Bé Bị Viêm Tiểu Phế Quản Có Nguy Hiểm Không

  3981

Khi bị viêm tiểu phế quản trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái.

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý xảy ra quanh năm, thường mắc phải ở trẻ nhỏ 2 năm đầu đời. Khi có con nhỏ bạn nên đề phòng và phát hiện kịp thời khi bé mắc bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Ngược lại, bệnh tình sẽ trở nên nguy nhiểm nếu không được phát hiện kịp thời.

Nhận biết và xử lý bệnh viêm tiểu phế quản

Triệu chứng: Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, độ tuổi 3 – 6 tháng tuổi là hay mắc nhất. Ban đầu trẻ hắt hơi, sổ mũi, càng về sau càng tăng dần, khò khè trong 2 – 3 ngày đầu, thậm chí khó thở. Nặng hơn nữa, trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái. 

Viêm tiểu phế quản khiến trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở

Nguyên nhân: Bệnh do virus hô hấp gây ra, đứng đầu là loại virus có tên viết tắt RSV, dễ xuất hiện ở trẻ có sức đề kháng kém như trẻ đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, mắc bệnh phổi mãn (đã được thở máy và thở oxy kéo dài), có các bệnh lý bẩm sinh…

Biến chứng

Trẻ mắc bệnh sẽ có triệu chứng sốt nhẹ, ho, sổ mũi trong 2-3 ngày đầu. Những ngày sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh, co kéo lồng ngực). Nặng hơn, trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Bệnh có triệu chứng tương tự bệnh hen. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt.

Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ. Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa. Những trường hợp sau, bệnh có thể gây biến chứng và có thể dẫn đến tử vong: Trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non - nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Gần đây một số nghiên cứu cho rằng, viêm tiểu phế quản có liên quan đến bệnh hen. Sau khi bị viêm tiểu phế quản, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và khoảng 1/3 trẻ này sẽ diễn tiến thành hen. Do vậy nếu trẻ mắc bệnh cần phải điều trị dứt điểm để phòng tránh bệnh tái phát.

Điều trị

Tại nhà: Trẻ mắc viêm tiểu phế quản hoàn toàn có thể điều trị tại nhà

+ Sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%.

+ Cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho.

+ Điều trị triệu chứng nếu có (uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt).

+ Có thể uống thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị để phòng tránh nguy cơ kháng sinh sau này.

Các dấu hiệu nặng của bệnh:

+ Trẻ sốt cao, dùng thuốc giảm sốt cũng không hạ.

+ Bỏ bú, nôn trớ 

+Thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng.

+ Da tím tái.

Khi thấy các biểu hiện như trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Điều trị tại bệnh viện:

+ Cho trẻ thở oxy (nếu trẻ khó thở).  

+ Hút đờm dãi, thông thoáng đường thở cho trẻ.

+ Đảm bảo đủ dinh dưỡng: cung cấp đủ nước, cho đổ thìa sữa mẹ…

+ Truyền dịch nếu trẻ không bú được.

+ Dùng khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản khi bệnh nhân khò khè, co thắt nhiều.

+ Dùng kháng sinh ở những bệnh nhi có bội nhiễm phổi.

+ Cách ly trẻ.

Cách phòng tránh bệnh

- Các bà mẹ trong thời gian mang thai nên đi khám thai định kỳ, có chế độ ăn uống bồi bổ, lao động vừa sức để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, không bị suy dinh dưỡng.

- Nên đưa đi trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất: chất đạm, chất béo, gluxit, vitamin, muối khoáng…

- Khi thời tiết giao mùa, phụ huynh cần cho trẻ mặc ấm, chú ý không nên để trẻ quá lạnh hoặc quá nóng, tránh để trẻ vã mồ hôi.

- Thường xuyên sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%.

Phân biệt ho do viêm tiểu phế quản và ho do viêm họng

Ho viêm họng, bệnh nhân thường ngứa cổ, rát họng, vướng đàm, ho cho đã ngứa và ho cho đến khi khạc được cục đàm thì thôi. Khám họng thấy niêm mạc sung huyết đỏ, nổi gân máu hay có hạt thành sau họng, có dịch nhầy hay mủ chảy xuống thành sau họng.

Ho viêm tiểu phế quản thường ho theo cơn, nặng ngực, khò khè, đôi khi còn thở mệt thiếu hơi, khạc ra đàm cục trong vàng hay xanh. Khi khám phổi sẽ nghe thấy tiếng lọc sọc gọi là rales phế quản, hay nghe có tiếng rít. Trong trường hợp này nên chụp X-quang phổi sẽ chẩn đoán chính xác hơn.

+ Xem thêm:

CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN Ở TRẺ

LÀM GÌ KHI BÉ BỊ VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP


Nguồn bài viết: yeu tre
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: