Phản Ứng Khi Con Bướng Bỉnh:Năn Nỉ Hay Bỏ Mặc?

  3924

Khi con bướng bỉnh, cha mẹ thường năn nỉ hay bỏ mặc trẻ? 4 cách giải quyết từ chia sẻ của dịch giả Nguyễn Thị Thu sẽ giúp bạn có hướng đi riêng cho mình.

Đã bao giờ bạn bất lực đứng nhìn thiên thần nhỏ của mình hôm nay bỗng dưng không chịu ăn chính món ăn mà bé vẫn luôn thích thú. Hoặc có bao giờ bạn phải rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi con nhất nhất không chịu ra khỏi bồn tằm dù trước đó 5 phút còn không chịu đụng chân vào nước. Năn nỉ hay quát nạt thì cũng chỉ nhận lại ánh nhìn đầy vô tội. Nếu bỏ mặc thì hậu quả hoàn toàn có thể là sự tái diễn của hành động này.

Có lẽ đó là những tình huống mà không cha mẹ nào không gặp phải khi con bước vào giai đoạn từ 1 – 3 tuổi. Thời kỳ này thường được gọi là Thời kỳ phản kháng. Đây là giai đoạn tất yếu mà trẻ nào cũng bắt buộc phải đi qua trong quá trình phát triển về tâm lí, cảm xúc, ý thức cái tôi cá nhân. Đó cũng là dấu hiệu để chứng tỏ sự khẳng định cái tôi của trẻ đang hình thành nên việc cha mẹ tiếp cận ra sao có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và tâm sinh lí sau này của trẻ.

 

Chính vì vậy, dịch giả Nguyễn Thị Thu đã có bài chia sẻ về 4 cách để xử lý những cơn phản kháng của con

Hôm nay mình lại xin gửi đến cha mẹ những cách rất hữu hiệu và thực tiễn mình tóm tắt từ chương trình tư vấn nuôi dạy con trên đài truyền hình NHK dành cho lứa tuổi 0-3 tuổi (đặc biệt là các nhóc ở tuổi 2-3). Mình viết dưới dạng kể tình huống cụ thể để cha mẹ dễ hình dung. Nhân vật chính là cậu bé M được 2 tuổi 1 tháng.

1. Tiếp nhận mong muốn

M rất thích ô tô hay những đồ chơi chạy được như bao cậu nhóc 2-3 tuổi khác. Hôm đó đang ăn cơm trưa nhưng cậu ta nhất quyết đòi mẹ cái ô tô. Mẹ nói để mẹ đi tìm giúp, nhưng mẹ giơ cái nào lên cậu cũng không chịu và khóc lóc. Vì mới 2 tuổi nên vốn từ còn hạn chế, cậu chưa biết nói cho người khác hiểu mong muốn của mình nên nói mãi mẹ chẳng biết cậu muốn gì. Mẹ cầm đại lấy một cái ô tô đến bên cậu. Mẹ bắt đầu dẫn dụ “Cái ô tô này phải không nhỉ. À không phải à. À cái ô tô con thích là cái giống xe cẩu đứng không. À, nhưng cái đó con làm rơi hôm trước đi chơi mất rồi”. Sau những lời dẫn dụ và mẹ đã diễn giải thành từ ngữ rõ ràng những điều cậu muốn nói thì M đã gật đầu, rồi chỉ một vài phút sau là cậu lại vui vẻ trở lại.

Điều quan trọng trong tình huống này khi trẻ có nhu cầu hãy tiếp nhận mong muốn ấy. Rồi tích cực trao đổi, trò chuyện để dẫn dụ và diễn giải ý muốn của trẻ thành câu rõ ràng. Vì trẻ ở giai đoạn này nhiều khi do vốn từ hạn chế nên bé không biết diễn tả mong muốn của mình một cách trọn vẹn để người khác hiểu. Hơn nữa tiếp nhận mong muốn còn có tác dụng to lớn đó là nuôi dưỡng cái tôi lớn lên khỏe mạnh. Càng trẻ nào được cha mẹ tiếp nhận nhu cầu chiều chuộng một cách hợp lí thì càng có một tâm hồn phát triển khỏe khắn, càng có tự tin. Vì trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương dạt dào từ cha mẹ.

