Ngày nay, giáo dục giới tính đã trở thành một mối bận tâm lớn của phụ huynh. Rõ ràng đây là nhiệm vụ khó khăn không ai có thể làm thay cha mẹ. Thực tế, nhiều người vẫn ngại ngùng khi đề cập vấn đề này với con. Họ băn khoăn không biết nói thế nào cho con hiểu mà không ngại và không “Vẽ đường cho hươu chạy”. Như vậy, những lo lắng của bạn không là ngoại lệ.
Điều đầu tiên phụ huynh cần xác định trong suy nghĩ của mình rằng việc giáo dục giới tính cũng là một vấn đề giáo dục kỹ năng sống cũng như rất nhiều kỹ năng khác. Bố mẹ cần trình bày cho trẻ một cách rõ ràng, dễ hiểu và không gây ra nhầm lẫn bởi đôi lúc, việc biết một vấn đề không chính xác còn nguy hiểm gấp bội so với không biết gì.
Vậy làm thế nào để có được hiệu quả tốt nhất trong việc giáo dục giới tính cho con? Bạn có thể tham khảo các nguyên tắc sau đây:
1. Hãy bắt đầu nói chuyện ở một địa điểm thoải mái với cả bạn và trẻ, một nơi vui vẻ, giàu tình cảm. Bạn không nên quá lo lắng hoặc căng thẳng khi bắt đầu cuộc trò chuyện, vì như thế sẽ làm cho trẻ sợ hãi, thiếu cởi mở và hợp tác.
2. Không phải đợi tới lúc con bạn 10 tuổi mói nói về vấn đề giới tính. Lẽ ra bạn phải nói chuyện với con mình từ khi bé bắt đầu có nhận thức về cơ thể, chẳng hạn chỉ cho bé biết những “vùng riêng tư” trên cơ thể không ai được phép đụng chạm vào trừ bố mẹ và những người có việc liên quan như bác sĩ khám bệnh.
3. Dạy trẻ gọi đúng tên các bộ phận riêng tư trên cơ thể, tránh việc gọi trại đi hoặc bằng những từ thô tục. Tùy theo độ tuổi khi con lớn lên, có thể giải thích để bé hiểu rõ hơn vai trò, chức năng của từng bộ phận riêng tư đó trong cuộc sống sau này.
4. Cần chỉ rõ cho bé những biểu hiện nào là dấu hiệu bình thường của vấn đề giới tính như xuất hiện lông mu, lông nách, hiện tượng kinh nguyệt, "giấc mơ ướt"... Khi có những dấu hiệu bất thường như không có kinh nguyệt, dị dạng cơ quan sinh dục, cần phát hiện sớm và có sự trợ giúp từ người lớn.
5. Dạy cho trẻ biết cách bảo vệ những vùng riêng tư cũng như cách chăm sóc vệ sinh thường xuyên các vùng đó.
6. Dạy trẻ trân trọng cơ thể mình và làm chủ chúng. Bé có quyền nói “Không” với bất cứ hành vi cưỡng bức nào của người lớn, chẳng hạn khi bị ép phải hôn ai đó để bày tỏ tình cảm mà trẻ không thích hoặc bị một người nào đó ôm...
7. Nói cho bé hiểu trong mối quan hệ với bạn khác giới: Điều gì có thể làm được, việc gì chưa được phép làm ở độ tuổi này, điều gì pháp luật nghiêm cấm tuyệt đối...
Hãy bắt đầu từ những chuyện đơn giản như vậy. Cần chú ý trong khi trò chuyện, bạn phải bày tỏ sự thoải mái, nhẹ nhàng, cung cấp kiến thức vừa đủ và vừa tầm hiểu biết của bé. Không né tránh khi nói đến những vấn đề nhạy cảm, kiến thức được cung cấp từ từ qua từng ngày theo kiểu mưa dầm thấm đất sẽ giúp trẻ thích thú và hiểu rõ hơn về bản thân, tránh được những nguy cơ bị lạm dụng. Hãy luôn khuyến khích bé nói lên những suy nghĩ của mình.
Ngoài ra bạn có thể mua thêm những quyển sách hướng dẫn giới tính cho tuổi teen để tham khảo và đưa cho trẻ đọc, chẳng hạn như Cẩm nang con trai, Cẩm nang con gái, Khi người ta lớn, Con trai ngoài giờ học nói chuyện gì, Con gái ngoài giờ học nói chuyện gì...
Nếu bạn tạo được sự tin tưởng và thông hiểu từ bé, thì bạn sẽ là một chuyên gia tư vấn đối với con mình, bé sẽ dám trao đổi thẳng thắn với mẹ về những vấn đề gặp phải. Lúc đó bạn sẽ có thể yên tâm khi "hươu chạy đúng đường đã vẽ, chứ không chạy lạc lối bởi những thông tin nhảm nhí tràn lan trên mạng Internet".
Chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh
+ Xem thêm:
BA MẸ NÊN LÀM GÌ KHI TRẺ CÓ QUAN HỆ TÌNH DỤC
GIÁO DỤC GIỚI TÍNH CHO CON ĐÚNG CÁCH