Bé Bị Sốt Tay Chân Lạnh Mẹ Chớ Chủ Quan

  13311

“Sốt trên 40 độ C, kéo dài, chân tay lạnh mà không được can thiệp kịp thời có thể gây những biến chứng như co giật, mất nước, biến chứng về hô hấp và tim mạch

Trẻ bị sốt chân tay lạnh thì có nguy hiểm hay không? Theo các bác sĩ, thường khi sốt cao trẻ sẽ bị lạnh tay chân, các ông bố bà mẹ hãy bình tĩnh hạ sốt cho trẻ, tình trạng chân tay lạnh sẽ hết. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời các bạn tham khảo tư vấn của các bác sĩ.

Trẻ bị sốt cao, kèm theo chân tay lạnh, mẹ chớ coi thường

Theo Bác sĩ Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc BV Nhi Đồng 1, TP HCM, sốt là triệu chứng rất thường gặp, là phản ứng thông thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… xâm nhập. Trong một số căn bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, viêm màng não… người ta có thể sốt rất cao và khó hạ dù đã được uống thuốc và lau mát.

“Sốt trên 40 độ C, kéo dài, chân tay lạnh mà không được can thiệp kịp thời có thể gây những biến chứng như co giật, mất nước, biến chứng về hô hấp và tim mạch, rối loạn đông máu, di chứng thần kinh, vận động…, thậm chí có thể tử vong nếu diễn tiến nặng gây suy đa cơ quan. Một dạng rất đáng chú ý là sốt do viêm não có thể gây rối loạn trung tâm điều nhiệt khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não dù được cứu sống” – BS Tiến nói.

Theo BS Tiến, cơn sốt từ 38 độ C trở lên (đo qua cặp nhiệt ở nách) cần được xử lý. Dễ dàng nhất là sử dụng thuốc hạ sốt (paracetamol – còn có các tên thương mại thông dụng là panadol, efferalgan, acemol…), kết hợp với lau mát ở những vùng tập trung nhiều dây thần kinh như nách, bẹn, cổ… Nếu sốt kéo dài trên 2 ngày, đã uống thuốc 2-3 lần mà không khỏi, lau mát nhiều lần không hạ… thì nên đến BV để kiểm tra. Trường hợp cơn sốt quá cao (trên 40 độ C), sốt kèm co giật, bứt rứt, da nổi bông, tay chân lạnh, nôn ói, lơ mơ… bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay.

“Liều dùng thuốc hạ sốt paracetamol là khoảng 10-15 mg/kg/lần. Trẻ em nên được dùng những viên nhỏ, thuốc hạ sốt dạng siro… Đừng bao giờ nghĩ rằng dùng nhiều thuốc hơn thì sẽ mau hạ sốt hơn. Dùng 2 viên 1 lần không hề có tác dụng nhiều hơn 1 viên, trái lại còn hại gan. Khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc phải từ 4-6 giờ, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 60 mg thuốc/kg trọng lượng” – BS Tiến lưu ý.

Dưới 38 độ C: Chỉ cần theo dõi

BS Tiến lưu ý nếu cơ thể sốt ít hơn 38 độ C thì không cần phải dùng thuốc hạ sốt. Đó thường là một phản ứng có lợi của cơ thể nhằm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, siêu vi đang tấn công. Sốt nhẹ chỉ cần theo dõi, nếu kéo dài và tăng lên vượt ngưỡng 38 độ C thì mới cần đến thuốc.

+ Xem thêm:

SAI LẦM MẸ THƯỜNG MẮC PHẢI KHI CHĂM CON BỊ CẢM SỐT

6 MẸO HẠ SỐT NHANH CHO TRẺ?


Nguồn bài viết: suckhoevadoisong
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: