12 Triệu Chứng Nguy Hiểm Của Bé Mẹ Cần Lưu Ý

  13617

Dưới đây là những triệu chứng nguy hiểm được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo cần cho bé được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Khi trở thành cha mẹ, bạn đột nhiên trở thành một chuyên gia y tế về trẻ em. Bạn có thể dựa vào những biểu hiện của cơ thể con mà “chẩn đoán” mức độ nặng nhẹ.

Trực giác của cha mẹ đôi lúc chính xác nhưng cũng nhiều khi lầm lẫn, vì thế bạn cần ghi nhớ 12 triệu chứng dưới đây. Đây là những triệu chứng nguy hiểm được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo cần cho bé được chăm sóc y tế ngay lập tức.

1. Sốt cao

Bé dưới 3 tháng sốt từ 38 độ C trở lên; bé 3-6 tháng sốt từ 38,3 độ C trở lên, bé 6-24 tháng sốt từ 39,4 độ C trở lên cần được đưa đến bác sĩ ngay. Bởi, bạn không thể biết được chính xác nguyên nhân dẫn đến sốt cao và những cách thường được dùng để hạ sốt chưa chắc đã đúng, có thể gây nguy hiểm khi dùng những cách hạ sốt cho người lớn áp dụng cho trẻ con.

Luôn nhớ, bé dưới 3 tháng tuổi sốt đến 38 độ C cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, vì rất có thể bé bị sốt do nhiễm trùng.

2. Sốt kéo dài

Bé bị sốt kéo dài, không hết sau khi được điều trị và kéo dài hơn 5 ngày là một triệu chứng cần được lưu ý. Nếu bạn đã cho con dùng thuốc hạ sốt như Acetaminophen hay Ibuprofen mà nhiệt độ cơ thể bé vẫn không giảm xuống, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa.

Những cơn sốt được gây ra bởi những virus thông thường sẽ mất đi sau năm ngày, chính vì thế, trong trường hợp này, bé cần được kiểm tra y tế để tìm ra nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị phù hợp.

Có khi bé chỉ sốt 38 độ C nhưng kéo dài, đó có thể bị nhiễm trùng do viêm phổi, v.v…

3. Sốt kèm nhức đầu

Bé bị sốt, kèm theo biểu hiện khác như cổ cứng hoặc đau đầu hoặc phát ban hoặc bầm tím, có thể trông thấy những chấm đỏ nhỏ xuất hiện trên da cần được đưa đến bệnh viện ngay. Chúng có thể là triệu chứng của viêm màng não và cần được kiểm tra ngay lập tức.

4. Phát ban

Trên cơ thể bé xuất hiện những vết bầm tím hoặc những chấm đỏ li ti mà khi bạn ấn vào chúng không biến mất. 
Đây có thể là biểu hiện của bệnh Lyme, rối loạn máu hay dị ứng. Nếu bé cũng bị kích động, khó thở hoặc hôn mê, bạn nên gọi bác sĩ ngay.

5. Nốt ruồi không bình thường

Hầu như nhiều người vẫn cho rằng, nốt ruồi mọc trên cơ thể là điều tự nhiên và lành tính. Tuy nhiên, một nốt ruồi mới mọc hay một nốt ruồi cũ thay đổi có thể là triệu chứng của các bệnh liên quan đến da, bao gồm cả ung thư da.

Hãy theo dõi những thay đổi nhỏ nhất trên cơ thể bé, một nốt ruồi nhỏ vẫn có nguy cơ trở thành ác tính. Một nốt ruồi có hình dạng kỳ lạ, không đều màu, đường viền tả tơi, tự nhiên mọc lên trên hẳn lớp da mà có thể nhìn rõ bằng mắt thường… đều là dấu hiệu của ung thư da tiềm năng.

