể chúng đang cần, vừa góp phần làm dịu cảm giác khó chịu do các cơn đau gây ra. Đối với những trẻ không bú mẹ, bạn nên cho chúng uống nhiều nước và chia nhỏ những bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày nếu trẻ không muốn ăn.

6. Gây xao nhãng cho trẻ

Kể chuyện, hát, chơi đùa cùng trẻ… là những cách giúp trẻ bận rộn và không còn để tâm đến cơn đau đang diễn ra trong cơ thể của chúng.

7. Đừng buộc trẻ phải đi hoặc di chuyển nếu chúng không muốn

Phần lớn các mũi tiêm vắc-xin dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều được thực hiện ở phần đùi, ngoại trừ một số mũi tiêm ở bắp tay. Vị trí bị tiêm thường sẽ sưng tấy và rất đau nhức, khiến trẻ gặp khó khăn trong chuyện di chuyển. Vì vậy, đừng buộc con mình phải đứng dậy, bước đi hay bò trong giai đoạn này để tránh làm cho vết tiêm thêm sưng tấy khiến trẻ bị đau nhiều hơn.

8. Chọn những mũi tiêm kết hợp phòng ngừa nhiều bệnh hoặc những mũi tiêm không gây đau

Trước khi tiêm vắc-xin, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn rõ ràng về các loại vắc-xin thế hệ mới, vốn thường bao gồm những mũi tiêm kết hợp và ít gây đau nhức cho trẻ hơn. Hãy cố gắng lựa chọn những loại thuốc an toàn và ít gây tác dụng phụ nhất nhằm giảm thiểu những phản ứng sau khi tiêm cho con của bạn.

HỒNG XUÂN

(Theo Thehealthsite.com)

+ Xem thêm:

TIÊM PHÒNG CÚM CÓ CẦN THIẾT CHO TRẺ EM VÀ PHỤ NỮ MANG THAI

LỊCH TIÊM PHÒNG CHO TRẺ EM CÁC BỐ MẸ CẦN BIẾT


Nguồn bài viết: phunuonline.com.vn
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: