1. Bé uống nhiều sữa mà vẫn không tăng cân, nguyên nhân vì đâu?
Nếu bé đã ăn đủ khẩu phần theo khuyến cáo mà vẫn không tăng cân thì cha mẹ nên xem xét lại các yếu tố sau:
- Lượng sữa bé ăn hàng ngày đã đủ chưa? Mẹ cho ăn hay người khác cho bé ăn rồi báo cáo lại? Vì có thể việc đo lường lượng sữa không được chính xác.
- Sữa được pha phải đúng với hướng dẫn của nhà sản xuất, không dùng nước rau, nước khoáng hay nước cháo để pha sữa cho con vì nó sẽ làm thay đổi thành phần của sữa khiến bé khó hấp thu hơn.
- Thiếu vitamin D cũng là một trong những lý do khiến bé khó hấp thu các dưỡng chất dinh dưỡng khác từ sữa, đặc biệt là canxi. Vì vậy mẹ nên cho bé phơi nắng ít nhất 15 phút mỗi ngày. Nếu không có điều kiện cho con tắm nắng, mẹ có thể bổ sung vitamin D3 cho con qua đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu bé bị bệnh lý nhiễm khuẩn như: loạn khuẩn, nấm đường ruột... thì cũng khó tăng cân. Trong trường hợp này mẹ nên làm xét nghiệm phân cho bé để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời.
2. Bé quá biếng ăn, mẹ phải làm gì?
Bé biếng ăn hầu hết là do người lớn. Có thể các mẹ khó chấp nhận điều này nhưng đó là sự thật. Vì vậy nếu chẳng may bé nhà bạn biếng ăn thì bạn cũng đừng cố đè bé ra mà đút thức ăn vào miệng vì càng làm vậy thì tình trạng biếng ăn càng nặng. Không những thế, việc ép trẻ ăn lại còn ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ. Để trẻ hết biếng ăn, mẹ nên điều chỉnh theo những gợi ý sau:
- Hãy để cho trẻ ăn theo nhu cầu, tuyệt đối không nên ép con ăn.
- Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài đúng 30 phút. Hết 30 phút, bạn ngưng bữa ăn dù bé không ăn được muỗng nào. Đừng xót con nhé!
- Lúc cho con ăn, mẹ hãy nói chuyện với bé. Nếu bé khóc, nhè, phun... mẹ đừng mắng mỏ hay cáu giận mà hãy lau sạch miệng cho con rồi cho ăn tiếp. Tuyệt đối không hù họa, không cho xem tivi hay chơi đồ chơi để "làm mồi".
- Theo bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia), nếu áp dụng tất cả những cách trên một thời gian dài mà bé vẫn biếng ăn, mẹ có thể mạnh tay hơn bằng cách cho bé nhịn đi một vài bữa. Áp dụng cách này mẹ phải chấp nhận bé sẽ sụt cân một thời gian đầu. Nhưng yên tâm, đây là cách mạnh tay nhưng khá hiệu quả.
3. Nấu cháo cho bé ăn cả ngày rồi để vào bình giữ nhiệt có làm mất chất của cháo hay không?
Về nguyên tắc khi con ăn dặm, các mẹ nên nấu một nồi cháo trắng để cho bé ăn cả ngày. Đến bữa mẹ lấy cháo và thêm thịt, hoặc cá, tôm và rau cho bé ăn để đổi bữa cho con.
Trong trường hợp mẹ quá bận phải nấu cháo và thức ăn sẵn cho bé thì nên bảo quản bằng cách để tủ lạnh và hâm lại khi ăn, không nên bảo quản cháo bằng bình giữ nhiệt. Vì nhiệt độ của thức ăn trong bình giữ nhiệt vẫn sẽ giảm, chỉ có điều là giảm chậm hơn so với khi để ở bên ngoài. Và về nguyên tắc thì khi nhiệt độ của thức ăn giảm xuống dưới 60 độ C thì vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển mạnh trở lại và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không còn đảm bảo nữa.
Khi bảo quản thức ăn cho bé bằng tủ lạnh, mẹ nên lưu ý những điều sau:
- Một là là thời gian từ khi thực phẩm được nấu chín đến khi cho vào tủ lạnh không được quá dài, tốt nhất là dưới 2 giờ vì nếu để ở bên ngoài thì sau 2 giờ kể từ khi được nấu chín, thực phẩm sẽ không còn an toàn nữa.
- Hai là nhiệt độ của tủ lạnh phải đạt khoảng 5 độ C trở xuống và khi hâm lại thì phải hâm đến 75 độ C trở lên và thực phẩm phải nóng đều và không hâm nóng quá 2 lần vì thức ăn sẽ bị mất chất.
+ Xem thêm:
5 SAI LẦM MẸ NÀO CŨNG MẮC PHẢI KHI CHĂM CON NHỎ
TẤT CẢ CÁC BÀ MẸ NÊN ĐỌC BÀI NÀY ĐỂ CHĂM CON TỐT