Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể ghi nhớ khuôn mặt mẹ và người thân để phân biệt với người lạ.
1. Bắt đầu biết chờ đợi
Trẻ sẽ không quấy rầy bạn ngay khi bé thấy đói như 2 tháng đầu đời. Khi được 3 tháng tuổi, bé sẽ “kiên nhẫn” nằm hoặc chơi một lúc để đợi đến khi được ăn. Một số bé còn biết ê a nói chuyện với mẹ trong khi ăn hoặc bú chậm rãi từng chút một.
2. Biết nhận diện các khuôn mặt khác nhau
Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Micheal Lewis thuộc Viện nghiên cứu về giáo dục New Jersey chỉ ra rằng: Trẻ 3 tháng tuổi biết ghi nhớ khuôn mặt người và có thể phân biệt được sự khác nhau giữa khuôn mặt người với những khuôn mặt khác lạ như mặt quỷ chỉ có một mắt.
Bên cạnh đó, trẻ có thể nhận ra đâu là gương mặt của người lạ. Bé đã 3 tháng tuổi và trí não có những phát triển nhất định. Đặc biệt với những gì thân thuộc như gương mặt của mẹ, trẻ có thể phân biệt được tương đối rõ ràng.
Trẻ 3 tháng tuổi có những thay đổi rõ rệt so với lúc mới chào đời. (Ảnh minh họa)
3. Biết ghi nhớ
Bé 3 tháng tuổi có thể làm gì khiến các mẹ bất ngờ? Đó chính là việc bé có thể nhớ được cha mẹ, những thành viên trong gia đình cũng như một số đồ dùng thân thuộc với mình như bình sữa, đồ chơi hoặc cái quạt trên trần nhà…
Bên cạnh đó, trẻ không còn hứng thú chỉ với một đồ vật như khi mới chào đời mà bé sẽ chịu khó quan sát thế giới tươi đẹp xung quanh hơn. Hơn thế, trẻ biết thể hiện thái độ, cảm xúc như vui mừng, khua chân tay khi thấy bình sữa hoặc ê a gọi khi gặp mẹ.
4. Trí não phát triển hơn
Đã có thí nghiệm của các nhà nghiên cứu cho thấy sự thay đổi não rõ rệt hơn khi trẻ bắt đầu được 3 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, các nếp nhăn trên vỏ não của trẻ đã phát triển tương đối và gần đạt được độ hoàn thiện như của người lớn, sự cân đối của cách thành phần hóa học và cấu trúc các tế bào não cũng dần thay đổi.
Các mẹ có thể thấy con mình nghịch ngợm hơn một chút khi được 3 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, những phản xạ bản năng biến mất ở bé 3 tháng tuổi, thay vào đó sẽ là những hành động với, nắm mở tay, đạp chân… Điều này cho thấy não bộ của trẻ đã có thể điều khiển các hệ cơ tốt hơn.
5. Khả năng vận động được tăng cường
Ngoài những việc trên, bé 3 tháng tuổi biết làm gì nữa? Trong thời gian này, xương của trẻ phát triển tương đối khỏe và dần trở nên cứng cáp hơn. Khi nằm sấp, bé sẽ dùng sự hỗ trợ của tay mà có thể đẩy người lên cao một chút còn đầu thì có thể ngẩng lên. Trong giai đoạn này, bé cũng sẽ nghịch ngợm hơn, đá chân, vung tay liên tục mỗi khi thích thú điều gì đó.
Nếu quan sát kĩ bạn sẽ thấy con mình đã bắt đầu biết kết hợp hoạt động của cả mắt và tay. Trong khi mắt bé đang mải mê ngắm nhìn những đồ chơi nhiều màu sắc thì cùng lúc đó tay của bé có thể nắm, mở hoặc cầm một đồ chơi nhỏ.
6. Bắt đầu biết giao tiếp
Các bé sẽ chịu khó giao tiếp hơn theo nhiều cách như qua ánh mắt, hành động và lời nói. Bé sẽ thể hiện sự thích thú hay quan điểm của mình bằng những âm thanh "ô, a" liên tục và bé còn bật cười thành tiếng với bất cứ điều gì bé thấy thú vị.
Hãy nói chuyện, vui đùa cùng bé nhiều hơn vì đây là giai đoạn phát triển quan trọng. Chỉ cần những câu nói đơn giản, bình thường giữa mẹ và con như "Đã đến giờ ăn rồi, cùng mẹ chơi nào" hay những câu hỏi như "Hôm nay con có gì vui thế con yêu của mẹ?"... sẽ giúp bé phát huy khả năng lắng nghe và quan sát khi nhìn biểu cảm đầy yêu thương trên gương mặt người mẹ của mình.
+ Xem thêm:
Trò Chơi Phát Triển trí Tuệ Cho Bé 0-6 Tuổi
Thời Điểm Ngủ Ảnh Hưởng Sự Phát Triển Chiều Cao Của Bé