6 Lưu Ý Để Phòng Tránh Rủi Ro Khi Tiêm Vacxin Cho Con

  8632

Khai báo những loại thuốc và thức ăn bé từng dị ứng, theo dõi kỹ phản ứng sau tiêm là hai trong số những điều bác sĩ khuyến cáo phụ huynh.

Khai báo những loại thuốc và thức ăn bé từng dị ứng, theo dõi kỹ phản ứng sau tiêm là hai trong số những điều bác sĩ khuyến cáo phụ huynh. 

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), tiêm vaccine là việc làm cần thiết nhằm giúp trẻ tránh được hơn 10 loại bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên phụ huynh cần trang bị một số kiến thức cơ bản khi đưa bé đi tiêm phòng. Để tránh xảy ra tình huống rủi ro và tạo điều kiện tốt nhất cho bé khi đi chủng ngừa, phụ huynh cần lưu ý chuẩn bị một số việc sau đây.

1. Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của bé. Để đảm bảo bé có thể thực hiện được mũi tiêm, bạn nên kiểm tra xem trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không. Nếu là bé sơ sinh thì cân nặng của bé có đủ 2,5 kg chưa và bé có đang bệnh hay không.

Nếu bé có sốt hoặc dưới 2,5 kg thì chưa thể tiêm ngừa được. Nếu bé đang bệnh thì bạn cần nói rõ các triệu chứng để bác sĩ thăm khám và quyết định xem bé có thể tiêm được không.

2. Mang theo tất cả sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng của bé. Sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng vô cùng quan trọng khi đưa trẻ đi chủng ngừa vì trong sổ và phiếu sẽ ghi đầy đủ các mũi tiêm mà bé đã được thực hiện trước đây. Điều này giúp rất nhiều cho bác sĩ khi tham vấn để hỗ trợ phụ huynh lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ như tiêm nhắc, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu.

3. Ghi chú về các loại thuốc bé đang sử dụng hoặc từng sử dụng kéo dài trên 2 tuần. Vì có những loại thuốc khi sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine, do đó đây cũng là một thông tin quan trọng mà bố mẹ cần ghi chú và báo cho bác sĩ biết.

4. Ghi chú về các loại vắc xin, thuốc, thức ăn mà bé từng bị dị ứng trước đó. Đây là một thông tin hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa các phản ứng dị ứng có thể xảy ra sau tiêm. Đặc biệt, nếu bé đã từng dị ứng với một loại vaccine đã được tiêm trước đây thì ba mẹ bắt buộc phải báo ngay cho bác sĩ biết.

5. Chăm sóc trẻ sau tiêm là khâu quan trọng. Phụ huynh nên tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc uống thêm nước, uống thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol nếu trẻ sốt hay quấy khóc với liều thuốc là 10 – 15mg/kg cân nặng của trẻ. 

6. Chườm khăn thấm nước lạnh sạch vào vị trí tiêm nếu có sưng đau và không nên hạ sốt bằng thuốc aspirin. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nặn chanh, đắp khoai, kiêng tắm rửa vì dễ gây nhiễm trùng.

Phản ứng có thể gặp sau tiêm là sốt, sưng, nóng, đỏ, đau ngay vị trí tiêm. Những trường hợp này có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nhưng khi trẻ có những biểu hiện như sốt cao trên 38,5 độ C, nổi ban, các triệu chứng sốt, sưng đau tại chỗ, sốt quấy, bú kém, biểu hiện nặng hơn sau 24 giờ, co giật, tím tái... bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Hiện đã có 16 loại vaccine tiêm cho trẻ nhằm phòng các bệnh sau: Bệnh lao - Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bệnh bại liệt - Viêm gan siêu vi B - Bệnh sởi - Bệnh rubella - Bệnh quai bị - Viêm màng não mũ do Hemophilus influenzae typ b (Hib) - Viêm não Nhật Bản - Trái rạ (thủy đậu) - Viêm gan siêu vi A - Cúm - Viêm màng não do não mô cầu - Thương hàn - Viêm dạ dày ruột do Rotavirus - Tả.

- - - - - - - -  -

Xem thêm:

DẤU HIỆU VIÊM NÃO NHẬT BẢN MẸ CẦN BIẾT

LỊCH CHÍCH NGỪA BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2


Nguồn bài viết: NS
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: