Bác Sĩ Nhi Khoa Khuyến Cáo Mẹ Muốn Chăm Con Khoẻ Mạnh Cần Nắm Rõ Những Điều Sau

  10801

Bác sỹ nhi khoa Stephen Rose đã đưa ra 9 thông tin hữu ích về sức khỏe của trẻ mà mọi bậc phụ huynh nên biết để

Nuôi con khỏe mạnh là mong mỏi của bất cứ ông bố bà mẹ nào nhưng rất nhiều sai lầm khi chăm sóc trẻ ốm mà cha mẹ không hay biết.

Bác sỹ nhi khoa Stephen Rose – chuyên gia cố vấn của Bệnh viện Spire Parkway, Birmingham, Anh và bác sỹ nhi khoa Murtuza Khan của chuyên trang tư vấn sức khỏe Doctify (Anh) đã đưa ra 9 thông tin hữu ích về sức khỏe của trẻ mà mọi bậc phụ huynh nên biết để nuôi con khỏe mạnh.

1. Vi khuẩn có thể tốt cho trẻ

Vệ sinh cho trẻ là rất quan trọng, chẳng hạn như yêu cầu trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Nhưng việc cha mẹ cố gắng bảo vệ trẻ và đồ chơi của chúng trong tình trạng quá sạch sẽ có thể thực sự gây hại.

Bác sỹ Rose cho biết: “Nhắc trẻ luôn rửa tay trước khi ăn và bất cứ lúc nào sau khi đi vệ sinh sẽ có ích cho trẻ. Nhưng chúng ta không nên quá sợ vi khuẩn”.

Bác sỹ Khan bổ sung thêm: “Ngày càng xuất hiện nhiều dạng dị ứng do trẻ nhỏ không còn tiếp xúc với nhiều loại vi rút và vi khuẩn như trước kia… Điều này có nghĩa là cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch của trẻ đang khiến trẻ bị dị ứng thay vì giúp trẻ chống chọi lại căn bệnh nào đó… Ví dụ, đã có bằng chứng chỉ ra rằng, việc tắm cho trẻ bị mẫn cảm mỗi ngày chỉ khiến tình trạng bệnh lý của trẻ tồi tệ hơn. Với trẻ mẫn cảm, tốt hơn hết, chỉ nên cho trẻ tắm từ 2-3 lần mỗi tuần.”

2. Khi trẻ bị sốt, đôi khi không cần hạ sốt ngay lập tức

Không phải cứ sốt là phải uống thuốc hạ sốt ngay lập tức (Ảnh minh họa).

Khi trẻ bị sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thường là việc đầu tiên các bậc phụ huynh thường áp dụng để hạ cơn sốt của trẻ. Nhưng đôi khi, sốt có thể tốt cho sức khỏe của trẻ.

Theo bác sỹ Rose: “Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể con người khi bị nhiễm bệnh và giúp hệ miễn dịch của chúng ta tiêu diệt mầm bệnh. Lý do duy nhất để cho trẻ uống thuốc hạ sốt là để giúp trẻ cảm thấy bớt khó chịu… Nếu thấy trẻ vẫn ổn và vẫn có thể chơi đùa, cha mẹ không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao và thay đổi hành vi như ngủ li bì hay quấy khóc bất thường, cha mẹ mới nên cẩn thận với cơn sốt đó.”

Bác sỹ Khan cho biết thêm: “Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị sốt, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt trừ khi được chuyên gia y tế cho phép.”

3. "Bác sĩ Google" chỉ khiến cha mẹ thêm lo lắng

Ông bố bà mẹ nào cũng tìm đến Google để tra cứu khi thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào của trẻ. Nhưng điều này chỉ khiến họ thêm lo lắng.

Bác sỹ Rose cho biết: “Cha mẹ nào cũng đều để tâm đến các triệu chứng bệnh của trẻ. Nhưng nếu lo lắng, hãy in kết quả tra cứu được ra giấy và đưa cho bác sỹ xem. Các bậc phụ huynh đang đánh giá căn bệnh của trẻ trên cơ sở thiếu kiến thức y tế chuyên ngành. Ít nhất, các bác sỹ có thể xem qua và bàn bạc với họ.

Về vấn đề nguồn thông tin, bác sỹ Khan nói: “Chỉ tra cứu trên những trang web danh tiếng bởi có cả tá những trang web cung cấp thông tin thiếu chính xác. Thực tế này dễ khiến cha mẹ hiểu nhầm hoặc đánh giá nhầm triệu chứng của trẻ.”

4. Không phải lúc nào trẻ cũng cần thuốc kháng sinh

Khi trẻ bị ốm, cha mẹ thường có tâm lý cho trẻ uống các loại thuốc bổ trợ để trẻ cảm thấy bớt khó chịu càng nhanh càng tốt. Nhưng thuốc kháng sinh không phải luôn là sự lựa chọn đúng đắn.

