Mỗi khi xiêu lòng trước ly cà phê kem béo ngậy hay những lát khoai tây chiên giòn tan, chúng ta vẫn phần nào đó ý thức được sự "sa ngã" của mình. Nhưng đối với thức ăn cho trẻ nhỏ, các bố mẹ lại dễ mất cảnh giác hơn. Hậu quả là hàng ngày, bé con của chúng ta vẫn tiêu thụ các loại thực phẩm chứa đầy đường, chất béo bão hòa, hay cả caffeine không hề tốt cho sức khỏe
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ không cần chú trọng vào những món nhiều calorie, thay vào đó, trẻ cần các chất dinh dưỡng phong phú để phát triển toàn diện. Những món ăn và thức uống nhiều calorie đã lấp đầy dạ dày của trẻ một cách nhanh chóng và không còn chỗ cho những thực phẩm khác giàu dinh dưỡng hơn. Thiếu hụt dinh dưỡng chính là thủ phạm ngăn cảm sự phát triển của trẻ.
Vậy thì các bậc cha mẹ nên làm gì? Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu những loại thực phẩm cần phải tránh xa. Những cái tên tiêu biểu bao gồm đồ uống có gas, nước ép trái cây đóng hộp, bánh snack, thực phẩm chế biến sẵn, các loại thạch chế biến sẵn.
Mẹ đã từng có ý định cho con ăn những món ăn nhanh (fast food) hay các thực phẩm chế biến sẵn chưa?
Đồ uống có gas
Sự dễ dãi trong ăn uống ở nhiều gia đình tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc và uống nước ngọt có gas từ khi còn rất nhỏ: có những bé được thử nước ngọt có gas chỉ khi mới vài tháng tuổi. Đơn giản, bố mẹ bé chỉ muốn “chia sẻ” cho con tất cả những món gì mình ăn.
Cho dù được xem xét dưới góc độ nào đi chăng nữa, nước ngọt cũng hoàn toàn không có chất dinh dưỡng. Ngược lại, chúng thường chứa rất nhiều đường và có khả năng làm tổn hại răng của bé, làm bé đầy bụng và không thể ăn các thực phầm bổ dưỡng mà cơ thể thực sự cần.
Nước ép trái cây đóng hộp
Chúng ta thường nghĩ rằng trái cây luôn tốt. Liệu điều đó có chắc chắn là ăn trái cây luôn giúp bé khỏe mạnh hay không?
Chất xơ trong trái cây phần lớn đều mất đi trong quá trình ép nước quả, chỉ còn lại rất nhiều đường. Như vậy, bạn đã biết câu trả lời chính xác về dinh dưỡng cho năm đầu tiên của bé, đó là hãy hạn chế nước ép trái cây.
Ngay cả những loại trái cây được khuyến khích cho bé ăn dặm như táo và lê cũng không còn nhiều lợi ích khi được chế biến dưới dạng nước ép. Lượng đường trong các loại nước trái cây đó sẽ làm gia tăng tốc độ dung nạp thức ăn qua đường tiêu hóa. Khi thức ăn được dung nạp quá nhanh, cơ thể sẽ không có thời gian để hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Sự tăng tốc này còn có thể dẫn đến tiêu chảy ở một số trẻ.
Hẳn mẹ thường được nghe rằng nước trái cây chứa nhiều vitamin C? Thực ra, trẻ có thể hấp thụ đủ lượng vitamin C chỉ với một phần trái cây nhỏ. Do đó, việc cho trẻ uống thêm nước ép trái cây là không cần thiết.
Vậy thì bạn nên cho trẻ loại đồ uống nào?
Những gì em bé của bạn nên uống thay thế? Viện Nhi khoa Mỹ (The American Academy of Pediatrics – AAP) khuyến cáo rằng trẻ dưới 6 tháng không cần uống thêm gì cả ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột; trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi có thể uống một lượng nước ép trái cây nhỏ nhưng sữa mẹ hoặc sữa bột vẫn là thức uống chính, ngoài ra, trẻ đã có thể uống thêm nước lọc. Kể từ 1 tuổi trở đi, trẻ bắt đầu được khuyến khích uống sữa bò.
Bánh snack
Các loại bánh snack vốn là món ăn ưa thích và thuận tiện cho trẻ. Nhưng cũng giống như nước ngọt, chúng sẽ khiến trẻ đầy bụng và chẳng còn chỗ đâu cho thực phẩm dinh dưỡng. Chẳng những vậy, các loại bánh snack còn làm tăng nguy cơ bị sâu răng ở trẻ.
Bánh con gấu là một ví dụ điển hình cho các món bánh snack mà trẻ nên hạn chế trong những bữa ăn nhẹ. Thay vào đó, bạn có thể cho trẻ ăn một lát trái cây. Và nếu bạn cần một loại món ăn nhẹ tiện lợi, thì các loại ngũ cốc ít đường sẽ là một sự lựa chọn hợp lý hơn bánh snack.
Thực phẩm chế biến sẵn
Mỗi người thường có một định nghĩa khác nhau về thực phẩm chế biến sẵn và mức độ chế biến cho phép. Nhưng nhìn chung, thức ăn được chế biến sẵn bao giờ cũng mất đi một hàm lượng dinh dưỡng đáng kể, bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của nhiều chất phụ gia không lành mạnh. Càng được chế biến nhiều, lượng muối và chất béo càng tăng. Những món như mì gói có chứa rất nhiều natri và nếu muốn ăn một cách an toàn, bạn nên nấu chung với một vài trái cà chua nghiền nhuyễn. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ nên có càng ít thực phẩm chế biến sẵn càng tốt.
Các loại thạch tráng miệng
Trong thành phần các loại thạch chứa gelatin, và nhiều bố mẹ cho rằng gelatin có chứa protein vì nó được làm từ xương và sụn động vật. Đáng tiếc là thành phần gelatin trong những món rau câu làm sẵn thường rất ít ỏi. Phần lớn thành phần làm nên các món thạch tráng miệng này chính là đường, phẩm màu, mùi hương nhân tạo và chỉ có một chút gelatin để làm chúng đông lại.
Đúng là các loại thạch tráng miệng rất dễ nuốt, nhưng một chiếc bánh nướng với táo nghiền và chút bột quế vẫn là một món tráng miệng ngon lành mà lại cung cấp một lượng chất xơ và vitamin tốt cho trẻ.
Với những thông tin kể trên, hẳn các bố mẹ sẽ cân nhắc lại các lựa chọn thực phẩm cho bé yêu của mình chứ?
+ Xem thêm:
7 THỰC PHẨM CÓ HẠI CHO BÉ DƯỚI 1 TUỐI MẸ NÊN TRÁNH
7 CÁCH KẾT HỢP THỰC PHẨM CON CÀNG ĂN CÀNG CÒI MẸ NÊN BIẾT