6. Đau bụng đột ngột

Nếu bé bị đau bụng dưới bên phải một cách đột ngột, rồi lặp đi lặp lại, đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Trường bé bị đau bụng dưới bên phải, yêu cầu bé nhảy lên. Nếu bé khó nhọc mới làm được, đó có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa. Cơn đau viêm ruột thừa có thể xuất phát từ rốn và di chuyển sang phía bên phải. Nếu bé sốt, sau đó nôn ói, đau bụng và bị tiêu chảy, đó có thể là dấu hiệu của đau dạ dày. Trong trường hợp bị viêm ruột thừa, bé có thể bị tiêu chảy, sau đó đau bụng, rồi nôn, rồi tiếp tục đau, rồi lại sốt. Bạn nên lưu ý những triệu chứng này, nếu có, cần báo bác sĩ hoặc đưa đến bệnh viện ngay.

Nếu con bạn dưới 4 tuổi, bị đau bụng đột ngột và tăng mức độ đau nhanh chóng, nó có thể là biểu hiệu của lồng ruột. Cơn đau xuất hiện trong vòng 20-60 phút, kèm theo nôn ói, sốt, có máu trong phân… bạn nên gọi bác sĩ hoặc đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

7. Đau đầu kèm nôn ói

Sáng sớm, bé bị đau đầu, hoặc bé bị cơn đau đầu đánh thức vào lúc nửa đêm hoặc kèm theo nôn ói, đó có thể là triệu chứng của chứng đau nửa đầu. Chứng đau nửa đầu thật ra không nguy hiểm, và có xu hướng ảnh hưởng qua lại bởi các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, đây có thể là biểu hiện của một chuyện gì đó nghiêm trọng hơn, là đây là lý do để đưa bé đi khám và kiểm tra sớm nhất có thể.

8. Ít đi tiểu

Khô môi, khô miệng, ít đi tiểu hơn bình thường, da khô, nôn ói, tiêu chảy… là những triệu chứng của tình trạng mất nước ở trẻ em. Tình trạng này cần được điều trị nhanh vì có thể dẫn đến sốc. Gọi bác sĩ ngay và cố gắng cung cấp thêm nước cho cơ thể của con.



9. Môi tái xanh

Môi bé chuyển sang tái xanh hoặc đổi màu quanh miệng, thở nặng nhọc, hổn hển hoặc phát ra âm thanh như huýt sáo khi thở là dấu hiệu nghiêm trọng về hô hấp. Đây có thể là biểu hiện của nghẹt thở, dị ứng, lên cơn suyễn, viêm phổi, ho gà… Hãy gọi bác sĩ hoặc đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

10. Mặt sưng

Lưỡi căng, sung môi hoặc mắt, kèm thêm nôn ói hoặc ngứa là những dấu hiệu đáng báo động. Sưng tấy, khó thở, phát ban nặng là dấu hiệu của sốc phản vệ (một phản ứng dị ứng nghiêm trọng của cơ thể). Gọi ngay bác sĩ để được hướng dẫn sơ cứu và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.

11. Bị nôn sau khi ngã

Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ngã hoặc sau khi ngã mà trẻ có dấu hiệu mất ý thức, nhầm lẫn, nôn ói hoặc gãy xương, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

12. Chảy máu quá nhiều

Khi con bị thương và chảy máu mà bạn không cầm máu cho con được, hãy liên hệ bác sĩ để con được chăm sóc tốt hơn. Luôn gặp bác sĩ trong trường hợp con bị một con vật nào đó hoặc một đứa trẻ khác cắn gây chảy máu, bé cần được bác sĩ kiểm tra kỹ hơn.

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, để có được chẩn đoán chính xác, bạn nên đưa bé đến gặp các chuyên gia y tế hoặc bác sĩ.

+ Xem thêm:

NHỮNG DẤU HIỆU BÉ BỆNH NẶNG MẸ CẦN ĐƯA ĐI BỆNH VIỆN GẤP

5 LƯU Ý KHI TRẺ VIÊM HỌNG CẦN NHẬP VIỆN


Nguồn bài viết: webtretho
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: