Mẹ Dùng Thuốc Hạ Sốt Sai Cách Bé Bị Suy Thận Suy Tim Ngộ Độc Gan

  27521

Có nhiều mẹ thiếu kiến thức về việc tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ tại nhà gây nên những biến chứng nguy hiểm như: ngộ độc thuốc, co giật, suy thận, suy tim, thậm chí tử vong…

Sau khi nghe xong câu chuyện của chị Mơ có con 15 tháng phải nhập viện gấp vì mẹ đã tự dùng thuốc hạ sốt cho bé quá liều. Mình muốn chia sẻ với các mẹ ngay với mong muốn chúng ta hãy hết sức cẩn trọng khi chăm sóc con trẻ lúc ốm đau. Đặc biệt, khi cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc nào cũng phải có sự chỉ định của bác sĩ, không nên tùy tiện gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Chị Mơ nhà ở quận Thủ Đức vừa trải qua nỗi sợ hãi tột cùng khi chị cho con uống thuốc hạ sốt với liều cao khiến bé bị co giật, buồn nôn và tím tái. Chị kể con chị mới 15 tháng tuổi, cân nặng 12kg. Hôm rồi con sốt cao 39,5 độ giữa đêm, chị cho cháu uống gói paracetamol 250mg, chừng 1 giờ sau chưa thấy giảm nhiệt, chị cho cháu dùng thêm viên đạn hạ sốt efferalgan 150mg nữa. Dùng hai lần liên tiếp cả uống và đặt như vậy sau 2 tiếng thì bé có những biểu hiện co giật, nôn. Vợ chồng chị vội đưa con vào bệnh viện Nhi đồng cấp cứu gấp.

Theo BS. Trịnh Hữu Tùng, BV. Nhi Đồng 2. Hai loại thuốc mà chị đã cho con uống và đặt đồng thời đó đều có chứa chung hoạt chất paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen). Đây là loại thuốc hạ sốt giảm đau thông dụng và có nhiều tên thương mại khác nhau. Việc cho con dùng thuốc chỉ căn cứ vào tên thuốc mà không biết hoạt chất của thuốc rất dễ bị quá liều. Bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ dùng cả thuốc uống và đặt để hạ sốt thực chất là sự lo ngại về tình trạng cho trẻ dùng thuốc quá liều quy định. Paracetamol khá an toàn ở liều dùng thông thường, nhưng với liều cao gây độc, thuốc sẽ gây những tác hại đáng kể, nhất là với gan (gây hại gan).


Các mẹ nhớ nhé: khi trẻ sốt cao, cần đi khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc để tránh biến chứng nguy hiểm.

Cụ thể ở đây, bé chỉ nặng 12kg mà chị Mơ cho con dùng tổng cộng cả liều uống và đặt là 400mg/lần là quá nhiều so với quy định. Ở trẻ em, liều paracetamol là 10mg/kg trọng lượng cơ thể và có thể lặp lại liều như trên sau mỗi 4-6 giờ nên tuyệt đối không được dùng quá liều 60mg/kg cân nặng trong một ngày và kéo dài quá 5 ngày. Các mẹ cũng nhớ là dù thuốc uống hay thuốc đặt hậu môn có tác dụng như nhau và liều lượng dùng như nhau.

Việc lạm dụng và cho con dùng thuốc quá liều như chị không phải là hiếm và không ít trẻ gặp nguy vì các tác dụng phụ ở liều cao do paracetamol gây ra như: sau khi trẻ uống paracetamol quá liều khoảng vài giờ, thường là dưới 24 giờ, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn. Nếu tiếp tục cho trẻ dùng liều cao vài lần, các biểu hiện ngộ độc của trẻ đã tăng lên nhiều và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn.

Từ 24 giờ – 48 giờ, các triệu chứng về gan ở trẻ nặng lên. Nếu sờ bên mạng sườn của trẻ phải thấy gan sưng to, sờ vào đó thấy gan đau. Thêm vào đó, trẻ bị ngộ độc paracetamol đến giai đoạn này có thể xuất hiện triệu chứng của vàng da… có thể khiến trẻ tiểu ít. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy thận, bệnh cơ tim với suy tim và rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.

Cách hạ sốt và dùng thuốc cho trẻ đúng cách:

Bác sĩ Tùng chia sẻ thêm khi con sốt trước hết mẹ nên đo nhiệt độ, lau mát cho con bằng nước ấm. Ngay cả khi trẻ sốt cao giữa đêm mà uống thuốc không hạ nhiệt, cần đưa trẻ tới viện ngay để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm do sốt cao.

Trẻ bị sốt kèm đi ngoài phân lỏng thì tốt nhất nên dùng thuốc đường uống. Trẻ bị sốt nhưng không uống được thuốc, nôn nhiều thì nên dùng thuốc đặt hậu môn.

Để hạ sốt đạt được hiệu quả cao và nhanh cho trẻ thì ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn, hoặc uống thêm Oresol theo chỉ dẫn….

Các mẹ cần cho bé nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng, theo dõi nhiệt độ của trẻ 20 phút – 30 phút/1 lần.

Không nên dùng thuốc quá liều do có thể gây ngộ độc Acetaminophen biểu hiện như đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng, nặng nề hơn trẻ có thể bị tổn thương gan dẫn đến vàng da, vàng mắt, li bì…

Không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bị các bệnh gan, tim, thận… mà không có hướng dẫn của bác sỹ.

Trường hợp phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có 1 trong số các triệu chứng sau:

+ Sốt cao > 40 °C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24h.

+ Trẻ bị co giật, mệt li bì.

+ Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.

+ Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái.

Các mẹ ơi sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Khi con bị sốt các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm nguyên nhân điều trị để an tâm nhé.

+ Xem thêm:

NHỮNG CÁCH HẠ SỐT SAI BÉT CHO CON MÀ MẸ VẪN ÁP DỤNG

9 CÁCH HẠ SỐT AN TOÀN HIỆU QUẢ CHO BÉ KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: