Bé Gái Tử Vong Do Bị Thuỷ Đậu Biến Chứng

  3430

Bệnh thủy đậu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm da, viêm phổi, viêm não, thậm chí gây tử vong đối với bệnh nhân.

Trời lạnh kèm mưa phùn, độ ẩm không khí tăng cao vào mùa đông - xuân là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh, trong đó có thủy đậu.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 25.000 – 40.000 người mắc thủy đậu. Bệnh thủy đậu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm da, viêm phổi, viêm não, thậm chí gây tử vong đối với bệnh nhân. 

Thủy đậu tấn công trẻ em

Ngày 23/3 vừa qua, việc bé gái 14 tuổi (trú xóm 7, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị tử vong do biến chứng của bệnh thủy đậu đã khiến dư luận hoang mang lo lắng về mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Theo đó, chiều ngày 21/3, bé Lý Thị T. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu trong tình trạng bị nổi thủy đậu khắp người, sức khỏe yếu. Sau gần 2 ngày nhập viện, sáng 23/3 bé T. được chuyển đến Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An khi đã có các dấu hiệu biến chứng lên phổi và phải thở oxy. Tại đây, bệnh nhi T. ho ra máu và tử vong vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày. 

Thông tin ban đầu về vụ việc trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu cho biết, bé T. tử vong là do thủy đậu biến chứng dẫn đến viêm phổi nặng và suy gan. Vụ việc trên xảy ra khi thủy đậu đang trong mùa “cao điểm”.

Theo ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thủy đậu là bệnh xảy ra nhiều nhất vào mùa đông – xuân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó, xảy ra nặng nhất ở người lớn và trẻ dưới 5 tuổi. Thống kê cho thấy, mỗi năm ở nước ta, số người mắc bệnh thủy đậu luôn ở mức cao, dao động 25.000 - 40.000 người.

Thực tế ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất nhiều bệnh nhi đang được điều trị thủy đậu tại đây. Lứa tuổi của các bệnh nhi mắc bệnh cũng khá đa dạng. Trong đó, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt có trường hợp trẻ mới hơn 1 tháng tuổi đã mắc thủy đậu do lây nhiễm từ người mẹ. Ngồi bôi thuốc vào những nốt thủy đậu cho con, chị Nguyễn Thị Vinh (Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, cậu con trai 2,5 tuổi nhà chị bị thủy đậu đã được hơn 10 ngày.

Ban đầu, cháu sốt nhẹ, hay quấy khóc và không chịu ăn. Sau đó trên trán bắt đầu xuất hiện những nốt nước nhỏ, lan dần xuống mặt, cổ và toàn thân. Do không kiêng cữ được, bé thường gãi những nốt mụn nên dẫn đến tình trạng viêm loét trên da xung quanh các nốt thủy đậu. Hiện tại, bé nhà chị vẫn đang được các bác sĩ theo dõi, đề phòng có biến chứng xảy ra.

Trao đổi với phóng viên về tình hình bệnh thủy đậu thời gian gần đây, ThS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện tại, số lượng bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu nhập viện tăng đáng kể. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3 - 4 bệnh nhi mắc bệnh. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp nhập viện là những trường hợp đã xuất hiện các biến chứng với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại khu vực cách ly của bệnh viện.

Thủy đậu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

ThS.BS. Đỗ Thiện Hải thông tin: Thủy đậu là bệnh do virus gây nên. Bệnh rất dễ lây lan, thường là qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt thủy đậu… Khi bị bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng… với trẻ nhỏ là quấy khóc và chán ăn. Sau đó, trên da xuất hiện các nốt bọng nước ở một bộ phận nào đó rồi lan ra toàn cơ thể. Các nốt này thường gây ngứa cho người bị bệnh.

Thông thường thủy đậu sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu không có biến chứng thì các nốt bọng nước sẽ tự vỡ ra, khô dần và không để lại sẹo nếu bôi thuốc cẩn thận. Tuy nhiên, BS. Hải nhấn mạnh, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. 

ThS.BS. Hải phân tích: “Không riêng gì trường hợp của bé gái 14 tuổi ở Nghệ An tử vong do biến chứng của thủy đậu, thực tế, đã có không ít các trường hợp tương tự. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu như nhiễm trùng, viêm da.

Đây là biến chứng hay gặp do vi khuẩn trong không khí xâm nhập vào các nốt mụn nước bị vỡ, bong tróc, khiến da bị nhiễm khuẩn tại chỗ. Sau đó, các vi khuẩn ở bề mặt da “ăn” sâu vào bên trong cơ thể, gây nguy cơ gây nhiễm trùng máu và xuất huyết. Biến chứng “đáng sợ” tiếp theo là trẻ dễ bị viêm phổi và viêm não. Biểu hiện của bệnh nhân ở giai đoạn này là sốt cao, ho ra máu, khó thở, đôi khi buồn nôn và hay ngủ gà. Đây là hai biến chứng nguy hiểm nhất khi trẻ bị thủy đậu và nguy cơ tử vong thường rất cao”. 

Bên cạnh đó, theo BS Hải, phụ nữ mang thai khi gặp các biến chứng của thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai.

Còn trường hợp mới sinh ra đã lây thủy đậu từ mẹ, trẻ có thể bị dị tật bẩm sinh hoặc ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ sau này. BS lưu ý, rất nhiều phụ huynh chủ quan, coi thủy đậu là bệnh nhẹ nên thường tự xử lý cho con tại nhà.

Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nặng hơn do những phương thiếu khoa học của bố mẹ. Ví dụ, nhiều người cho rằng, khi trẻ bị thủy đậu thì không được tắm cho trẻ. Đây là quan điểm sai lầm vì khi đó lượng da chết tích tụ nhiều sẽ càng gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé. 

Do vậy, trong trường hợp trẻ bị thủy đậu, bố mẹ vẫn tắm cho con bình thường nhưng tắm bằng nước ấm đặt trong phòng kín gió. Phụ huynh có thể thêm chút muối hoặc vắt nước chanh vào nước tắm để tăng tính sát khuẩn cho da bé.

Trong khi tắm, bố mẹ không nên cởi bỏ toàn bộ quần áo của con ra mà phải cởi từng bộ phận theo kiểu “tắm đến đâu, cởi đến đó” để đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh, tránh nguy cơ gây viêm phổi. Đặc biệt theo BS. Hải, việc kiêng gió cho trẻ bị thủy đậu là việc làm hết sức quan trọng.

Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế cho con ra ngoài trời lạnh khi đang bị thủy đậu. Phải đội mũ, quàng khăn và đi tất tay, chân trong trường hợp cho con ra gió. Bên cạnh đó, phụ huynh nên trông chừng không cho trẻ gãi quá mạnh hoặc cạy các nốt nước để tránh bị nhiễm trùng da và nguy cơ nhiễm trùng vào máu. 

+ Xem thêm:

VÀO MÙA THUỶ ĐẬU 4000 CA MẮC BỆNH TRÊN CẢ NƯỚC CÁC MẸ NHỚ TIÊM NGỪA CHO CON

BỆNH THUỶ ĐẬU TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: