Mẹ Bổ Sung Vit D Sai Cách Hại Con Tổn Thương Thận Và Bàng Quang

  7654

Dù có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hệ xương vững chắc cho trẻ, thế nhưng, bổ sung vitamin D quá nhiều lại là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm bàng quang, tổn thương thận, thậm chí là tử vong.

Dù có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hệ xương vững chắc cho trẻ, thế nhưng, bổ sung vitamin D quá nhiều lại là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm bàng quang, tổn thương thận, thậm chí là tử vong.

Lành tính nhưng không vô hại

Thời gian gần đây, cu Tít nhà chị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) bỗng dưng có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi lại thường xuyên đi tiểu và mỗi lần chỉ đi được chút ít. Thỉnh thoảng, bé lại kêu đau bụng, nửa đêm hay quấy khóc. Tưởng do thay đổi thời tiết nên bé mệt mỏi, thế nhưng khi cho đi khám, chị tá hóa phát hiện ra cu Tít đang bị thừa canxi huyết mà nguyên nhân là do chị bổ sung vitamin D quá đà.

Trước đó, thấy cu Tít có biểu hiện rụng tóc, còi xương, chị đã đặt hàng của một người quen xách tay lọ vitamin D của Pháp về. Theo hướng dẫn sử dụng, mỗi ngày chị cho con uống khoảng 4-5 giọt, không hề nhiều hơn. Thế nhưng, theo các bác sĩ chuyên khoa, loại thuốc này dùng để bán trong nội địa Pháp nên thích hợp với khí hậu ít nắng của nước ôn đới. Trong khi đó, Việt Nam lại có khí hậu nhiệt đới, nắng nhiều nên nếu sử dụng cùng hàm lượng như vậy trong thời gian dài sẽ dẫn đến thừa vitamin D, tăng canxi huyết. Cũng may gia đình kịp thời đưa bé đến bệnh viện nên thận chưa bị ảnh hưởng.

Trẻ dễ tổn thương thận vì bổ sung vitamin D quá đà

Nhắc đến thừa vitamin D, có lẽ nhiều người còn cảm thấy xa lạ, bởi lẽ, trước nay người ta mới chỉ nghe đến thiếu vitamin D mà thôi. Thực tế, khảo sát năm 2014 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ ra rằng: Tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu vitamin ở trẻ nhỏ tại vùng nông thôn và thành phố lần lượt là 53,7% và 62,1%. Cũng bởi lý do này mà khi nhắc đến vitamin D, hầu hết các mẹ đều nghĩ đến việc thiếu chứ không mấy quan tâm đến vấn đề thừa.

Hầu hết cha mẹ đều chỉ nghĩ đến việc bổ sung thêm vitamin cho trẻ mà không chú ý đến khả năng bị thừa.

Tính đến thời điểm này, chưa có số liệu thống kê chính thức về tình trạng thừa vitamin D ở trẻ. Tuy nhiên tại các bệnh viện hàng năm vẫn ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện với các biểu hiện điển hình của thừa vitamin D như buồn nôn, ói mửa, chán ăn, khát nhiều, đa niệu, táo bón, đau bụng, yếu cơ, đau cơ và khớp, lẫn lộn, mệt mỏi, thậm chí tổn thương thận.

Mặc dù trên thực tế, vitamin D có thể tích lũy trong cơ thể và giải phóng dần dần, thế nhưng, nếu bổ sung ngay một lượng quá lớn hoặc mỗi ngày bổ sung một lượng lớn hơn nhu cầu cơ thể cần thì tình trạng ngộ độc hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị viêm bàng quang, tổn thương thận, tăng huyết áp.

Tắm nắng 15-30 phút mỗi ngày: Không cần bổ sung vitamin D

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ thiếu vitamin D thường có biểu hiện ngủ không sâu giấc, đêm hay trằn trọc, giật mình, ra nhiều mồ hôi. Cũng chính vì ra nhiều mồ hôi mà trẻ có dấu hiệu rụng tóc hình vành khăn. Với trẻ lớn hơn thì thóp rộng, chậm liền việc mọc răng và các hoạt động khác cũng chậm hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ có dấu hiệu trên là trẻ bị thiếu vitamin D. Việc kết luận trẻ có thiếu vitamin D hay không phải được các bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm. Do đó, nếu cha mẹ tự ý bổ sung, rất dễ tới tình trạng thừa ở trẻ.

Tắm nắng hàng ngày giúp trẻ nhận đủ vitamin cần thiết cho cơ thể.

Thực tế, cơ thể hoàn toàn có thể tổng hợp vitamin D qua ánh nắng mặt trời. Thế nên, theo Tiến sĩ Hưng, chỉ cần khoảng 15-30 phút tắm nắng mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa hè, trẻ đã có đủ lượng vitamin D cần thiết. Chỉ trong những ngày mùa đông, khi ánh nắng giảm về cường độ, trẻ mới có nguy cơ thiếu vitamin D. Khi tắm nắng, cha mẹ cần cởi bớt quần áo của trẻ, để da trẻ tiếp xúc với nắng nhiều nhất có thể.

Ngoài việc tắm nắng hàng ngày, nên bổ sung cho bé các thực phẩm giàu vitamin D như cá thu, cá hồi, các loại nấm, trứng, thịt, ngũ cốc, sữa, sữa chua, phô mai. Với trẻ đang bú mẹ, thì người mẹ nên có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng. Nói chung, vitamin D chỉ nên bổ sung khi trẻ có vấn đề bất thường về sức khỏe và cần bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), trẻ em không nên dùng vượt quá 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D/ngày. Thực tế, đây là tổng hàm lượng vitamin D cần thiết, chứ không phải chỉ là hàm lượng chúng ta cần bổ sung thêm từ các loại thực phẩm chức năng. Điều đó có nghĩa là nếu trẻ đã tiếp nhận vitamin D từ thực phẩm, từ ánh nắng mặt trời thì các nguồn bổ sung khác sẽ phải giảm đi, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng thừa. Tất nhiên, hàm lượng bổ sung thế nào sẽ phải do bác sĩ quyết định.

+ Xem thêm:

TÁC HẠI CỦA VIỆC BỔ SUNG CANXI CHO BÉ KHÔNG ĐÚNG CÁCH

BÉ SƠ SINH HAY VẶN MÌNH KHI NGỦ CÓ PHẢI THIẾU CANXI


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: