Luôn hỏi bác sĩ trước khi cho bé dùng bất cứ loại thuốc nào là lời khuyên không bao giờ thừa với các bậc phụ huynh. Các em bé non nớt và dễ phản ứng với thuốc hơn người lớn rất nhiều, do vậy, việc cho bé dùng thuốc – cả thuốc thông thường không cần toa và thảo dược – là chuyện không thể tùy tiện.
Nếu bé bị nôn hoặc nổi mẩn sau khi uống thuốc, hãy đưa bé đi khám ngay. Cả khi không phải bạn cho bé uống thuốc, các bé ở độ tuổi biết bò có thể bỏ bất cứ thứ vớ được vào miệng – trong đó có thể có cả lọ thuốc mà bạn quên cất đi.
Dưới đây là các loại thuốc bạn không nên dùng cho em bé của mình:
1.Aspirin
Đừng bao giờ cho bé dùng aspirin hoặc bất cứ loại thuốc nào có chứa thành phần aspirin trừ khi được chính bác sĩ kê toa. Aspirin có thể khiến bé mắc hội chứng Reye – một bệnh hiếm gặp có thể gây tử vong. Bạn cũng đừng chủ quan cho rằng thuốc cho trẻ em ở các nhà thuốc chắc chắn không chứa aspirin. Hãy đọc kỹ thành phần tá dược của thuốc vì aspirin cũng có thể được ghi dưới tên hóa học là “salicylate” hoặc “acetylsalicylic acid”, và hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn không chắc chắn loại thuốc đó có chứa aspirin hay không
Để điều trị sốt và các triệu chứng khó chịu khác của bé, hãy đề nghị bác sĩ kê đơn acetaminophen hoặc ibuprofen cho bé – nhưng không được cho bé dưới 6 tháng tuổi dùng ibuprofen.
2.Thuốc ho và cảm cúm không cần kê toa
Viện Nhi khoa Hoa kỳ khuyến cáo không nên sử dụng thuốc ho và cảm cúm không cần toa cho trẻ nhỏ. Nghiên cứu cho thấy chúng không giúp làm dịu triệu chứng ở trẻ ở lứa tuổi này, mà còn có thể gây gại cho bé, đặc biệt là với liều lượng không phù hợp cho trẻ.
Ngoài tác dụng phụ gây khó ngủ hoặc mất ngủ, đau bụng, nổi mẩn hoặc phát ban, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nặng hơn như nhịp tim nhanh bất thường, co giật hoặc thậm chí là tử vong. Mỗi năm, hàng ngàn trẻ nhỏ chết ở phòng cấp cứu vì uống thuốc ho và cảm cúm quá liều.
Nếu con bạn có dấu hiệu bị cảm cúm, bạn có thể thử cách tạo độ ẩm hoặc các phương thuốc tự nhiên khác.
3.Thuốc chống buồn nôn
Đừng cho bé dùng thuốc chống buồn nôn trừ khi bác sĩ cho rằng cần thiết. Hầu hết các cơn buồn nôn và nôn ói đều diễn ra khá nhanh, các em bé và trẻ lớn hơn thường có thể kiểm soát chúng tốt mà không cần đến loại thuốc nào cả. Ngoài ra, thuốc chống buồn nôn còn ẩn chứa các nguy cơ và biến chứng đối với bé. Do vậy nếu bé nôn ói dẫn đến mất nước, hãy cho bé đi khám để được điều trị hoặc nhận được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ chuyên khoa.
4.Thuốc của người lớn
Việc cho bé dùng các loại thuốc của người lớn trong nhà với liều lượng nhỏ hơn là hết sức nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc dạng nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh có tác dụng tập trung hơn so với thuốc cho trẻ lớn hơn, vậy nên hãy cẩn trọng về liều lượng mà bạn dùng cho bé. Nếu nhãn thuốc không ghi rõ liều lượng phù hợp với độ tuổi và trọng lượng của bé, hãy bỏ qua và đừng cho bé dùng loại thuốc đó.
5.Bất kỳ loại thuốc nào được kê đơn cho người khác hoặc cho bệnh khác
Thuốc được kê đơn cho người khác (như anh chị của bé) hoặc cho bệnh khác có thể không có tác dụng gì hoặc thậm chí còn gây nguy hiểm cho em bé. Hãy chỉ cho bé dùng thuốc được kê đơn riêng cho bé và bệnh của bé.
6.Thuốc đã hết hạn
Hãy vứt bỏ tất cả thuốc men, kể cả có kê đơn hoặc không kê đơn ngay khi chúng hết hạn sử dụng. Bạn cũng nên vứt bỏ cả thuốc bị biến màu hoặc trông… khác khác – cơ bản là trông không giống như khi bạn mua chúng. Sau khi hết hạn, thuốc không có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây hại.
Về vấn đề vứt bỏ và hủy thuốc, mặc dù các chuyên gia y tế cộng đồng không ủng hộ việc tiêu hủy thuốc trong bồn vệ sinh vì lo ngại hóa chất sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm và có thể để lại dư lượng trong nước uống sau xử lý, nhưng các bác sĩ cũng khuyên rằng một số loại thuốc có thể gây hại cho trẻ em nên được tiêu hủy trong nhà vệ sinh hơn vứt vào thùng rác.
7.Acetaminophen tăng thêm
Một số loại thuốc chứa acetaminophen để giúp giảm sốt và đau, vì vậy nên thận trọng khi dùng kết hợp các loại thuốc để tránh làm tăng liều acetaminophen mà bé hấp thụ vào cơ thể. Nếu bạn không chắc chắn về các loại thuốc, đừng cho bé uống acetaminophen hay ibuprofen đến khi được sự cho phép của bác sĩ.
8.Thuốc nhai và viên nén
Với bé đã ăn dặm, bạn có thể nghiền thuốc trộn cùng thức ăn cho bé. Ảnh: Corbis.
Thuốc viên nhai và các dạng viên nén khác có nguy cơ gây hóc và nghẹn ở trẻ nhỏ. Nếu em bé của bạn đã ăn dặm và bạn muốn cho bé uống thuốc viên, hãy hỏi ý kiến bác sỹ về việc nghiền thuốc và trộn vào một thìa đầy thức ăn mềm như sữa chua và khoai nghiền. (Tất nhiên là bạn phải đảm bảo là bé sẽ ăn hết cả thìa để hấp thụ đủ liều thuốc.)
9.Si-rô Ipecac (thuốc gây nôn)
Si-rô Ipecac gây nôn và thường được dùng để ngăn ngộ độc qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, loại si-rô này không còn được các bác sĩ tin dùng chủ yếu vì không có bằng chứng cho thấy việc nôn mửa có thể giúp chống ngộ độc. Trong thực tế, si-rô Ipecac có thể có hại nhiều hơn là lợi khi một đứa trẻ nôn mửa liên tục trong khi đã có những loại thuốc khác được chứng minh là an toàn hơn, chẳng hạn như than hoạt tính.
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ huynh nên loại bỏ si-rô Ipecac đang có trong nhà và nói thêm rằng cách tốt nhất để phòng ngộ độc chính là tránh xa những thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn và dẹp bỏ tất cả những chất có thể gây hại ra khỏi khu vực ăn uống và đặc biệt là ra khỏi tầm tay của trẻ nhỏ.
+ Xem thêm:
CHÚ Ý QUAN TRỌNG: 6 SAI LẦM KHI CHO BÉ UỐNG THUỐC
SAI LẦM KHI CHO BÉ UỐNG THUỐC MẸ NÊN TRÁNH