Gửi tiết kiệm ngay khi có món tiền nhỏ, dồn sức cho các khoản đầu tư lớn… là cách giúp chị Linh Bùi mua nhà, sắm xe, bỏ tật mua sắm vô độ.
Chia sẻ dưới đây là của bà mẹ một con Linh Bùi, 38 tuổi, một quản lý bán hàng tại công ty về công nghệ thông tin ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, về các cách giúp chị “chữa bệnh” mua sắm vô tội vạ và biết chi tiêu thông minh hơn.
Tôi là người mua sắm vô độ, cứ có tiền là mua, không bao giờ suy nghĩ. Ai từng quen tôi khi tham gia diễn đàn về may vá trên mạng đều biết tôi có nguyên một nhà vải cỡ nửa tấn, 10 cái máy khâu (đều đã bán sạch khi mua nhà)… Đồ làm bánh và nguyên liệu nấu nướng của tôi hầu như lúc nào cũng để hỏng vì quá nhiều, đồ ăn chật tủ lạnh thi thoảng lại bị bỏ đi vì quá hạn dùng. Váy vóc tôi mua thường xuyên nhầm một thành hai (đặt một cái chưa về, lại đặt thêm rồi quên). Trong khoảng hai năm lại đây, tôi thấy “bệnh” nghiện mua sắm của mình đỡ hẳn nhờ áp dụng những mẹo dưới đây:
Chơi họ/hụi
Tiết kiệm online hoàn toàn không hiệu quả với tôi vì vẫn có thể rút tiền bất cứ khi nào mình muốn chỉ trong một phút, vì thế tôi phải áp dụng cách chơi họ.
Cách thức chơi là: Mỗi tháng, tôi góp một khoản tiền với 4-6 chị em cực kỳ thân thiết và tin tưởng rồi bốc thăm chọn thứ tự người được nhận họ. Ví dụ, nhóm tôi có 6 người, mỗi người đóng 3 triệu/tháng, đến lượt ai thì người đó sẽ được nhận 18 triệu. Mọi người có thể đàm phán để trao đổi số thứ tự nhận họ. Mỗi người chơi phải đưa ra kế hoạch khi lĩnh tiền sẽ tiêu gì (ví dụ: Mua bảo hiểm, đổi xe máy, mở sổ tiết kiệm…). Nhóm này không có người giữ tiền chung, cứ đến lượt ai thì mọi người tự chuyển khoản cho người đó và cũng không có lãi, ai cũng nhận và đóng số tiền như nhau.
Mỗi tháng, tôi chơi với 4 nhóm như vậy thì đã tiết kiệm được 10-15 triệu. Có lần, sau khi nhận họ, tôi có 40 triệu – đúng vào dịp đi du lịch nước ngoài nên tôi có khoản đi chơi mà không phải lo lắng gì nhiều.
Khi có lương, cắt ngay khoản tiền cho chi phí thiết yếu
Trước đây, cứ có tiền lương là tôi tiêu, đến cuối tháng thấy hết mới xót và không nhớ mình đã tiêu gì, thế nhưng tháng sau vẫn y nguyên như vậy.
Từ lúc quyết tâm phải chỉnh đốn lại việc chi tiêu, nhận lương xong, tôi cắt ngay số tiền cần cho các khoản cứng buộc phải chi hằng tháng. Phần tiền còn lại, tôi cân đối xem dành ra được bao nhiêu phần trăm để gửi tiết kiệm, số dư sẽ để tiêu.
Nói chung, tôi biết bệnh mình là khi thấy tài khoản có tiền là còn tiêu, còn mua nên buộc bản thân phải giảm số tiền có trong ví lẫn trong tài khoản. Thử áp dụng cách này trong khoảng một năm nay, tôi thấy mỗi tháng mình tiết kiệm được khá nhiều.
Mua đồ cao cấp
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng với tôi, để dành tiền mua đồ tốt thay vì là lựa đồ rẻ lại là cách tiết kiệm. Với những món rẻ, ta dễ tặc lưỡi mua ngay. Với món đắt tiền, thường phải cân nhắc lâu hơn và sau khi để 1-2 hôm, cơn “cuồng mua” có thể nguội xuống.
Trước đây tôi hay mua túi với giá tầm 200.000-300.000/chiếc, có khi mua liền 5-7 cái. Giờ tôi chuyển sang dùng các túi có thương hiệu, chỉ sắm 1-2 cái. Những đồ này dùng bền và khi nào không thích thì bán lại rất dễ và vẫn được giá. Thanh lý ngay và tất cả những gì không cần đến cũng là một cách tiết kiệm.