Bác sỹ Khan cho biết, “Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh là một vấn nạn cấp bách trên thế giới và tất cả chúng ta nên hành động nhằm hướng tới giảm tải việc sử dụng kháng sinh không cần thiết.”

Trẻ bị viêm amidan thường được kê thuốc kháng sinh, nhưng theo bác sỹ Khan: “Hầu hết các trường hợp viêm amidan do virus gây nên, chứ không phải vi khuẩn – điều này có nghĩa là trẻ không cần thuốc kháng sinh khi viêm amidan" (Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với trẻ bị nhiễm khuẩn).

5. Giữ phòng của trẻ ấm áp giúp trị ho ở trẻ hiệu quả

Theo bác sỹ Khan, “Nếu trẻ bị ho, thuốc ho chưa chắc có tác dụng. Thay vào đó, tôi khuyên các bậc phụ huynh nên giữ phòng của trẻ ấm áp và có thể cân nhắc cho trẻ uống mật ong. Vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng phương pháp này khá hiệu quả trong việc điều trị ho ở trẻ.” (Nhưng không bao giờ được cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong).

Ông cho biết thêm: “Với trẻ lớn hơn, đỡ đầu trẻ bằng một chiếc gối. Đồng thời, cố gắng tránh cho trẻ uống sữa hoặc ăn bất kỳ thức ăn gì trước giờ đi ngủ vì việc này sẽ khiến cơn ho của trẻ nghiêm trọng hơn.”

Bác sỹ Khan cũng gợi ý, nếu cơn ho của trẻ không chấm dứt trong khoảng bốn tuần hoặc hơn, hãy đưa con đến các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.

6. Một chiếc nhiệt kế chính xác là vật dụng không thể thiếu

Gia đình nào cũng có vài chiếc nhiệt kế thủy ngân hay nhiệt kế đo trán. Có thể nhiệt độ cơ thể trẻ do các loại nhiệt kế này cung cấp không đồng nhất. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên mua một chiếc nhiệt kế chất lượng tốt.

Bác sỹ Rose cho biết, “Hãy mua một chiếc nhiệt kế chính xác. Nó không cần quá đắt nhưng phải đủ tin cậy để trở thành căn cứ giúp cha mẹ đánh giá chính xác nhiệt độ cơ thể trẻ.”

7. Không nên cất giữ thuốc trong phòng nhiệt độ cao

Các bậc phụ huynh có thể không ngần ngại lữu trữ nhiều loại thuốc hạ sốt, thuốc ho và các loại thuốc trẻ em khác trong nhà và ngoài tầm với của trẻ. Nhưng quan trọng là những thuốc đó nên được cất giữ ở điều kiện hợp lý (và còn hạn sử dụng).

Theo bác sỹ Khan: “Phải đảm bảo rằng thuốc không bị đặt ở nơi có nhiệt độ cao. Riêng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau có thể cất trữ trong tủ lạnh”.

8. Nhìn phản ứng của trẻ để "bắt bệnh"

Nếu trẻ phản ứng chậm với các yếu tố xung quanh, cha mẹ nên đưa con đi khám ngay lập tức (Ảnh minh họa).

Việc phát hiện các dấu hiệu sớm cho thấy trẻ bị bệnh là đặc biệt quan trọng. Bác sỹ Khan khuyến cáo các bậc phụ huynh nên nhìn vào mắt trẻ - nếu chúng phản ứng lại, trẻ vẫn ổn; nhưng nếu trẻ bị ốm và phản ứng chậm với các yếu tố xung quanh, cha mẹ nên đưa con đi khám ngay lập tức. Những dấu hiệu khác cha mẹ cũng cần chú ý đó là khi trẻ lơ đãng, nôn mửa, bị tiêu chảy hoặc phát ban đỏ. Đồng thời, nếu trẻ không đi giải ít nhất 3 lần mỗi ngày, trẻ có thể bị mất nước.

9. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ rất quan trọng

Bác sỹ Rose cho biết: “Trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe sau khi chào đời, khi được 6-8 tuần tuổi và khi được 18 tháng tuổi… Tất cả những lần kiểm tra đó là nhằm phát hiện bất kỳ nguyên nhân bệnh lý nào dù không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ tại thời điểm kiểm tra nhưng có thể để lại những vấn đề lâu dài về sức khỏe sau này”.

+ Xem thêm:

Mách Mẹ 8 Bí Quyết Để Nuôi Con Khoẻ Mạnh

MÁCH MẸ 12 MẸO DÂN GIAN NUÔI CON KHOẺ ĐẸP


Nguồn bài viết:
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: