Bé Hay Cắn Bạn Phải Làm Sao

  4655

Bằng những cách yêu thương và nhẫn nại, cha mẹ có thể giúp con bỏ đi tật xấu cắn người bằng những cách sau, tùy vào độ tuổi và khả năng nhận thức của bé:

Hiện tượng “cắn” ở trẻ  rất phổ biến, nhất là với những bé đang mọc răng. Mỗi lần cắn, trẻ thường cắn rất đau, nên thường bị cha mẹ mắng hoặc phạt. Vì sao các bé ở độ tuổi này lại hay cắn đến vậy và có cách nào để ngăn chặn hiện tượng này không?

Vì sao con hay cắn và lại cắn rất đau?

Phần lớn những đứa trẻ ở độ tuổi mọc răng thường rất hay chọn hành vi cắn để giải tỏa cảm xúc thất vọng, giận dữ, hoặc lấy sự cắn làm “thuốc giảm đau” khi bé bị đau nhức ngứa ngáy khi mọc răng. Có bé cắn ti mẹ đến chảy máu, hoặc cắn anh/em, hay đơn giản là nghiến ngấu đồ chơi của bé như một con chuột nhắt ưa gặm nhấm.

Bé mọc chiếc răng đầu tiên trong khoảng từ 4 tới 7 tháng tuổi. Nướu nứt làm cho bé cảm thấy khó chịu và muốn nhai một thứ gì đó: đồ gặm nướu, đồ chơi hoặc đôi khi vật mà bé muốn cắn lại chính là mẹ, ti mẹ, hoặc người anh em trong nhà.



Sự căng thẳng hay thất vọng cũng khiến bé muốn cắn xé ai đó để hả giận, bởi vì con chưa biết điều khiển cơ thể mình và chưa biết nói nhiều nên gặp khó khăn khi giải tỏa cảm xúc; vì thế, bé tìm cách cắn để thể hiện cảm xúc và giải toả cảm xúc ấy.

Cũng có bé dùng răng để khám phá thế giới xung quanh, bên cạnh cách bé sờ, nếm, nghe, ngửi... Hoặc bé khám phá phản ứng của người khác sẽ như thế nào nếu bị bé… cắn cho một cái (Vì sao mình cắn đồ gặm nướu thì nó không kêu, mà mỗi khi mình cắn mẹ mẹ lại la oai oái như thế nhỉ?).

Một số trẻ em dùng cách cắn người để gây chú ý, nếu bé không được cha mẹ quan tâm; hoặc cắn để thể hiện tâm trạng muốn xua đuổi: Hãy để con yên, nếu không con cắn cắn cắn cắn bây giờ đấy!

Không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng thích cắn người, có những bé tuyệt đối không bao giờ cắn ti mẹ dù mẹ cho bé bú đến khi 2 tuổi - tức là thời điểm bé đã có rất nhiều răng. Những đứa trẻ không cắn sẽ bày tỏ sự thất vọng bằng cách khóc lóc, giận dỗi, hoặc ương bướng.Và lý do mà các bé một khi đã cắn là cắn nhiệt tình, cắn rất đau, là bởi vì các con không hiểu được tầm “sát thương” mà mình có thể gây ra cho đối phương. Trẻ nhỏ vốn rất hồn nhiên, một khi đã cắn là các con sẽ cắn rất... tâm huyết!

Làm cách nào để bé không còn cắn người nữa?

Bằng những cách yêu thương và nhẫn nại, cha mẹ có thể giúp con bỏ đi tật xấu cắn người bằng những cách sau, tùy vào độ tuổi và khả năng nhận thức của bé:

- Cha mẹ hãy giúp con làm giảm sự khó chịu khi mọc răng bằng cách cho con được gặm nướu sạch, nhai bánh quy hay đơn giản là mẹ nhớ chà nướu và vệ sinh răng miệng cho con.

- Hãy dạy cho con cách sử dụng từ ngữ để truyền đạt ý tưởng. Hãy cho con hiểu rằng “cắn” sẽ làm người khác đau và tổn thương chứ chẳng có gì vui cả, con không nên làm tổn thương người khác. Nếu con tức giận, cha mẹ hãy ôm con vào lòng, an ủi, giải thích và vỗ về chứ đừng để con cắn.

- Cha mẹ cần phải cho con thấy rằng hành vi cắn của con là sai; nếu con cắn mà cha mẹ tỏ ra chẳng có gì nghiêm trọng thì lần sau bé sẽ tiếp tục cắn.

- Đừng trừng phạt con bằng cách tét đít hoặc la mắng bởi vì nếu đối xử với bé như thế, thay vì vâng lời bé sẽ càng thất vọng và trở nên hung hăng hơn, thậm chí hành vi cắn của bé càng dữ dội hơn trước.

- Khi con cắn bạn hay anh chị em trong nhà vì bất bình hay giận dữ, hãy tách con ra và chuyển hướng sự chú ý ở những nơi khác. Chờ cho đến khi con bình tĩnh lại, sau đó dần dần giải thích lý do tại sao con không được lặp lại hành vi cắn người: “Nếu con còn làm đau người khác, con sẽ không được chơi cùng mọi người nữa!”.

Đừng hy vọng rằng các con sẽ ngay lập tức hiểu những gì cha mẹ giải thích. Cha mẹ nên hiểu rằng, dạy dỗ con là một quá trình cần thời gian dài để con dần dần hấp thụ, tìm hiểu và thay đổi hành vi. Chuyện dạy con đừng cắn người cũng vậy: cần phải mưa dầm thấm lâu mẹ ạ!

+ Xem thêm:

CHẾ NGỰ NỔI LOẠN CỦA TRẺ TUỔI 2-3


Nguồn bài viết: webtretho
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: