8 Món Ăn Dinh Dưỡng Cực Tốt Cho Con

  7795

Khi con được 6 tháng tuổi và đã nếm được ngũ cốc, vài loại trái cây và rau, mẹ có thể cho con nếm thử bơ từ các loại hạt đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân

Bên cạnh bột, cháo, ngũ cốc, còn rất nhiều món bổ dưỡng khác rất thích hợp để cho con ăn dặm. Mẹ có thể tìm hiểu thêm để làm phong phú thực đơn của con, đồng thời giúp con phát triển khẩu vị của mình.

1. Bơ các loại hạt (đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân)

Khi con được 6 tháng tuổi và đã nếm được ngũ cốc, vài loại trái cây và rau, mẹ có thể cho con nếm thử bơ từ các loại hạt đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân. Các loại hạt này sẽ cung cấp protein, axit béo có lợi, vitamin E và các loại khoáng chất như mangan, kali và sắt. Vì các hạt (dù nhỏ) vẫn có thể làm con bị hóc nên cách tốt nhất là dùng bơ của chúng (mẹ có thể tự làm bơ đậu phộng tại nhà) để đảm bảo an toàn. Mẹ có thể phết một lớp mỏng bơ lên một mảnh ruột bánh mỳ để con “gặm” thử hoặc cho con quệt thử một chút vào tay rồi nếm.



Trong trường hợp gia đình có người bị dị ứng đậu phộng hoặc các loại hạt, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi cho con thử dùng món này. Ngoài ra, nếu con từng bị dị ứng thực phẩm hoặc nổi chàm đỏ trên người, mẹ cũng phải cẩn trọng như vậy.

2. Trứng

Trứng là loại thực phẩm an toàn và bổ dưỡng luôn có mặt trong căn bếp của mỗi nhà. Trứng dễ tiêu hóa và cung cấp các chất dinh dưỡng mà em bé cần như sắt, folate, choline, protein, vitamin A, D và E. Trứng lại là một món mẹ có thể chế biến một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Luộc chín kỹ một quả trứng, lấy lòng đỏ nghiền thật mịn với sữa mẹ hoặc sữa công thức và cho con ăn như ăn bột. Lòng trắng trứng mẹ có thể cắt thành các miếng nhỏ để con ăn bốc. Một quả trứng chiên cắt thành những miếng mỏng cũng thế, nhớ là ít dầu và nêm nếm ít gia vị thôi nha mẹ.

3. Cá

Nếu bố mẹ chưa đưa các loại cá vào thực đơn ăn dặm của con, hãy chắc chắn các loại thực phẩm khác của con đã bổ sung đủ lượng DHA cho con; bởi vì DHA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển võng mạc và não bộ, đặc biệt quan trọng trong hai năm đầu tiên của con.


Nướng hoặc hấp một miếng cá (hồi hoặc cá trích, cá ngừ đóng hộp hoặc cá mòi) đã lọc hết xương rồi nghiền nhuyễn rồi pha với sữa mẹ, sữa bột hoặc nước cho con dùng.

4. Các loại hạt đậu

Các loại đậu sẽ cung cấp cho con protein, sắt, folate, kẽm và mangan cho cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mẹ rửa sạch và ngâm đậu vài giờ đồng hồ (hoặc ngâm qua đêm), sau đó nấu cho đến khi thật mềm trước khi nghiền nhuyễn hoặc lợn cợn tùy độ tuổi và thói quen ăn của bé rồi cho vào cháo hoặc ăn không.

5. Thảo mộc và gia vị

Mục tiêu của việc cho ăn dặm là khi con được 12 tháng có thể ngồi chung bàn ăn với mọi người trong gia đình. Vì thế mẹ có thể cho con thử các loại thảo mộc và gia vị mà gia đình thích để tập làm quen dần; bên cạnh đó nó sẽ giúp con hấp thụ chất chống oxy hóa và mở rộng khẩu vị.

Một nghiên cứu đã cho thấy, những đứa trẻ được tiếp xúc với nhiều loại hương vị khi còn bé sẽ trở thành những người mạo hiểm hơn khi lớn lên. Mẹ cần tránh thêm quá nhiều gia vị và cẩn thận với những gia vị mạnh như ớt, tiêu… vì khẩu vị của trẻ nhỏ rất nhạy cảm và dễ bị choáng.



6. Đậu hũ

Dù con ăn mặn hay ăn chay, đậu hũ cũng là một loại thực phẩm đáng lưu ý. Vì đậu hũ cung cấp sắt, kẽm, protein và chất béo - tất cả những chất dinh dưỡng quan trọng với trẻ nhỏ. Thêm vào đó, đậu hũ rất mềm và hương vị nhẹ, dễ chịu đối với khẩu vị của con.

Lưu ý rằng nhiều loại đậu hũ có chứa thạch cao, hãy cẩn thận khi chọn mua đậu hũ cho con dùng. Hoặc nếu có thể, hãy tự làm đậu hũ cho con.

7.Bánh mì

Nếu con đã có thể cầm được thức ăn và cho vào miệng, hãy cho con một miếng ruột bánh mì nhỏ để con nhấm nháp.

8. Sữa chua không đường

Dưới 18 tháng tuổi là độ tuổi cởi mở với các loại hương vị, con có thể được nếm nhiều loại thực phẩm khác nhau với nhiều hương vị khác nhau để phát triển khẩu vị của mình. Đây cũng là khoảng thời gian nên cho con thưởng thức hương vị nguyên thủy của món ăn, tránh nêm nếm nhiều, có thể khiến con giảm vị giác, lớn lên sẽ ăn mặn và không tinh tế khi thưởng thức đồ ăn.

Cho con sữa chua không đường là cách tốt để giảm bớt lượng đường con nạp vào người, cũng là một cách để con nhấm nháp hương vị dịu nhẹ nguyên thủy của sữa chua. Lưu ý chọn loại sữa chua giàu chất béo hoặc 100% chất béo, vì ở trẻ nhỏ, 50% calo đến từ chất béo.

+ Xem thêm:

TÁC DỤNG KHỔNG LỒ CỦA QUẢ BƠ ĐỐI VỚI BÉ ĂN DẶM

TIPS: MÁCH MẸ 5 MÓN ĂN DẶM TỪ TRÁI CÂY CHO BÉ


Nguồn bài viết: webtretho
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: