Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virus kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo nên những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, một số loại viruss cũng gây nên bệnh này.
BS Thái Thanh Thư, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh có thể xuất hiện khi bé đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm, khi dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng. Sau vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn. Ho chính là phản xạ tự vệ rất quan trọng của cơ thể, giúp đẩy chấy nhầy ra khỏi túi phế nang trước khi nhiễm trùng đặt chân được vào đây.
Biểu hiện của bệnh viêm phổi
- Ho vừa đến nặng - thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy.
- Thở nhanh liên tục (khác với thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).
- Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (2 tháng - 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (trên 1 tuổi).
- Đếm nhịp thở khi trẻ đang nằm yên, không hoạt động gắng sức. Dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút.
- Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
- Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ nhưng cơ thể không thể cố gắng mãi. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.
- Sốt - sốt vừa đến sốt cao.
- Đau ngực - không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho.
- Nôn - không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
- Tím tái quanh môi và ở mặt - do thiếu ôxy.
- Thở rít - mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi cũng xuất hiện trong viêm phổi.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Theo BS Thái Thanh Thư, nếu bé có hầu như tất cả các triệu chứng nói trên, có thở nhanh hoặc thở gắng sức nhưng không tím ở môi hay ở mặt, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay trong ngày.
Nếu bé có những biểu hiện trên và tím quanh môi và ở mặt, phải đưa bé đến phòng khám cấp cứu ngay, có thể bé cần ôxy.
Không cần đưa bé đi khám bác sĩ vào buổi tối nếu bé có một số biểu hiện nói trên nhưng không thở nhanh hay thở gắng sức, và không tím. Bạn có thể đưa bé đi khám vào ngày hôm sau.
Bệnh viêm phổi có lây nhiễm không?
BS Thái Thanh Thư cho biết, bệnh có lây nhưng không nhiều như suy nghĩ của đa số mọi người. Virus cảm cúm gây ra triệu chứng ho ban đầu có khả năng lây lan lớn nhưng ổ viêm nhiễm ở sâu dưới phối lại ít lây hơn. Khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm phổi, người chăm sóc thường bị nhiễm virus với các biểu hiện ho và cảm cúm thông thường, nhưng ít khi tiến triển thành viêm phổi.
Virus có thể lây lan qua dịch tiết ở mũi hoặc miệng, khi bé ho hoặc hắt hơi, hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với người khỏe mạnh.
Sự lây nhiễm của viêm phổi không phụ thuộc nhiều vào chủng loại virus hay vi khuẩn gây bệnh ở trẻ mà phụ thuộc chủ yếu vào độ nhạy cảm của mỗi người. Như vậy, nếu một ai đó trong nhà bạn bị viêm phổi, phải điều trị bằng kháng sinh, thì điều này KHÔNG có nghĩa là những người còn lại trong gia đình cũng sẽ bị viêm phổi.
Phòng tránh viêm phổi ở trẻ
Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phổi ở trẻ em là phế cầu khuẩn. Từ năm 2000 đã có vắc xin phòng vi khuẩn này, tuy nhiên vắc xin chỉ có tác dụng với trẻ từ 2 tuổi trở lên. Phế cầu khuẩn cũng có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm tai, vì vậy vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn đã được đưa vào lịch tiêm chủng thường kỳ của trẻ em.
Ngoài việc tiêm phòng cho bé, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus đường hô hấp nói chung như rửa tay trước và sau khi ăn, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, không dùng chung dụng cụ ăn uống với người ốm…
+ Xem thêm:
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM