Khi nuôi con mọn, các mẹ hãy xác định khi con khoảng 3 tuổi mẹ mới có giấc ngủ ngon. Dĩ nhiên có những bé nết ngủ ngoan, thì từ khi trong tháng đã có thể ngủ suốt đêm không dậy ọ ẹ. Ngoại trừ những bé có thói quen ngủ rất tỉnh, hay thức giấc giữa đêm… thì mẹ hãy chú ý những vấn đề sau nếu bỗng dưng bé hay giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm về sáng nhé!
1. Bé mới học được một kỹ năng mới: lăn qua lăn lại, ngồi, bò, đứng, giật lùi, chi chi chành chành, ú òa… Chính vì thế, dù đang ngủ nhưng bất cứ khi nào tỉnh tỉnh là bé sẽ giật mình nhớ ra, bé cần phải thực hành ngay kỹ năng này, “biểu diễn” cho mẹ xem. Dĩ nhiên là sau khi biểu diễn chán chê, bé sẽ vô cùng tỉnh táo và mẹ phải dỗ bé ngủ lại từ đầu bằng một bình sữa, bằng việc gãi lưng và hát ru chẳng hạn.
2. Bé đang mọc răng. Bé đang mọc những chiếc răng đầu tiên hoặc bé đang mọc răng hàm? Những chiếc răng sữa này khiến bé bị đau và làm cho bé bị tỉnh giấc giữa đêm cũng như quấy khóc nhiều hơn. Mẹ có thể giúp con đỡ ngứa/đau răng bằng cách cho bé gặm những đồ chơi bằng nhựa mềm, hoặc ăn bánh quy. Nếu bé đang bú mẹ thì việc cho bé bú lúc này cũng khiến cơn đau nhức dịu bớt và dễ dàng đưa bé quay trở lại với giấc ngủ dang dở.
3. Bé đang đói. Cơn đói bụng khiến bé khó chịu và cáu gắt. Một bình sữa lúc này sẽ là cứu tinh. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé bú cữ đêm nhiều sẽ tạo thành thói quen xấu khiến bé cứ tỉnh giấc giữa đêm hết ngày này qua ngày khác. Hơn nữa, cữ bú đêm dễ khiến bé bị sâu răng đấy mẹ ạ. Tốt nhất, trước khi đi ngủ mẹ hãy cho bé dặm một bình cho no bụng, để bé có thể ngủ ngon xuyên đêm.
4. Trẻ có nhịp sinh học khác xa so với người lớn. Chúng có thể đi ngủ từ rất sớm, và kéo theo việc thức dậy cũng sớm. Hơn nữa, chúng lại không thể tự ru mình vào giấc ngủ như người lớn, nên khi bỗng dưng giật mình tỉnh giấc giữa đêm, bé không tự ru mình vào giấc ngủ tiếp được mà cần sự “trợ giúp” của ba mẹ. Những bé nào có xu hướng ngủ ngoan có thể ngủ xuyên đêm, nhưng bé nào ngủ tỉnh (hoặc trẻ bú mẹ) sẽ có xu hướng tỉnh giấc trong đêm nhiều hơn.
5. Bé đang bị nóng. Thân nhiệt của trẻ cao hơn người lớn, vì thế bạn hay thấy con mình đổ mồ hôi nhiều, hoặc chúng thấy nóng khi người lớn thấy bình thường. Nếu bé tỉnh giấc giữa đêm và cáu gắt, dùng tay gãi đầu hoặc bụng, lăn lộn, trở mình liên tục… thì mẹ thử sờ vào lưng và đầu bé xem có bị đổ mồ hôi lưng và trên tóc không. Có thể bé đang bị nóng khiến bé ngủ không ngon giấc. Mẹ hãy giảm nhiệt độ phòng ngủ bằng việc bật điều hòa, bỏ bớt những vật chắn xung quanh bé như thú nhồi bông, chăn, hoặc gối ôm… giúp bé thấy mát mẻ hơn.
Mẹ hãy giúp con có một giấc ngủ ngoan nhé! (Ảnh: Internet)
6. Bé đang bị lạnh. Mẹ nên nhớ, nhiệt độ lý tưởng nhất trong phòng ngủ là khoảng 28-29 độ. Nóng quá khiến bé tỉnh giấc và lạnh quá cũng khiến bé khó ngủ. Vào mùa đông, mẹ hãy cho bé nằm giường nệm, đắp chăn, mang tất và mặc ấm. Nếu ở vùng nhiệt đới, mẹ hãy điều chỉnh lại nhiệt độ máy lạnh, vì có thể mẹ đang làm bé lạnh quá đấy!
7. Bé mắc chứng trào ngược. Trẻ ăn no, khó chịu; trẻ bị chứng trào ngược cũng dễ tỉnh giấc ban đêm. Bé sơ sinh cho đến 1 tuổi rất hay bị trào ngược, chướng bụng, buồn nôn/ ói sau khi ăn no và nằm ngủ luôn. Vì thế, nếu mẹ đang có thói quen cho con bú nằm, hoặc cho con vừa ăn vừa ngủ (bú bình/bú mẹ), thì hãy lưu ý cho bé nằm đầu hơi cao một chút, hoặc vỗ lưng cho bé ợ hơi để tránh khó chịu cho bé.
8. Bé đang ở giai đoạn tăng trưởng bứt phá. Trong năm đầu đời, mỗi tháng của bé là một giai đoạn tăng trưởng bứt phá. Vì đang phát triển, nên bé thường xuyên có nhu cầu… ăn. Nhất là với những bé hiếu động, vốn chạy nhảy và hoạt động nhiều vào ban ngày thì rất dễ bị đói vào buổi đêm. Cơn đói thường khiến chúng cồn cào ruột gan và khó ngủ. Vì vậy, cách tốt nhất là bữa tối mẹ nên cho bé ăn chắc bụng, đừng chỉ ăn cháo loãng, bú sữa mẹ thì bé rất mau đói.
9. Bé sợ bóng đêm. Bé cũng có những nỗi sợ hãi và những giấc mơ dữ. Thỉnh thoảng khi bé ngủ, mẹ thấy bé khóc thút thít hoặc khóc òa lên, đó là bé đã gặp nỗi sợ hãi gì đó trong giấc ngủ. Lúc này bé muốn được mẹ vỗ về, hoặc mẹ chỉ cần đặt tay lên ngực con để bé an tâm hơn và tiếp tục chìm vào giấc ngủ.
10. Có thể bé đang bị đau. Mẹ kiểm tra xem con có bị đau ở chân tay, hay chỗ nào không? Con có bị muỗi chích ngứa ngáy không? Tư thế con nằm ngủ có thoải mái không? Chỗ con nằm có bị vướng víu gì không? Đã có trường hợp bé khóc dữ dội trong đêm mà mẹ không tìm ra nguyên nhân, đến khi đưa bé đi khám thì bác sĩ kiểm tra chân tay mới phát hiện ngón chân bé bị một sợi len quấn chặt mà vì trời lạnh, mẹ ủ bé kỹ quá không phát hiện được. Do đó, nếu bé khóc quấy không lý do, mẹ hãy kiểm tra xem con có bị đau không, tránh những trường hợp phải ân hận về sau.
+ Xem thêm:
NHẬN BIẾT 6 KIỂU KHÓC CỦA BÉ ĐỂ ĐỐI PHÓ