2. Thể hiện sự dứt khoát, quyết đoán khi truyền tải thông điệp cho trẻ

Ăn cơm xong M được mẹ dẫn ra bồn nước để rửa tay, rửa miệng. Nhưng cậu nhất quyết đòi đứng nghịch thêm với vòi nước chút xíu nữa cơ. Mẹ nói rất dứt khoát với cậu “Không được. Con không được nghịch nước nữa”. Dùng dằng độ 1 phút cậu mới chịu bước từ ghế xuống nhưng vẫn cố nói thêm “Con vẫn muốn nghịch nước cơ”. Khi M bước xuống rồi mẹ liền gấp cái ghế lại để vào góc nhà thì cậu lăn ra ăn vạ “Không, tự gấp cơ, tự gấp cơ” để đòi gấp cái ghế nhựa đó. Thế là mẹ liền nói “Ừ, con muốn tự gấp đúng không. Mẹ để con tự gấp đây”. Rồi mở lại cái ghế cho cu cậu tự gấp rồi chỉ chỗ để cu cậu cất đi.

Thế đấy, tình huống này vừa cương vừa nhu nhưng rất hợp lí. Cái nào chiều theo nhu cầu thì chiều trẻ, nhưng cái nào không được, cái nào vi phạm vào khung giới hạn cho phép thì cha mẹ hãy thể hiện thái độ cương quyết dứt khoát để cho trẻ hiểu.Thông qua cách xử lí như vậy trẻ cũng sẽ học được cách điều chỉnh sự mong muốn của bản thân để phù hợp với cha mẹ và sau này là với người khác. Đó cũng là một bài học về sự tiết chế, biết trước biết sau. Đồng thời nó cũng giúp cả cha mẹ điều chỉnh cảm xúc hay sự bực bội của mình, tránh tình trạng lúc nào cũng cứ phải gồng mình chiều theo mong muốn của con.

3. Mặc kệ nó

Hôm đó hai mẹ con cùng ngồi xem máy ảnh. Nhưng M nhất quyết đòi nghịch ống kính và mẹ dứt khoát không đưa. Cậu lăn ra ăn vạ rất to. Mẹ dỗ, mẹ bế kiểu gì cu cậu cũng không nín vẫn cứ lăn lộn khóc. Mẹ liền để mặc cậu nằm đấy khóc và đi ra chỗ khác. M vẫn khóc, nhưng chỉ một chút sau là tự nín đứng dậy đi ra chơi chỗ mẹ.

Khi không còn cách nào khác dù đã mềm mỏng, đã cứng rắn rồi thì mặc kệ nó là chiêu hữu hiệu. Vì đó là cách để trẻ được ở một mình, bình tĩnh lại, rồi tự mình điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân. Nên cha mẹ để mặc kệ nó cho đến khi nó tự khỏi, hoặc mặc kệ nó trong vòng 5-10 phút chính là cho trẻ cơ hội để trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân đó.

4. Lảng sang chuyện khác để đánh lạc hướng

Hôm ấy M giúp mẹ rửa bát. Hai mẹ con rửa bát xong rồi mà cậu vẫn khoái trò nghịch vòi nước chảy. Mẹ nói là “Vậy thì mình chỉ chơi thêm 5 phút thôi nhé”, rồi lấy đồng hồ bấm giờ. Thế nhưng hết 5 phút rồi mà cu cậu vẫn không có ý định dừng lại chỉ vì cậu thích nghe tiếng “zà, zà” của vòi nước. Mẹ đã kiên nhẫn nói rằng mình đã chơi hết 5 phút rồi nên con phải giữ lời hứa, không được chơi nữa. Cu cậu vẫn không nghe (vì tầm 2-3 tuổi bé chỉ tập trung vào ý thức của bản thân chứ chưa hiểu lí lẽ nhiều nên mẹ có giải thích nhiều đôi khi cũng không hiệu quả).

Thế là mẹ liền tắt vòi, bế M chạy đi chỗ khác khiến cậu la toáng lên khóc lóc ăn vạ. Mẹ bế đến bên ghế rồi dụ “Mình đi chơi cát ngoài sân đi. Hôm nay mình chưa đi mà”. Chỉ 1-2 phút sau khi mẹ thuyết phục là M đã xuôi xuôi vụ vòi nước, và lại hớn hở trở lại ngay rồi háo hức đi chơi cát cùng mẹ.

+ Xem thêm:

NHẬN BIẾT 6 KIỂU KHÓC CỦA BÉ ĐỂ ĐỐI PHÓ

CHA MẸ NẾU QUÁ THƯƠNG CON, DỄ TẠO RA MỘT ‘THẾ HỆ ĂN BÁM’


Nguồn bài viết: Dịch giả Nguyễn Thị Thu
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: