Bé Khó Ngủ Sẽ Dễ Dàng Chìm Vào Giấc Ngủ Với 3 Bài Tập Này

  6788

Nếu con bạn đang gặp khó khăn trong việc đi ngủ buổi tối, hãy nằm ngay trong chăn và cùng con luyện tập 3 bài tập đơn giản này, đảm bảo bé sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Dạo gần đây, con trai 7 tuổi của tôi gặp khó khăn trong việc đi ngủ đúng giờ. Có khi đó là do con quanh quẩn một chỗ quá nhiều và không xả hết được nguồn năng lượng trong người. Có khi là do bộ não đầy lo âu của con đang bận suy nghĩ đến điều gì đó. Và có những lần khác nữa khi bộ não tràn đầy năng lượng của con quá phấn khích hay bị xao nhãng tới mức khó lòng chợp mắt. 

Có thể đó là vì gen. Tôi có những ký ức sống động về việc lang thang xuống bếp và nói với cha mẹ rằng: "Con chẳng thể nào nhắm mắt ngủ nổi". 

Dạng rắc rối với giấc ngủ này là hiện tượng bình thường với nhiều đứa trẻ, nhưng nó khác với một bé sơ sinh đang khóc hay một bé mầm non bất thình lình nổi cơn giận dữ, mè nheo. "Huấn luyện ngủ" khi trẻ gặp rắc rối như vậy là việc cần thiết bởi nó liên quan đến sức khỏe và sự phát triển trí não của chúng. 

Tin tốt là có một số chiến thuật đơn giản mà bạn có thể sử dụng và dạy trẻ, nhờ đó, giúp trẻ dễ dàng đi ngủ và trải qua một đêm an lành, hạn chế tới mức tối đa những la hét, khóc lóc hay bực bội. 

Với mỗi bài tập vào giờ đi ngủ trình bày dưới đây, tôi khuyến khích bạn hướng dẫn con bắt đầu bằng việc thực hiện 3-5 nhịp hít thở có chủ ý, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Hãy khích lệ trẻ cố gắng làm chậm thêm một chút sau mỗi nhịp thở. 

1. Đếm hơi thở 

Bây giờ, khi trẻ hít vào, thở ra, hãy dạy trẻ bắt đầu đếm hơi thở của mình một cách chầm chậm. Hít vào "1" – thở ra "2" – hít vào "3" – thở ra "4" – và tiếp tục đếm cho tới 10. Sau đó, bắt đầu lại với 1. Nếu trẻ lỡ mất nhịp đếm và không biết mình đang ở đâu, đừng lo lắng. Chỉ cần bắt đầu lại từ 1 và tiếp tục cho tới khi trẻ thấy mệt và buồn ngủ. 

2. Kiểm tra nhịp điệu cơ thể 

Giờ hãy giúp mỗi phần trên cơ thể trẻ được thư giãn và dần rơi vào giấc ngủ. Trước tiên, hướng dẫn trẻ nhắm mắt lại. Hai mẹ con sẽ bắt đầu với ngón chân. Ngọ nguậy ngón chân qua trái qua phải một chút và sau đó, thả lỏng chúng. Ngón chân bé sẽ cảm thấy thực sự buồn ngủ, thực sự nặng trĩu. Hít một hơi vào và khi trẻ thở ra, hãy để những ngón chân được thư giãn hơn nữa. Giờ thì hãy để cảm giác thư thái lan tỏa vào bàn chân, xuyên qua gót chân, dâng lên mắt cá chân. Bàn chân trẻ đã hoàn toàn thư giãn và mệt lắm rồi, chúng đi ngủ trước. 

Sử dụng kịch bản tương tự này để di chuyển lên các phần cơ thể bên trên, cho tới khi chạm đầu. 

3. Nghĩ về điều trẻ thực sự thích thú 

Hướng dẫn trẻ cố gắng nghĩ về điều gì đó mà con thực sự thích làm. Một khi trẻ đã nghĩ tới nó, hãy bảo trẻ chia sẻ với mẹ. Một khi trẻ nhận diện được thứ gì đó mà trẻ thích thú, say mê, hãy bắt đầu dẫn dắt trẻ nghĩ về trải nghiệm đó từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc, tập trung vào những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, hay những cảm nhận khác mà trẻ đã thực hiện. 

Một trong những lợi ích khi tiến hành các bài tập này với trẻ là bạn đang dạy trẻ ý thức về việc não bộ hoạt động như thế nào và làm sao trẻ có thể có được sự kiểm soát đối với bộ não của mình. 

Và còn nơi nào tốt hơn để dạy điều đó hơn là cuộn mình trong tấm chăn êm ái, ấm áp cùng con sau một ngày bận rộn, vất vả? 

Vài nét về tác giả: 

Carrie William Howe là giám đốc điều hành một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận. Cô sống ở Williston, bang Verrmont cùng chồng, hai con (1 bé lên 6 và 1 bé mới 1 tuổi rưỡi) và một chú cún cưng ưa lang thang. Carrie viết về gia đình, ẩm thực và cuộc sống trang trại trên trang web của mình, The Happy Hive. 


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: