Đây là một trò chơi vận động vô cùng đơn giản bố mẹ có thể cùng chơi với con cả ở trong nhà và ngoài trời đều rất thú vị.
“Nguyên liệu” của trò chơi này rất đơn giản: 6 đường thẳng song song với nhau.
Nếu đi chơi ngoài trời, bố mẹ có thể chuẩn bị phấn trắng hoặc phấn màu, vẽ 6 đường thẳng song song với nhau, khoảng cách giữa các đường thẳng tùy thuộc vào độ tuổi của bé (khoảng một bước chân của trẻ).
Nếu chơi ở trong nhà, bạn có thể dùng băng dính màu sắc cắt thành các đường thẳng rồi dán lên sàn nhà.
Với 6 đường thẳng này, bố mẹ có thể cùng con chơi với con 5 trò chơi cực kì vui nhộn dưới đây. Các trò chơi vừa mang lại tiếng cười, vừa giúp trẻ vận động lành mạnh, phát triển thể chất là chiều cao.
1. Nhảy
Có rất nhiều kiểu nhảy xa bố mẹ có thể hướng dẫn con:
- Nhảy từ đường thẳng này tới đường thẳng khác.
- Nhảy hết sức từ một đường thẳng xem con có thể nhảy xa bao nhiêu. (Đối với trẻ lớn, bố mẹ nên khuyến khích con dùng thước đo khoảng cách mình nhảy được và so sánh với các bạn khác).
- Nhảy cách một đường thẳng.
Bạn có thể hướng dẫn con nhảy dẫm chân lên đường thẳng hoặc nhảy vào giữa các đường thẳng để giúp con học cách định vị không gian.
2. Nhảy giật lùi
Cách chơi như trò 1 chỉ khác là để con nhảy lùi lại.
3. Nhảy bằng một chân
Nhảy bằng một chân (nhảy lò cò) là một trong những hoạt động giúp trẻ rèn luyện khả năng giữ thăng bằng. Khi nhảy bằng một chân, có thể con sẽ không nhảy được xa, nhưng hãy khuyến khích con, thậm chí bạn có thể cầm tay bé nếu bé cần giúp đỡ để tự tin với những bước nhảy đầu tiên hơn.
4. Xoạc chân và rướn người
Bắt đầu trò chơi bằng cách đặt một bàn chân ở vạch đầu tiên, sau đó cố gắng xem con có thể xoạc chân đến vạch nào trong khi vẫn giữ chân kia ở vạch đầu tiên. (Đối với trẻ lớn, bố mẹ nên khuyến khích con dùng thước đo khoảng cách mình xoạc được và so sánh với các bạn khác).
Ngoài trò xoạc chân, con có thể chơi trò rướn người cũng rất thú vị. Bố mẹ hãy hướng dẫn con nằm sấp, đặt hai đầu bàn chân trên vạch đầu tiên rồi rướn dần người lên phía trước bằng lòng bàn tay để xem con có thể rướn người chạm tới vạch thứ mấy.
5. Đo chiều cao
Thay vì cách đứng đo chiều cao quen thuộc. Bé có thể nằm xuống để xem mình đã cao được bao nhiêu rồi. Các bé lớn nên được khuyến khích ghi chép lại chiều cao của mình để so sánh với các bạn, còn các bé ít tuổi hơn thì chỉ cần được nằm ườn ra sàn để xem mình cao lớn thế nào là cũng đủ vui vẻ lắm rồi.
Chúc bố mẹ và các bé chơi thật vui, thật khỏe!
+ Xem thêm:
8 TRÒ CHƠI GIÚP CON BẠN PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH TOÀN DIỆN