Gửi tiết kiệm ngay khi để dành được một khoản
Trước đây, tôi cho rằng phải tích cóp được một món lớn mới bõ công gửi tiết kiệm. Nhưng thường cứ có đồng nào tôi lại mua sắm đồng đó nên nghĩ tới phương án phải mang tiền đi giữ. Cứ có 10-20 triệu, tôi gửi tiết kiệm ngay, chọn ngân hàng nào lãi suất cao nhất và chọn kỳ hạn 13 tháng. Đây là cách hữu hiệu để tránh rút sớm trước thời hạn vì sợ mất phần lãi suất. Gửi xong sổ nào, tôi gửi mẹ cất hộ và bà sẽ chỉ đưa lại cho tôi khi sổ đến hạn. Nhờ cách này, trong hai năm, tôi đã gom được 250 triệu với tổng 5-6 sổ lẻ.
Xem lại thành quả tiết kiệm để lấy động lực tiếp tục
Khi sang nhà mẹ chơi, thỉnh thoảng tôi lại ngồi ngắm sổ tiết kiệm. Tôi biết có những chị em, cứ đến kỳ lương là bỏ tiền ra mua 1-2 chỉ vàng rồi lâu lâu lôi vàng ra đếm và ngắm nghía, tinh thần tiết kiệm lại lên cao hừng hực. Tôi còn biết có chị thỉnh thoảng mang sổ đỏ ra xem để lấy động lực tiết kiệm, đầu tư.
Theo dõi chi tiêu trong tháng
Chỉ cần một tháng chịu khó ghi lại các khoản chi tiêu, chị em sẽ thấy hiệu quả bất ngờ. Chẳng hạn, bạn sẽ nhận ra, sao tháng này mình tiêu đến 4 triệu vào mua sắm. Tôi tự cho phép mình mỗi tháng chỉ chi 2 triệu cho khoản sắm đồ thì khi chạm đến mốc này sẽ bị cảnh báo và dừng lại ngay.
Tập trung cho các khoản lớn
Giữa năm nay tôi sẽ được nhận nhà. Khi đã ký hợp đồng mua nhà, mọi thứ như giầy dép, quần áo trở nên tầm thường hẳn. Nếu muốn giảm tiêu linh tinh, hãy dùng tiền chi cho những khoản lớn hơn, như mua nhà, mua ôtô, mua đồ gia dụng cần thiết.
Hạn chế dùng thẻ tín dụng
Tôi đã cắt hẳn một thẻ visa để giảm chi qua thẻ, quẹt vô tội vạ. Lãi thẻ tín dụng cực cao, tầm 20-35%/năm, gấp mấy lần lãi gửi tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên, nếu biết khéo léo tận dụng, trong một số thời điểm khẩn cấp, thẻ tín dụng có thể lại là một “phao cứu sinh”. Chẳng hạn, có đợt, tôi kẹt tiền do dồn hết vào trả tiền nhà theo đợt, tôi tận dụng dùng thẻ tín dụng để chi cho các khoản cơ bản như đi siêu thị, trả tiền học cho con… Thường thẻ này có hạn 45 ngày miễn lãi nên tôi căn lịch thanh toán trên mỗi thẻ để trả tiền trước hạn.
Sau khoảng 6 tháng áp dụng các cách tiết kiệm trên, tôi không còn rơi vào tình trạng rỗng túi cũng như chi tiêu vô tội vạ như trước đây. Tôi cũng không cần phải ngồi ghi lại từng khoản chi tiêu nhỏ lẻ hằng ngày như trước mà chỉ cần lưu các khoản chi có giá trị như tiền học cho con đóng cả năm, tiền nhà, tiền đổi xe… Tôi vẫn giữ thói quen gom 5-10 triệu là đi gửi tiết kiệm. Con gái tôi cũng vì thế mà có ý thức tiết kiệm hơn rất nhiều khi thấy mẹ gom góp từng chút tiền nhỏ để thành món lớn, lo đóng tiền mua nhà.
+ Xem thêm:
Khó Tin Nhưng Là Thật: Chi Tiêu Gia Đình 4 Người Chỉ 8 Triệu/Tháng
Kế Hoạch Chi Tiêu Gia Đình Có 2 Con Nhỏ Chỉ Khoảng 8 triệu đồng/tháng.